Những ngày này, do phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội, không có nhu cầu chi tiêu nhiều cũng như đầu tư, chị Hoàng Thị Mai (Thanh Xuân, Hà Nội) đã quyết định gửi tiền vào ngân hàng qua hình thức tiết kiệm online.
Chị Mai cho biết, chỉ cần vài thao tác đơn giản để chuyển tiền từ tài khoản sang hình thức tiết kiệm là chị đã gửi tiết kiệm thành công. Hơn nữa, ngân hàng cũng đang có nhiều ưu đãi về lãi suất, cao hơn so với gửi tại quầy.
Gửi tiết kiệm online đang được người dân ưa chuộng trong mùa dịch. Ảnh: ST |
Không chỉ riêng chị Mai, gửi tiết kiệm online cũng là hình thức được nhiều người lựa chọn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân thực hiện lệnh giãn cách xã hội để tránh lây lan dịch bệnh.
Ðể khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ trực tuyến, tránh tiếp xúc trong mùa dịch, đồng thời thu hút tiền nhàn rỗi, các ngân hàng đã đưa ra nhiều ưu đãi lãi suất gửi tiết kiệm online.
Theo khảo sát của phóng viên, lãi suất gửi tiết kiệm online đầu tháng 4/2020 của các nhà băng cao hơn trung bình từ 0,1%/năm - 0,3%/năm so với lãi suất gửi tại quầy, thời gian gửi cũng vô cùng linh hoạt từ 1 tuần đến trên 12 tháng.
Với kỳ hạn 1 tháng, mức lãi suất cao nhất được ghi nhận là 4,75%/năm ở các ngân hàng như ABBank, ACB, SCB, TPBank, VIB… và thấp nhất là 4,3%/năm ở khối các ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất cao nhất là SCB với 8,03%/năm, chênh lệch so với các ngân hàng khác từ 1% - 2%. Ðáng chú ý, ở kỳ hạn 12 tháng, SCB tiếp tục là ngân hàng có lãi suất cao nhất cho khách hàng gửi online hiện nay khi đạt mức 8,66%/năm, cao hơn 1,16% so với gửi tiết kiệm tại quầy.
Kỳ hạn 12 tháng ở một số ngân hàng khác như Nam A Bank là mức 8,3%/năm, tiếp theo là NCB với mức 8%/năm, Bắc Á Bank và Nam Á Bank (7,8%/năm), Bảo Việt (7,95%/năm), OceanBank (7,55%/năm), SCB (7,5%/năm)… Nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước niêm yết mức lãi suất dưới 7%/năm như Agribank, BIDV và Vietinbank (6,8%/năm), Vietcombank (6,6%).
Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm online của các nhà băng cũng được niêm yết bằng hoặc cao hơn một chút so với kỳ 12 tháng. Trong đó, vị trí quán quân vẫn là ngân hàng SCB với mức 8,76%/năm, cao hơn 1,06% so với gửi tiết kiệm tại quầy. Đứng thứ 2 tiếp tục là Nam Á Bank, đạt 8,40 %/năm, cao hơn 0,9% so với gửi tiết kiệm tại quầy.
Ở mức lãi suất từ 7-8% ở kỳ hạn này cho khách hàng gửi tiền online có khá nhiều ngân hàng như: Bảo Việt (7,99%/năm), Bắc Á Bank (7,9%/năm), Maritime Bank (7,80%/năm), VIB (7,6%/năm)… Các ngân hàng nhóm "Big 4" lãi suất chỉ ở mức 6,6-7%/năm.
Các ngân hàng cũng tích cực triển khai nhiều chương trình cộng lãi suất, ví dụ như Sacombank thực hiện tăng lãi suất gửi tiết kiệm online ở các kỳ hạn từ 1-5 tháng tăng tối đa 0,2% đối với cá nhân và 0,25% đối với doanh nghiệp, tăng từ 0,05%-0,3% với các kỳ hạn 6-8 tháng. Mới đây, PVcomBank triển khai chương trình ưu đãi cộng 0,3% lãi suất khi khách hàng gửi tiết kiệm online. ABBank cũng tung ưu đãi “Gửi tiền online, cộng ngay lãi suất” đến ngày 7/9/2020, cộng ngay 0,1%/năm với các kì hạn từ 6-12 tháng, mức tiền gửi chỉ từ 500.000 đồng.
Hình thức gửi tiết kiệm online không chỉ thuận tiện, nhanh chóng mà còn đem đến nhiều sự lựa chọn cho khách hàng cả về kỳ hạn gửi cũng như số tiền tiết kiệm. Khách hàng có thể rút tiền trước hạn một cách linh hoạt, thực hiện mọi giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi đồng thời quản lý tài khoản một cách nhanh nhất. Với những thuận tiện cũng như lợi ích vượt trội, tiết kiệm online đang trở thành một xu hướng tài chính thông minh, được người dùng ưa chuộng không chỉ trong mùa dịch bệnh.
Quỳnh Trang