Giảm thiểu rủi ro để phát triển ngành gỗ bền vững

14:00 | 15/11/2019

Nhiều chuyên gia nhận định, gian lận thương mại trong ngành gỗ đang là rủi ro rất lớn cho chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Gian lận thương mại là thách thức lớn nhất với ngành gỗ xuất khẩu
Không để tình trạng trục lợi, giả danh gỗ Việt để xuất khẩu
Thiếu nguyên liệu làm khó ngành gỗ

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) chia sẻ, theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tháng 10/2019 ước đạt 1,049 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 10 tháng ước đạt 9,041 tỷ USD. Với đà tăng trưởng này, ngành gỗ Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 11 tỷ USD.

giam thieu rui ro de phat trien nganh go ben vung
Kiểm soát rủi ro trong gian lận thương mại cần là ưu tiên hàng đầu của ngành gỗ

Ở chiều ngược lại, kể từ năm 2018 trở lại đây, đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến gỗ tăng khá nhanh. Số doanh nghiệp ngành gỗ có vốn FDI đăng ký mới trong 10 tháng năm 2019 cao hơn 2,3 lần so với tổng vốn đăng ký cả năm 2018. Ngành gỗ đang chứng kiến sự mở rộng đầu tư FDI trên cả 3 hình thức: các dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua mua cổ phần, trong đó Trung Quốc là quốc gia đứng đầu danh sách các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam với 40 dự án, chiếm gần 60% trong tổng số dự án đầu tư.

Theo “Báo cáo giảm rủi ro để phát triển bền vững cho ngành gỗ Việt Nam” do VIFORES công bố mới đây, các loại ván, bao gồm ván bóc, ván lạng, ván dăm và gỗ dán là các mặt hàng nhập khẩu với số lượng và giá trị tăng nhanh trong thời gian gần đây. Cụ thể, ván bóc, ván lạng có lượng tăng nhanh trong giai đoạn 2017-2018, với kim ngạch khoảng trên 120 triệu USD/năm, lượng nhập khẩu trên 165.000m3 sản phẩm. Tăng trưởng trong nhập khẩu các mặt hàng này vẫn được duy trì trong năm 2019.

Con số tăng trưởng này khiến ngành gỗ phần nào thấy lo ngại nhiều hơn cho sự phát triển bền vững bởi tăng trưởng nhập khẩu diễn ra trong bối cảnh xuất khẩu các loại ván này, đặc biệt là mặt hàng gỗ dán vào các thị trường như Mỹ và Hàn Quốc tăng nhanh. Về lý thuyết, việc mở rộng đầu tư FDI vào lĩnh vực chế biến gỗ Việt Nam, bao gồm cả mở rộng về số lượng và kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong thời gian gần đây sẽ là tín hiệu vui với Việt Nam.

Tuy nhiên, trong ngành gỗ, đã xuất hiện những tín hiệu về sự gian lận thương mại. Hiện tượng đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” ngày càng tinh vi và có xu hướng gia tăng... của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp có thể thuê nhà xưởng của Việt Nam, nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào sơ chế rồi xuất khẩu sản phẩm với nhãn mác Việt Nam.

Nhiều chuyên gia nhận định, gian lận thương mại trong ngành gỗ đang là rủi ro rất lớn cho chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Hiện, cơ quan thương mại của Mỹ đang tiến hành điều tra một số công ty của Trung Quốc có dấu hiệu vi phạm gian lận thương mại đối với mặt hàng gỗ dán từ Việt Nam. Cơ quan thương mại Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đang xem xét khả năng điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Thực tế cho thấy tính liên kết giữa khối các doanh nghiệp nội và các doanh nghiệp FDI còn khá lỏng.

Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của đơn vị cho các doanh nghiệp gỗ đang chậm hơn so với các mặt hàng khác. Đặc biệt, các doanh nghiệp lần đầu tiên xin cấp C/O sẽ phải chờ lâu hơn nữa. Bởi, để kiểm soát, ngăn chặn việc gian lận thương mại, đơn vị sẽ phải đi thực tế kiểm tra cơ sở sản xuất, từ nhà xưởng, trang thiết bị máy móc, xem cơ sở có đủ năng lực sản xuất sản phẩm đó hay không mới cấp C/O.

Ông Tô Xuân Phúc, Đại diện Tổ chức Forest Trends cho rằng, Chính phủ có thể thực hiện kiểm soát rủi ro trong FDI bằng việc rà soát cả 3 loại hình đầu tư, bao gồm: đầu tư mới, các dự án tăng vốn và dự án mua cổ phần. Cơ quan chức năng nên ưu tiên rà soát các dự án đầu tư mới, có quy mô nhỏ, đặc biệt là 15 dự án đầu tư mới năm 2019, có vốn đăng ký dưới 1 triệu USD/dự án. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể chủ động tiếp cận thông tin, hợp tác với các cơ quan thương mại của các nước tại các thị trường xuất khẩu.

Trên diện rộng, kiểm soát rủi ro trong gian lận thương mại cần là ưu tiên hàng đầu của ngành gỗ, trong tương lai, các dự án FDI đang và sẽ tiếp tục là một bộ phận không thể thiếu của ngành gỗ Việt Nam. Nhằm giảm thiểu rủi ro của ngành gỗ, cần kêu gọi các doanh nghiệp FDI vào phát triển công nghiệp phụ trợ ngành gỗ, góp phần thay đổi diện mạo ngành gỗ Việt Nam.

Duy Khánh

Tin đọc nhiều