Hái quả ngọt sau 3 năm gieo trồng

14:00 | 01/04/2016

Năm 2016, VPBank sẽ đầu tư mạnh vào củng cố và phát triển hệ thống, quản trị rủi ro.

hai qua ngot sau 3 nam gieo trong

Tại Đại hội cổ đông VPBank, tổ chức tại Hà Nội chiều 28/3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc cho biết, tổng tài sản năm 2015 của VPBank đạt 193.876 tỷ đồng, tăng 18,8% so với cuối năm 2014, đạt 95% kế hoạch đặt ra. Tiền gửi của khách hàng đạt 130.271 tỷ đồng, tăng ròng hơn gần 22.000 tỷ đồng (tương đương tăng 20%) so với năm 2014. Tổng nguồn vốn huy động và phát hành giấy tờ có giá năm 2015 đạt 152 tỷ đồng, đạt 109% so với kế hoạch đặt ra.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2015 của VPBank đạt 3.096 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 92% so với năm 2014, đạt 124% kế hoạch đề ra. Tổng thu hoạt động thuần đạt 12.066 tỷ đồng, tăng trưởng 92% so với năm trước nhờ đóng góp chủ yếu từ thu lãi và thu từ hoạt động dịch vụ.

Thu nhập ròng từ hoạt động dịch vụ đạt 885 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2014. Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập thuần giảm từ 59% năm 2014 xuống còn 47% năm 2015. Con số về nợ xấu năm 2015 giữ được mức 2,7%.

Đánh giá về số liệu trên, ông Vinh cho rằng: “Đó là nhờ vào công cuộc chuyển đổi trong mô hình bán hàng chi nhánh, chuẩn hóa bộ sản phẩm và củng cố hệ thống hỗ trợ bán trong các năm trước.Song song với định hướng nâng cao hiệu quả mạnh lưới hoạt động cả nước, quy mô hoạt động kinh doanh của VPBank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng đáng kể. Cơ cấu bảng cân đối tiếp tục được cải thiện và hướng tới mục tiêu an toàn, hiệu quả trong sử dụng vốn…”.

Cũng tại ĐHCĐ, Tổng Giám đốc VPBank đã thẳng thắn nhận định: “Ngân hàng đã có sự tăng trưởng nóng về tín dụng, nhưng đó là điều hợp lý khi VPBank trải qua 3 năm xây dựng nền tảng, bộ máy và hệ thống công nghệ, quản trị rủi ro… đã tạo đà cho phép ngân hàng tăng trưởng và bảo đảm hoạt động an toàn. Tăng trưởng tín dụng tập trung chủ yếu vào phân khúc khách hàng chiến lược, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, sau đó đến bán lẻ và các DNNVV”.

Song hành với tăng trưởng nóng tất nhiên là quan ngại về con số nợ xấu sẽ tăng, đặc biệt, trong bối cảnh những khoản vay tín dụng tiêu dùng thường là tín chấp không có tài sản đảm bảo. Nhưng Tổng Giám đốc VPBank tự tin: “Tăng trưởng tín dụng nóng không đồng nghĩa rủi ro có thể tăng cao. Với kinh nghiệm quản trị rủi ro có hệ thống và theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro ở mức chấp nhận được”.

Người đứng đầu Ban điều hành VPBank cho biết thêm:Tổng chi phí dự phòng trích lập tăng cao nhằm xử lý nợ xấu và dự phòng nợ xấu cho năm 2015 là 3.278 tỷ đồng. Bên cạnh đó, năm 2015, nhà băng này đã thu hồi được 1.700 tỷ đồng gốc nợ xấu và gần 300 tỷ đồng nợ lãi của các khách hàng tồn lâu năm.

Nhìn nhận năm 2016 là năm triển khai đầu tư mạnh vào hệ thống, áp dụng vào quản trị rủi ro nên Ban lãnh đạo VPBank đặt kế hoạch tổng tài sản đạt 246.223 tỷ đồng; chỉ tiêu huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt 188.326 tỷ đồng; dư nợ cấp tín dụng là 171.017 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng là 156.358 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng.

Tại Đại hội, cổ đông VPBank đã nhất trí phương án thay đổi địa điểm trụ sở chính do ban lãnh đạo ngân hàng đưa ra trong năm 2016. Cụ thể, với việc số lượng nhân viên đã tăng lên con số hơn 12 nghìn người và riêng khu vực Hội sở khoảng 3 nghìn người thì Hội sở chính tại 72 Trần Hưng Đạo không còn đủ diện tích đáp ứng cho lực lượng nhân sự này.

Theo đó, VPBank đã ký Hợp đồng chính thức với Công ty Tháp Láng Hạ để thuê mặt bằng dài hạn tại tòa nhà 89 Láng Hạ. Mặt bằng này có 29 tầng với diện tích sử dụng khoảng 13.755m2, hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu bố trí chỗ ngồi cho CBNV tại Hội sở của VPBank hiện tại cũng như định hướng phát triển tăng trưởng về nguồn lực của VPBank từ năm 2015 đến năm 2020.

Trịnh Hường

Tags: #VPBank
Tin đọc nhiều