Giải pháp cho DN: Không chỉ chờ lãi suất giảm

15:37 | 09/04/2012

Số các DN phá sản, giải thể của Việt Nam trong quý I/2012 tăng khá cao. Đầu tháng 3/2012, NHNN quyết định giảm lãi suất huy động 1% đã mang lại chiều hướng tích cực cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, các DN cho biết họ cần có nhiều giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn chứ không chỉ trông chờ vào giảm lãi suất.

Ảnh: sưu tầm
Nhiều DN sản xuất cầm chừng chờ vượt qua giai đoạn khó khăn. (Ảnh: St)

Số lượng DN giải thể tăng cao

Theo báo cáo mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quý I/2012, số DN phá sản, giải thể tăng cao, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong quý I, TP. Hồ Chí Minh có tới 931 DN khóa mã số thuế tại Cục Thuế, trong đó 526 DN đã hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản. Số các DN phá sản này đã tăng 23,8% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 137 DN so với quý I/2011.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong quý I/2012, nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn và dự báo từ nay đến cuối năm còn nhiều biến động. Số DN ngừng hoạt động và xin giải thể sẽ tiếp tục còn tăng lên. Theo các DNNVV, khó khăn lớn nhất hiện nay của họ chính là đầu tư ra sản phẩm. Do việc tiêu thụ gặp khó khăn khi người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, khiến hàng tồn kho lớn, vòng quay vốn rất chậm nên dù lãi suất có hạ, doanh nghiệp cũng không dám vay. Ông Nguyễn Thanh Hòa - Phó giám đốc Công cổ phần Viglacera Hợp Thịnh cho biết, năm 2011, công ty đã sản xuất và tiêu thụ 98 triệu viên gạch các loại, đạt doanh thu 91 tỷ đồng, lợi nhuận 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên trước tình hình kinh tế khó khăn, tình hình tiêu thụ giảm nên công ty cũng sản xuất cầm chừng. Tuy nhiên không thể phủ nhận là mặc dù đã hạ khá thấp so với thời gian trước, song mặt bằng lãi suất hiện vẫn còn khá cao, cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận tín dụng cũng khó khăn hơn.

Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội DNNVV Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, DNNVV ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay với mức lãi suất giảm. Loại trừ các DN có mối quan hệ thân thiết lâu năm với ngân hàng nhưng lãi suất cũng không hề dễ chịu khoảng 17%/năm.

Bên cạnh đó, trong hoàn cảnh các DN đang thiếu vốn, sản xuất kinh doanh hiệu quả thấp thì áp lực nộp thuế cũng đang khiến DN khó khăn hơn. Ông Ngọc cho rằng, Nhà nước, nên có những chính sách giảm, giãn thuế cho DN, cho một số ngành, thậm chí một số lĩnh vực…

Trông chờ chính sách

Trước những khó khăn của nền kinh tế, áp lực về thiếu vốn, lãi suất cao, tình hình thị trường không ổn định, các DN hiện đang trông chờ vào những chính sách của Chính phủ cũng như của NHNN. Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quyết liệt tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước có biện pháp hiệu quả để kiểm soát, kiềm chế lạm phát trong thời gian sớm nhất, hướng tới việc giảm mức lãi suất xuống mức hợp lý. Quan trọng nhất là những chính sách của Chính phủ sẽ đi vào thực tiễn một cách nhanh nhất giúp cho các DNNVV từng bước vượt qua khó khăn.

Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cho rằng, để hỗ trợ các DN, đầu tiên là hỗ trợ về chính sách, tùy từng thời điểm mà có những chính sách hỗ trợ ưu tiên về lãi suất thấp hoặc tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn. Thứ hai có thể giãn, hoãn, miễn thuế, nhất là đối với các DN có phương án kinh doanh tốt, có thể phát triển được trong thời gian tới. Thứ ba là trên cơ sở DN có những dự án tốt, kinh doanh có hiệu quả thì có thể giãn, hoãn nợ tạo điều kiện cho họ có điều kiện phát triển. Tổng hợp 3 yếu tố đó lại ta mới có điều kiện giúp các DNNVV tạo sự ổn định hoặc tạo được vốn cho DN có thể phát triển lâu dài, bền vững.

Một trong những giải pháp đang được một số DN quan tâm hiện nay chính là chính sách mua nợ của Nhà nước. TS. Lê Đăng Doanh cho biết, theo kinh nghiệm của một số nước là Nhà nước mua lại nợ của DN. Nhà nước ứng vốn mua lại nợ đó, bảo đảm thanh khoản cho DN hoạt động. Sau khi DN hoạt động tốt rồi, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán cũng ấm lên thì lúc đó Nhà nước bán cổ phiếu đó ra và thoái vốn. Vì vậy, Việt Nam cũng nên thành lập quỹ và có chính sách mua lại nợ để giúp cho các DN đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trước khi trông chờ vào những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các DN cũng phải tự có những giải pháp tự cứu cho riêng mình. Hiện có rất nhiều DN vẫn sản xuất kinh doanh có lãi do họ có những chiến lược kinh doanh hiệu quả như tiết kiệm chi phí, tập trung phát triển theo chiều sâu, không mở rộng mạng lưới kinh doanh… Bên cạnh đó, các DN cần tiếp tục thực hiện tái cấu trúc DN, đa dạng hóa các nguồn vốn để không bị quá phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng…

Nguyễn Minh

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều