Giải pháp bao thanh toán trong tài trợ chuỗi cung ứng từ ngân hàng

15:22 | 27/03/2020

Trước xu thế toàn cầu hóa và thương mại quốc tế mở rộng, các ngân hàng đã đẩy mạnh cung cấp sản phẩm bao thanh toán bên bán trong tài trợ chuỗi cung ứng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp.

giai phap bao thanh toan trong tai tro chuoi cung ung tu ngan hang
Ngân hàng ứng dụng giải pháp bao thanh toán nhằm tạo điều kiện tối đa hỗ trợ doanh nghiệp

Trao đổi với báo chí, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết: "Việc kết nối, tài trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu luôn được ngành Ngân hàng quan tâm và khuyến khích hệ thống tổ chức tín dụng chủ động mở rộng thực hiện. Trong điều kiện các hình thức tài trợ tài chính khác chưa phát triển mạnh thì các ngân hàng thương mại Việt Nam đang là những đơn vị chính cung ứng các sản phẩm tài trợ vốn theo chuỗi cung ứng, đáp ứng phần lớn nhu cầu luân chuyển vốn của doanh nghiệp".

Trong đó, việc ứng dụng giải pháp bao thanh toán bên bán trong tài trợ chuỗi cung ứng được xem là một trong những giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, nâng cao uy tín, năng lực tài chính; đồng thời giảm thiểu rủi ro so với phương thức thanh toán truyền thống.

Theo đó, sản phẩm bao thanh toán bên bán trong tài trợ chuỗi cung ứng là sản phẩm tài trợ thương mại, trên cơ sở thỏa thuận hợp tác với người mua lớn, ngân hàng thực hiện ứng trước các khoản phải thu cho các bên bán (của người mua), với điều kiện các khoản phải thu được người mua chấp thuận thanh toán vô điều kiện, không hủy ngang khi đến hạn thanh toán.

Thông qua sản phẩm này, việc quản lý tài khoản thanh toán được quản lý tập trung và chuyên nghiệp bởi ngân hàng, giảm thiểu rủi ro không thu hồi được nợ. Bên cạnh đó, người bán chủ động dòng vốn lưu động sẽ tối thiểu hóa các khoản phải thu và thời gian thu hồi các khoản phải thu.

Nắm bắt được những tiện ích này, mới đây, VietinBank đã chính thức cung cấp sản phẩm Bao thanh toán bên bán trong tài trợ chuỗi cung ứng trên hệ thống CoreBanking hiện đại.

Thông qua sản phẩm mới được ra mắt này, VietinBank cũng mang tới giải pháp tài chính toàn diện và hiệu quả với chi phí tài chính thấp giúp bên bán tiếp cận nguồn vốn lưu động nhanh chóng; đồng thời giúp bên bán thiết lập nguồn cung ổn định và hỗ trợ tăng cường mối quan hệ song phương giữa bên mua và bên bán.

Sản phẩm được Viettinbank ứng dụng xuất phát từ nhu cầu mua hàng trả chậm của người mua và đảm bảo nhu cầu vốn lưu động cho người bán, sản phẩm Bao thanh toán bên bán được triển khai phổ biến ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt phát triển nhanh chóng ở châu Âu, châu Á và châu Mỹ. Các bên tham gia giao dịch ngày càng nhận ra những lợi ích đáng kể mà dịch vụ này mang lại, kể cả trong thanh toán nội địa lẫn quốc tế.

Cạnh tranh với sản phẩm này, Sacombank cũng đã triển khai dịch vụ bao thanh toán cho nhà cung cấp, nhà cung ứng. Theo đó, Sacombank sẽ hỗ trợ thẩm định về mức độ uy tín của bên mua và ứng trước đến 80% khoản phải thu mà không cần tài sản đảm bảo. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp bán hàng theo phương thức trả chậm, Sacombank còn cung cấp cho doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa theo phương thức trả chậm ra nước ngoài (hiện tại là thị trường Campuchia và Lào).

Ngoài ra, Sacombank còn triển khai mạnh mẽ các gói giải pháp tài trợ chuỗi khép kín từ nhà phân phối, đại lý đến nhà cung cấp, nhà cung ứng của nhiều doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng và kênh phân phối trải rộng trên phạm vi lớn trên lãnh thổ Việt Nam.

Với chính sách ưu đãi này của Sacombank, nhà phân phối và đại lý của các doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi nổi bật bao gồm ưu đãi về phí giao dịch tài khoản, phí bảo lãnh, lãi suất cho vay và đặc biệt tỷ lệ tài trợ đối với tài sản đảm bảo là bất động sản có thể lên đến 100% giá trị tài sản.

Với gói giải pháp này, nhà phân phối và đại lý của các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn vay nhanh và kịp thời của Sacombank với lãi suất cho vay rẻ hơn từ 1% - 2%/năm so với khách hàng thông thường, qua đó chủ động được nguồn vốn kinh doanh, tiết kiệm chi phí và thời gian giao dịch; còn các doanh nghiệp thì tăng doanh số bán hàng với chi phí thấp, chủ động kế hoạch tài chính, giảm chi phí quản lý các khoản phải thu và hơn hết là chia sẻ được rủi ro thanh toán với Ngân hàng.

Có thể thấy, việc triển khai mạnh mẽ dịch vụ bao thanh toán của các ngân hàng hiện nay đã phần nào giải quyết được tình trạng hoạt động bao thanh toán ở Việt Nam được đánh giá phát triển còn khá khiêm tốn và thiếu định chế tài chính cho vay không nhận tiền gửi.

Để hoạt động này mở rộng hơn nữa tại hệ thống các ngân hàng, nhiều chuyên gia tài chính- ngân hàng cho rằng: Các ngân hàng cần phải xây dựng một nền tảng công nghệ đủ mạnh giúp xác thực công nợ thanh toán của người mua. Từ đó, hỗ trợ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kết nối vào chuỗi cung ứng hàng hóa.

Hương Giang

Tin đọc nhiều