Giảm lãi suất và cơ hội sàng lọc doanh nghiệp

09:36 | 05/06/2012

"Chính phủ cần có quỹ đứng ra bảo lãnh để ngân hàng không cảm thấy “sợ” khi cho doanh nghiệp vay", bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID GROUP) kiến nghị.

Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng lãi suất sẽ thấp hơn ngay lúc này. Tuy nhiên, lãi suất hạ bao nhiêu là hợp lý lại là bài toán liên quan đến cả cân đối vĩ mô của nền kinh tế, ở đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước với cả ngân hàng (NH) và DN bằng một quỹ trung gian.

Có thể nói, CPI giảm đã trở thành một trong những điều kiện để NHNN giảm lãi suất và rõ ràng NHNN trong thời gian rất ngắn đã có những động thái liên tục điều chỉnh chính sách để lãi suất huy động đầu vào giảm và lãi suất cho vay cũng giảm. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, thực tế hiện nay các DN vẫn rất khó tiếp cận với nguồn vốn.

Thực tế, NH cũng muốn cho vay, nếu không việc trả lãi cho nguồn vốn huy động từ người dân là 11% cũng sẽ gây khó khăn cho NH. Hiện nay, NH cũng đang bị tắc nghẽn trong vấn đề lưu chuyển vốn, chịu lỗ chứ không phải mình DN.

Vấn đề cần nhìn từ 2 phía NH và DN, nhưng cho dù có nói gì cũng phải tạo ra một dòng vốn để cho nền kinh tế hoạt động trở lại bình thường. Muốn như thế phải tập trung giải quyết hàng tồn kho cho DN.

Ngân hàng thực chất cũng là DN và họ phải tuân thủ những chuẩn mực mang tính quốc tế của hệ thống ngân hàng. Bất kỳ DN nào muốn vay NH phải có phương án sản xuất kinh doanh. Nhưng nếu DN đưa ra phương án với một lượng hàng tồn kho lớn, điều đó có nghĩa một lượng vốn lớn đang tồn lại trong khi một phần vốn trong đó DN đã đi vay ở NH rồi. Vốn bị đọng và không có sự lưu chuyển đồng vốn nên NH sợ cũng là điều dễ hiểu.

Chỉ khi hàng tồn kho được tháo gỡ, DN có lượng tiền vào thì lúc đó phương án sản xuất kinh doanh mà DN trình NH mới có tính khả thi. Trên thực tế, bây giờ NH mà có những đối tác tốt thì sẽ đến tận nơi để năn nỉ. Họ rất muốn cho vay với những đối tác mà họ an tâm, không sợ có những rủi ro tín dụng. Mặc dù, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 của chúng ta khoảng 16% nhưng nếu không có giải pháp tốt hỗ trợ cho khối DN trong việc giải quyết hàng tốn kho, tạo điều kiện cho DN thì mục tiêu này khó thành hiện thực.

Phân tích như vậy để thấy câu chuyện không đơn thuần chỉ là lãi suất nữa. DN có thể chấp nhận mức lãi suất 10% hoặc 14% nếu họ có dòng tiền vào và dòng vốn phải luân chuyển, không thể ngừng trệ được. NH có những chuẩn mực áp vào mang tính quốc tế, không thể làm khác được nếu NH chấp nhận rủi ro cho DN vay dưới chuẩn. Câu chuyện của ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) là một bài học đắt giá.

Rộng hơn, đây không phải là câu chuyện giữa NH với DN nữa mà Chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho DN để DN giảm lượng hàng tồn kho, có vốn đầu vào. Chính phủ cần có 1 quỹ nào đó đứng ra bảo lãnh để NH không cảm thấy “sợ” khi cho DN vay. Đây là một động thái để giảm bớt rủi ro cho NH bởi NH rất sợ nợ xấu còn DN không thể có đủ tài sản hoặc phương án kinh doanh tốt để vay vốn với NH khi hàng hóa tồn kho nhiều.

Tuy nhiên, một chính sách công bằng không thể cào bằng tất cả các đối tượng như nhau được. Cũng như thị trường, cần có sự phân loại và những DN tốt sẽ được hưởng nhiều hơn, còn DN không tốt sẽ bị đào thải. Đó là sự sàng lọc tự nhiên. Tuy nhiên có những DN tốt nhưng do khó khăn tức thời, không cân đối được dòng vốn nên cần có sự xem xét cứu những DN này.

Trong cơn bão thị trường vừa qua, chúng ta có DN “hy sinh”, và qua đó, chúng ta sẽ sàng lọc được những DN thực sự mạnh để đóng góp tốt cho nền kinh tế.


Theo
DDDN

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều