Ứng dụng di động thời công nghệ số đem lại nhiều giá trị cho khách hàng |
So với mạng 4G, 5G mang đến tốc độ truy cập nhanh gấp 50 lần, tốc độ phản hồi nhanh hơn 10 lần và yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng cho kết nối mạng thấp hơn nhiều. Điều này được thúc đẩy bởi sự kết hợp của 3 tính năng đặc biệt: Thông lượng cao, độ trễ cực thấp và mức tiêu thụ năng lượng thấp cho mỗi kết nối di động.
Tất cả những điều đó giúp các công ty khai thác viễn thông cung cấp kết nối Internet siêu nhanh, cho phép truyền phát video với độ phân giải cao, các dịch vụ giải trí trên điện toán đám mây và đem các dịch vụ có nội dung tương tác dựa trên ứng dụng thực tế ảo/ tăng cường (AR/VR) tới người tiêu dùng.
Việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm tốt nhất đối với các nhà khai thác viễn thông |
Các tính năng này cũng giúp nhanh chóng thương mại hóa các mô hình dịch vụ và ứng dụng mới của mạng 5G, bao gồm các ứng dụng cho thành phố thông minh, Công nghiệp 4.0, các ứng dụng của Internet vạn vật (IoT) với quy mô lớn... Các nhà khai thác viễn thông vì thế có thể gia tăng doanh thu từ cả người tiêu dùng lẻ lẫn khách hàng doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cisco vừa công bố, giai đoạn tăng trưởng ban đầu của việc áp dụng 5G sẽ đến từ các khách hàng cao cấp và các thiết bị giá trị cao và sau đó, số lượng thuê bao sẽ dần tăng lên nhanh chóng cùng với việc các thiết bị này trở nên phổ biến hơn.
Dịch vụ 5G sẽ tiếp thêm sinh lực cho các dịch vụ mới như AR/VR, phát trực tiếp (live streaming), video và trò chơi (gaming), mang đến trải nghiệm hoàn toàn mới, hấp dẫn, khiến người dùng sẵn sàng trả phí. Đây được coi như một chiến thắng cho cả nhà mạng và người tiêu dùng.
Còn nhớ khi triển khai mạng 4G trước đây, chỉ có 4 quốc gia và 3 nhà sản xuất lựa chọn ra mắt mạng 4G thay thế cho 3G trong nửa năm đầu tiên, cùng với chất lượng mạng lúc đầu không được tốt lắm. Vậy mà giờ đây, trong vòng hơn nửa năm kể từ khi được trình làng, hơn 30 nhà mạng trên khắp thế giới đã chính thức ra mắt 5G, mặc dù việc chuẩn bị phức tạp hơn nhiều so với 4G. Điều này càng chứng tỏ thế giới đã nhận biết được tầm quan trọng và khả năng thay đổi mạnh mẽ của công nghệ này tới mọi ngõ ngách của cuộc sống, từ kinh tế, sản xuất, cho tới xã hội.
Điều đáng quan tâm là, so với các nước trong khu vực, Singapore và Việt Nam được chuyên gia Cisco đánh giá sẽ là quốc gia triển khai mạng 5G sớm nhất ở khu vực ASEAN. Theo đó, Singapore sẽ triển khai mạng 5G từ năm 2020, còn Việt Nam dự kiến vào năm 2021. Việc triển khai các dịch vụ 5G có thể giúp gia tăng doanh thu hàng năm của các công ty khai thác viễn thông Việt Nam lên đến hơn 300 triệu USD bắt đầu từ năm 2025. Trong đó, tỷ lệ sở hữu thuê bao 5G tại Việt Nam chiếm khoảng trên 6%.
Ông Naveen Menon, Chủ tịch Tập đoàn Cisco khu vực ASEAN cho rằng, việc ứng dụng triển khai dịch vụ 5G đang ở thời điểm tốt nhất đối với các nhà khai thác viễn thông, đặc biệt là với Việt Nam. Tỷ lệ sử dụng dữ liệu di động đang tăng nhanh chóng khi người dùng tiêu thụ ngày càng nhiều dịch vụ và nội dung trên thiết bị cá nhân. Đồng thời, các doanh nghiệp đang tìm cách tận dụng CMCN 4.0 với các công nghệ AI, IoT, in 3D, robot và thiết bị đeo tân tiến, để thúc đẩy tăng trưởng. Ở chiều ngược lại, việc áp dụng thành công các công nghệ nêu trên lại chủ yếu phụ thuộc rất lớn vào nền tảng và khả năng kết nối của mạng viễn thông. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các nhà khai thác viễn thông tăng cường sự hiện diện của họ trên thị trường doanh nghiệp và duy trì sự tăng trưởng dài hạn trong mảng khách hàng này.
Tại Việt Nam, Viettel là nhà mạng đầu tiên được cấp giấy phép thử nghiệm 5G và cũng là nhà mạng đầu tiên thực hiện cuộc gọi 5G vào ngày 10/5. Có thể nói, Viettel đang song hành với việc triển khai mạng 5G toàn cầu. Hiện, Viettel đã tiến hành tích hợp hạ tầng mạng lưới và phát sóng thử nghiệm 5G tại Quận 10, TP.HCM và sẽ triển khai 5G đáp ứng theo nhu cầu của khách hàng, tức là ở những nơi đòi hỏi tốc độ mạng thật đặc biệt.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ kết nối thế hệ mới này có khả năng làm thay đổi tất cả các ngành công nghiệp của nền kinh tế cũng như mọi lĩnh vực trong xã hội từ y tế, bán lẻ, tới sản xuất, nông nghiệp. Điểm khác biệt đặc biệt so với các thế hệ kết nối trước đó chính là công nghệ này sẽ làm thay đổi cách thức người giao tiếp với đồ vật, cũng như cách các đồ vật giao tiếp với nhau. Nhờ sự kết nối chặt chẽ và hiệu quả cao của 5G, công nghệ IoT sẽ ngày càng được nhân rộng.
Hữu An