Giới trẻ luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi từ các dịch vụ thanh toán hiện đại |
Cùng theo đuổi nhóm khách hàng trẻ
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, mỗi loại thẻ đều có thị trường riêng, từng phương thức thanh toán sẽ phù hợp với từng đối tượng thanh toán. Thói quen của người dân cũng dần thay đổi đối với sự phát triển của các phương thức thanh toán.
Trước đây mọi người có thói quen sử dụng thẻ thanh toán để rút tiền tại ATM và mang đi chi tiêu. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây, người dân đã chuyển sang sử dụng thẻ thanh toán trực tiếp tại các điểm chấp nhận thanh toán hay thanh toán trực tuyến trên các trang thương mại điện tử. Đóng góp mạnh mẽ vào xu hướng này phải kể đến nhóm khách hàng trẻ đam mê và hiểu biết về công nghệ.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), đánh giá nhóm khách hàng trẻ là đối tượng quan trọng trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Hiện nay, nhóm khách hàng trẻ chiếm hơn 50% tệp khách hàng trung cấp của Vietcombank.
Nhóm khách hàng Gen Z luôn yêu thích và sẵn sàng đón nhận sự thay đổi, có hứng thú với công nghệ số, mong muốn khẳng định phong cách cá nhân và sự độc lập của mình. Do đó, Vietcombank chú trọng vào việc phát triển sản phẩm dịch vụ đa dạng để đáp ứng những nhu cầu riêng của nhóm này trên tất cả các kênh, đặc biệt kênh số.
Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng thẻ của nhiều nhóm đối tượng khách hàng, trong đó có khách hàng trẻ, ông Mai Huy Phương, Phó giám đốc Khối Ngân hàng số, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), cho biết khách hàng trẻ có cá tính riêng biệt nhưng thiết kế thẻ truyền thống không có sự khác biệt. MB nghĩ là mỗi thẻ thể hiện cá tính riêng của mỗi bạn trẻ nên liên tục đưa ra các bộ sưu tập để khách hàng lựa chọn. Đây là sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật, mang tới trải nghiệm mới cho khách hàng.
Bên cạnh đó, khách hàng không cần phải tới ngân hàng để được phát hành thẻ, mà được định danh và sở hữu ngay vì MB là đơn vị đầu tiên trên thế giới được Visa chấp nhận, cho phép phát hành thẻ cứng trước và định danh sau.
Đánh giá cao nhóm khách hàng trẻ, ông Lê Phương Hải, Phó Tổng Giám Vietcredit, cho biết tệp khách hàng của doanh nghiệp định vị hướng tới là người làm công ăn lương, sinh viên, hộ kinh cá thể... có thu nhập chưa cao, chưa ổn định hoặc mới bước đầu có thu nhập. Trong đó, sinh viên là phân khúc thành công nhất, tỷ lệ trả nợ tốt nhất. Hạn mức cho sinh viên là 5 triệu đồng, mức trả thấp nhất hàng tháng 300.000 đồng, nợ quá hạn lúc nào cũng dưới 1%.
“Các em tốt hơn chúng ta tưởng rất nhiều. Trong khi đó, nhóm thu nhập cao, sống ở thành thị... có nợ lớn”, ông Lê Phương Hải khẳng định.
Những yếu tố tích cực trên một phần đến từ hiệu quả của giáo dục tài chính sớm cho giới trẻ. Bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Trưởng Bộ môn Kinh doanh ngân hàng - Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, cho biết Học viện Ngân hàng luôn xác định giáo dục tài chính cho sinh viên là nhiệm vụ cần thiết. Thế hệ trẻ Gen Z rất thông minh nhanh nhạy, trở thành người tiêu dùng trong tương lai. Vì vậy, Học viện thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong thanh toán và trong các tất cả công tác tài chính, kế toán của học viện như tích hợp thẻ sinh viên với thẻ ngân hàng để sinh viên có thể sử dụng các phương thức thanh toán hiện đại mà không phải xếp hàng nộp học phí như trước đây; sử dụng nhiều phương thức hiện đại như chuyển khoản, ví điện tử hoặc các phương thức khác.
Phải có 2 chữ “tiện” và “lợi”
Đặc biệt giới trẻ cũng là một trong nhóm đối tượng của giáo dục tài chính trong thời gian tới, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông (NHNN) cho biết, đối tượng mà truyền thông giáo dục tài chính hướng tới tiếp tục là cộng đồng rộng rãi, trong đó chú ý đến học sinh, sinh viên, giới trẻ, đồng bào vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn, người chưa có tài khoản ngân hàng... bằng nhiều giải pháp đa dạng, có tính lan tỏa, đảm bảo dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện để người dân có kiến thức tài chính, giảm thiểu rủi ro khi dùng dịch vụ tài chính; tiếp tục phối hợp các cơ quan, báo chí, hiệp hội, ngành nghề... tăng cường truyền thông tin giáo dục tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam.
Nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của thế hệ trẻ nói riêng và người dân nói chung, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phàn Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, đơn vị đã và đang triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán tiên tiến để cung cấp cho thị trường các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại, sáng tạo, an toàn, gia tăng trải nghiệm cho người dùng; triển khai số hóa thẻ lên thiết bị di động và hợp tác cùng các tổ chức thẻ quốc tế, ngân hàng triển khai thẻ đồng thương hiệu cho phép khách hàng có thể chi tiêu bằng thẻ NAPAS tại nước ngoài một cách thuận lợi nhất.
Nói về thanh toán thẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động thẻ và xu hướng thanh toán tương lai” diễn ra gần đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng khẳng định các giải pháp từ cơ chế chính sách, kỹ thuật, kinh tế đã cơ bản đầy đủ để khuyến khích phát triển thanh toán thẻ, không dùng tiền mặt. Song, Phó Thống đốc vẫn kỳ vọng các ngân hàng cùng thảo luận về xu hướng thẻ mới, thanh toán mới, trong đó tập trung vào trao đổi về vướng mắc, phát sinh; các ngân hàng, các tổ chức phát hành thẻ cần lắng nghe, ghi nhận phản hồi của người dùng về sản phẩm thẻ.
“Cần có 2 chữ tiện và lợi, vì dù có làm gì thì người dân cũng cần phải thấy tiện dụng, dễ dùng và tiếp đó phải thấy có lợi ích về kinh tế, bên cạnh đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định.
Hương Giang