Gửi tiết kiệm sao cho tối ưu?

14:30 | 16/08/2018

Sau sự biến động lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các ngân hàng trong tháng 7 vừa rồi, lãi suất tiết kiệm đã có dấu hiệu ổn định trong tháng 8. Các ngân hàng tiếp tục tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm.

Tư vấn gửi tiết kiệm sao cho có lợi nhất
BIDV dành hơn 7 tỷ đồng ưu đãi cho khách hàng mới gửi tiết kiệm
Gửi tiết kiệm: Cần thêm sự tương tác với ngân hàng

Có thể thấy, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng trong tháng 8/2018 không có biến động đáng kể. Do vậy, sẽ rất khó để có thể đưa ra chính xác một cái tên ngân hàng nào gửi tiết kiệm tốt nhất. Bởi vì nhu cầu và mục đích gửi tiết kiệm của các khách hàng là rất khác nhau.

Tuy nhiên, có một số thước đo nhất định về cách gửi tiền tiết kiệm có lợi nhất, đó là người gửi tiền nên chọn ngân hàng uy tín, phát triển ổn định, có độ an toàn cao. Trong số đó, có thể khẳng định nhóm "BIG 4" gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank được tín nhiệm cao nhất, bởi đây là nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối với bề dày hoạt động lâu đời và hệ thống mạng lưới rộng khắp.

Bên cạnh đó là một số ngân hàng nước ngoài như Shinhan Bank, ANZ, HSBC… cũng đang ngày càng nhận được nhiều sự tin tưởng của khách hàng.

gui tiet kiem sao cho toi uu
Gửi tiền tiết kiệm cũng cần so sánh để tìm ra cách gửi tốt nhất

Có điều, thời gian gần đây, nếu tìm hiểu kỹ hơn về thị trường, người gửi sẽ thấy mức lãi suất tiền gửi ở các ngân hàng vừa và nhỏ có vẻ “tốt” hơn so với lãi suất của các ngân hàng lớn. Âu cũng là điều dễ hiểu khi mà không có được những lợi thế về uy tín thương hiệu hay mạng lưới, những ngân hàng này buộc phải nâng lãi suất lên cao hơn một chút để hút khách hàng.

Đối với những khách hàng quan tâm nhiều đến mức lãi suất và mong muốn khoản tiền gửi của mình sinh lời nhanh nhất thì nên chọn các ngân hàng có lãi suất hấp dẫn như VIB, HDBank, Viet Capital Bank... Hay mới đây, Eximbank điều chỉnh tăng nhẹ về lãi suất tiết kiệm lên tới 8%/năm cho kỳ hạn gửi 24 tháng…

Song song đó, mỗi ngân hàng lại đưa ra những sản phẩm, dịch vụ khác nhau, phù hợp với khách hàng. Từ đó, tùy thuộc vào khả năng tài chính hiện có và mục tiêu tích lũy, người gửi tiền phải lựa chọn cho mình một vài ngân hàng và những dịch vụ phù hợp để đảm bảo tối đa hóa quyền lợi cho bản thân một cách hoàn hảo nhất.

Nói thì có vẻ phức tạp và rất mất thời gian để lựa chọn cho mình một nơi gửi tiết kiệm hoàn hảo. Thế nhưng, thực tế nếu so sánh một cách khoa học thì việc lựa chọn ngân hàng gửi tiền tốt lại không khó như nhiều người nghĩ.

Đơn cử, nếu thiên về an toàn, thì trong các ngân hàng uy tín, người gửi chỉ cần so sánh mức lãi suất tiết kiệm của các sản phẩm, kỳ hạn tương ứng của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước để lựa chọn ngân hàng có mức lãi suất phù hợp nhất.

Trong nhóm này, Vietcombank luôn là một trong những thương hiệu ngân hàng đầu tiên được nhiều khách hàng lựa chọn để gửi tiết kiệm vì uy tín và sự đa dạng sản phẩm, ưu đãi hấp dẫn từ ngân hàng. Điều này lý giải vì sao lãi suất tiết kiệm Vietcombank không quá cao, nhưng luôn thu hút được lượng lớn khách hàng.

Đơn cử như bảng lãi suất tiết kiệm tháng 8/2018 của ngân hàng này, lãi suất cao nhất mà Vietcombank áp dụng là 6,5%/năm ở kỳ hạn 24 tháng. Cao thứ hai là ở kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 6,4%/năm. Nếu khách hàng đăng ký gửi tiết kiệm tại Vietcombank ở các kỳ hạn 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng sẽ được hưởng các mức lãi suất tương ứng là 4,1%, 4,6 và 5,1%/năm.

Để không thiệt thòi về lãi suất, người gửi tiền có thể tham gia vào các chương trình gửi tiết kiệm có kèm ưu đãi như: gửi tiết kiệm thường, gửi tiết kiệm trực tuyến, tiết kiệm trả trước, tiết kiệm lĩnh lãi định kỳ... giúp cho khách hàng có thêm nhiều sự lựa chọn để đáp ứng nhu cầu đầu tư, tích lũy của mình.

