Gửi tiết kiệm online: Lãi cao mà không lo... dịch bệnh

15:11 | 04/08/2020

Dịch Covid-19 quay trở lại, giá vàng, thị trường chứng khoán… liên tục biến động. Vì vậy, nhiều người có tiền nhàn rỗi chuyển sang gửi tiết kiệm ngân hàng, đặc biệt là tiết kiệm trực tuyến (tiết kiệm online). Tuy nhiên, muốn gửi tiết kiệm sáng suốt, theo các chuyên gia cần có “bí quyết” phù hợp.

gui tiet kiem online lai cao ma khong lo dich benh
Ảnh minh hoạ

Chị Minh Hường (Hoàng Mai, TP Hà Nội) chia sẻ, trước mùa dịch chị tích góp được một khoản tiền vừa đủ để mua một căn chung cư nhỏ. Tuy nhiên, nhu cầu gia đình muốn chọn căn hộ rộng và tiện nghi hơn mà giá hiện nay thay đổi liên tục nên chị muốn chờ thời điểm thích hợp khác.

Với số tiền nhàn rỗi, sau khi tham khảo ý kiến của nhiều người, chị Hường đã quyết định gửi tiết kiệm toàn bộ số tiền hiện có để chờ tích luỹ thêm vốn.

So sánh các mức lãi suất tại ngân, chị Hường chia sẻ, “Trong khi lãi suất huy động tại quầy kỳ hạn 7 tháng (lĩnh lãi cuối kỳ) là 6,2%/năm thì gửi tiết kiệm online có mức lãi suất là 7,6%/năm. Rõ ràng gửi tiết kiệm online đang có lãi cao hơn hẳn”.

Không chỉ riêng chị Hường, hiện nhiều người cũng lựa chọn tiết kiệm online tại ngân hàng là kênh “trú ẩn” an toàn với đồng lương hàng tháng, vừa đảm bảo an toàn vừa được hưởng lãi suất cao, nhất là khi dịch bệnh ngày càng phức tạp, tình trạng mất việc làm và giảm một phần thu nhập của người lao động đang có chiều hướng gia tăng.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để đảm bảo cuộc sống, mỗi tháng nên gửi tiết kiệm từ 10% - 20% thu nhập. Cách dễ nhất để thực hiện việc này là trích ra một khoản ngay khi nhận lương để gửi tiết kiệm theo hình thức online.

“Nên gửi theo hình thức tiết kiệm trực tuyến nhằm hạn chế đi lại, tiếp xúc xã hội nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, việc này cũng thuận tiện và tiết kiệm thời gian khi chỉ vài thao tác đã hoàn thành việc gửi tiết kiệm mà không cần mất thời gian đến quầy, chờ đợi”, ông Hiếu phân tích.

Bên cạnh đó, theo lời khuyên của các chuyên gia, người gửi tiết kiệm nên tham khảo biểu lãi suất và mức lãi suất cộng thêm khi gửi online của các ngân hàng để chọn kỳ hạn gửi cũng như mức lãi suất có lợi nhất.

Hiện nay, dù lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đã giảm, nhưng lãi suất tiết kiệm online so với gửi tại quầy vẫn chênh lệch đáng kể từ 0,3-1,2%/năm, thậm chí lớn hơn khi gửi khoản tiền lớn. Chẳng hạn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), nếu gửi tiền tại quầy, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-9 tháng chỉ có 6,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm. Tuy nhiên, nếu gửi tiết kiệm theo hình thức online, lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên đến 7,3%/năm, kỳ hạn càng dài lãi suất khách hàng được hưởng càng cao.

Không chỉ vậy, một số ngân hàng áp dụng chương trình cộng theo lãi suất khi gửi tiết kiện online như Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank), Ngân hàng NHTM Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV)… Cụ thể, VietCapital Bank áp dụng mức lãi suất huy động kỳ hạn 7 tháng tại quầy ở mức 6,8%/năm. Nếu khách hàng muốn gửi tiết kiệm online có kỳ hạn từ 7 tháng trở lên sẽ nâng lên mức 7,0%/năm.

Nhằm tăng thêm tiện ích cho khách hàng, mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) giới thiệu sản phẩm "Tiết kiệm linh hoạt" (Omni Flex) trên ứng dụng OCB Omni. Sản phẩm cho phép khách hàng chọn số ngày gửi linh hoạt theo nhu cầu, thay vì phải tròn tháng hoặc năm như các sản phẩm tiết kiệm thông thường và nhận mức lãi suất cao hơn 0,1 - 0,2% so với gửi tại quầy.

Ngoài ra, để gửi tiết kiệm sáng suốt, một số chuyên gia cho rằng, dù lựa chọn gửi tiết kiệm nhưng khách hàng không nên chọn kỳ hạn quá dài, hãy ưu tiên lựa chọn kỳ hạn 6 tháng hoặc 9 tháng để chắc chắn trong mọi tình huống.

Bởi, “theo khảo sát lãi suất huy động của nhiều ngân hàng hiện nay, kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng lãi suất cao hơn rất nhiều so với kỳ hạn từ 5 tháng đổ lại và không quá chênh lệch so với các kỳ hạn lãi cao hơn”, chuyên gia này chia sẻ.

Hương Giang

Tin đọc nhiều