Khi đặt tiêu chí lãi suất cao lên trước, thì người gửi có thể tham khảo, so sánh lãi suất tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần trước. Xét theo chiều dọc, thì lãi suất gửi tiết kiệm tháng 8 cao nhất thuộc về Eximbank với mức 8%/năm đối với kỳ hạn gửi 24 tháng. Cụ thể, ở các kỳ hạn khác thì dao động từ 4,6%/năm đến 6,2%/năm.

Người gửi cũng có thể lựa chọn gửi tiết kiệm tại VIB để hưởng lãi suất 7,9%/năm. Tại ngân hàng này, người gửi còn có thể thay đổi lãi suất tùy thuộc vào khu vực khách hàng gửi tiền cũng như số tiền mà khách hàng gửi.

Bởi theo chính sách của VIB, để khuyến khích nguồn tiền gửi từ người dân, VIB chia ra các mức lãi suất khác nhau cho các lượng tiền gửi khác nhau theo mức: tiền gửi dưới 200 triệu đồng, từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng, từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng và khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng.

Mức chênh lệch lãi suất giữa các mức tiền gửi không quá nhiều, nhưng đối với những khoản tiền lớn thì cũng đem đến khoản tiền chênh lệch đáng kể. Không chỉ vậy, khi đăng ký gửi tiết kiệm tại VIB, người gửi còn được hưởng thêm những ưu đãi như có cơ hội được cộng thêm ưu đãi theo từng thời kỳ…

Về lý thuyết, mỗi ngân hàng đều cố gắng đưa ra nhiều sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng liên tục tung ra các chương trình ưu đãi để thu hút người gửi. Thế nhưng, như đã nói ở trên, việc so sánh sản phẩm giữa các ngân hàng với nhau mới có thể giúp người gửi lựa chọn được sản phẩm ưng ý và phù hợp nhất với nhu cầu của mình.

Một tiêu chí nữa cũng được nhiều khách hàng cân nhắc là mạng lưới. Theo đó, khách hàng có xu hướng lựa chọn ngân hàng có nhiều chi nhánh hoặc có điểm giao dịch gần với nơi ở hoặc nơi làm việc của mình để dễ dàng giao dịch khi cần.

Thậm chí, trong thời đại bùng nổ công nghệ như hiện nay, lựa chọn gửi online tại ngân hàng nào có công nghệ tiên tiến cũng là một lựa chọn. Với những tiêu chí này, thì những ngân hàng như TPBank, MaritimeBank, Techcombank, Sacombank… lại được ưu tiên hàng đầu.

Quả vậy, với những người hiện đại, họ lựa chọn gửi tiết kiệm trực tuyến tại các ngân hàng có bảo mật tốt, dễ giao dịch online. Đây là hình thức gửi tiền rất thông minh vì không chỉ được hưởng lãi suất cao mà người gửi tiền có thể tiết kiệm được rất nhiều công sức, thời gian…

Có điều, ở hình thức này, người gửi tiền nên sử dụng thêm tài khoản ở ngân hàng khác, để khi có nhu cầu rút tiền nhanh chóng chỉ cần chuyển khoản đến điểm giao dịch ngân hàng thuận tiện nhất.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, khách hàng cũng nên tìm hiểu kỹ chi phí chuyển khoản cũng như hạn mức giao dịch. Ví dụ có ngân hàng thu phí mỗi lần chuyển là 9.900 đồng, có ngân hàng thu phí 11.000 đồng, kèm theo hạn mức từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng…

Đó là những cách gửi tiết kiệm sao cho có lợi nhất đối với người gửi tiền. Thế nhưng, dù lựa chọn cách gửi nào thì người gửi tiền cũng cần có những lưu ý khác để phòng ngừa rủi ro và bảo vệ tài sản của mình.

Đó là bất cứ người nào gửi tiền ngân hàng, đều phải mang sổ tiết kiệm về vì đó là tài sản của mình, nếu gửi lại ngân hàng thì phải có giấy tờ biên nhận rõ ràng hoặc tìm đến dịch vụ thuê tủ an toàn của ngân hàng để cất giữ tài sản.

Một vấn đề nữa mà không ít người gửi tiền quan tâm đó là trường hợp xảy ra bất trắc với chủ sổ tiết kiệm thì làm sao để người nhà rút tiền được?

Theo quy định hiện hành, muốn rút tiền tiết kiệm của người thân thì phải là chủ sở hữu hoặc người đồng chủ sở hữu. Trường hợp muốn nhờ người khác rút hộ thì phải có giấy ủy quyền của chủ sổ tiết kiệm. Giấy ủy quyền phải được lập tại ngân hàng gửi tiền. Trường hợp giấy ủy quyền không được lập tại ngân hàng thì phải có xác nhận của công chứng hoặc chính quyền địa phương theo quy định...

Còn đối với kênh gửi trực tuyến, người gửi phải hết sức cẩn trọng trong việc đăng nhập vào tài khoản. Điều quan trọng nhất là giữ được thông tin tài khoản càng ít người biết càng tốt để tránh xảy ra mất mát do nhóm tội phạm công nghệ…

Tường San

Tin đọc nhiều