Hạn mức bảo hiểm tiền gửi được xác định như thế nào?

10:49 | 26/08/2020

Hạn mức phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của người gửi tiền cũng như năng lực tài chính của tổ chức BHTG

Trong tất cả các công cụ của chính sách bảo hiểm tiền gửi (BHTG), hạn mức trả tiền bảo hiểm có lẽ là công cụ trực tiếp nhất nhằm bảo vệ người gửi tiền, do đó cũng nhận được sự quan tâm nhiều nhất. Mới đây, Chính phủ đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền BHTG với định hướng nâng lên so với mức áp dụng hiện nay. Vậy, các quốc gia trong khu vực xác định và thực hiện điều chỉnh hạn mức như thế nào?

han muc bao hiem tien gui duoc xac dinh nhu the nao
Hạn mức phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của người gửi tiền cũng như năng lực tài chính của tổ chức BHTG

Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Mục tiêu chính của hạn mức BHTG cần phải đồng bộ với mục tiêu chung của chính sách BHTG là bảo vệ người gửi tiền, đặc biệt là những người gửi tiền nhỏ lẻ và đồng thời góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền, ngăn chặn sự rút tiền ồ ạt mất kiểm soát, ổn định hệ thống tài chính - ngân hàng. Bên cạnh đó, hạn mức phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của người gửi tiền cũng như năng lực tài chính của tổ chức BHTG. Chính vì lẽ đó, các quốc gia trên thế giới đều định kỳ đánh giá lại hạn mức để thực hiện điều chỉnh khi cần thiết.

Những khuyến nghị của Hiệp hội BHTG Quốc tế

Đối với các tổ chức BHTG trên thế giới, cơ sở để xây dựng chính sách về hạn mức BHTG là Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (2014) và Hướng dẫn của IADI. Trên thực tế, IADI đã dựa vào nghiên cứu của chuyên gia và sàng lọc những kinh nghiệm tốt nhất tại các tổ chức để xây dựng nên Bộ nguyên tắc cơ bản và các tài liệu hướng dẫn. Bộ nguyên tắc cơ bản được công nhận là tiêu chuẩn quốc tế về BHTG để các nước xây dựng mới hoặc cải cách hệ thống BHTG hiện hành.

Nguyên tắc 8, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả quy định các nhà hoạch định chính sách phải xác định rõ ràng mức độ và phạm vi BHTG. Hạn mức nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường. Hạn mức BHTG cần phù hợp với các mục tiêu chính sách công và các đặc điểm thiết kế có liên quan của hệ thống BHTG.

Nguyên tắc này cũng đi kèm với nhiều các tiêu chuẩn cơ bản nhằm cụ thể hóa những yêu cầu cần thiết để xây dựng một hạn mức phù hợp tại từng quốc gia, tiêu biểu như: Hạn mức và phạm vi bảo hiểm có giới hạn và được thiết kế đáng tin cậy để giảm thiểu rủi ro rút tiền ngân hàng và không được làm xói mòn kỷ luật thị trường. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được thiết lập sao cho phần lớn người gửi tiền ở các ngân hàng được bảo vệ đầy đủ nhưng phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi không được bảo vệ. Hạn mức cần bảo vệ toàn bộ được khoảng 90% đến 95% người gửi tiền; Bên cạnh đó, hệ thống BHTG áp dụng hạn mức và phạm vi bảo hiểm công bằng cho tất cả các ngân hàng thành viên. Hạn mức và phạm vi bảo hiểm được đánh giá định kỳ (chẳng hạn ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG.

Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Nam Á

Indonesia là một trong những nước trong khu vực Đông Nam Á có hạn mức BHTG rất cao, với mức chi trả tối đa lên tới 2.000.000.000 IDR, bảo vệ toàn bộ cho 99,91% số tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng. Luật BHTG của nước này quy định 4 trường hợp điều chỉnh hạn mức, gồm: Có một lượng vốn lớn bị rút khỏi hệ thống ngân hàng; Có sự thay đổi lớn về tỷ lệ lạm phát trong thời gian một số năm; Khi số lượng người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ giảm xuống dưới mức ngưỡng 90%; Tồn tại nguy cơ khủng hoảng tài chính đe dọa làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng và tác động xấu tới sự ổn định hệ thống tài chính.

Từ tháng 9/2005 đến tháng 3/2006, sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái tài chính, Indonesia đã áp dụng chi trả toàn bộ, nghĩa là không giới hạn số tiền bảo hiểm được trả cho các khoản tiền gửi của người gửi tiền được bảo hiểm. Nhờ đó, niềm tin của công chúng được củng cố mạnh mẽ. Sau giai đoạn khủng hoảng, Indonesia bắt đầu giảm dần hạn mức BHTG, từ không giới hạn xuống 5 tỷ Rupiah (tương đương 450.000USD), rồi 1 tỷ Rupiah (tương đương 91.000 USD), xuống tới 100 triệu Rupiah (tương đương 9.000 USD) - áp dụng từ 3/2007 - 10/2008. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, quốc gia này đã nâng mạnh hạn mức lên 2 tỷ Rupiah (tương đương khoảng hơn 135.000 USD) và áp dụng cho tới nay. Mức bảo vệ 99,91% số tài khoản tiền gửi trong hệ thống ngân hàng là mức bảo vệ gần như tuyệt đối, qua đó đảm bảo ngăn chặn nguy cơ rút tiền hàng loạt cũng như đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền trong trường hợp xảy ra phá sản ngân hàng.

Tại Philippines, yếu tố được coi là quan trọng hơn cả khi xác định hạn mức phù hợp ở Philippines chính là tỷ lệ tài khoản tiền gửi được bảo hiểm/tổng số tài khoản tiền gửi và mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo phần lớn tài khoản tiền gửi của người gửi tiền nhỏ lẻ được bảo vệ. Kể từ khi Tổng công ty BHTG Philippines được thành lập vào năm 1963, Philippines đã 6 lần điều chỉnh hạn mức BHTG, từ mức ban đầu 10 nghìn Peso vào năm 1963, đến thời điểm hiện tại, hạn mức BHTG đã tăng lên 500 nghìn Peso (khoảng 9,5 nghìn USD).

Đưa hạn mức BHTG của Việt Nam đạt thông lệ quốc tế

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô, hệ thống ngân hàng Việt Nam có nhiều thay đổi, việc điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm là cần thiết. Nếu như trước đây, hạn mức 75 triệu đồng đã bảo vệ được toàn bộ khoảng hơn 87% người gửi tiền đã tiệm cận thông lệ quốc tế. Với mức điều chỉnh dự kiến từ 75 triệu đồng lên 125 triệu đồng mỗi người gửi tiền được bảo hiểm tại một tổ chức tham gia BHTG trong Dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ đang được đưa ra lấy ý kiến, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ tại Việt Nam sẽ đạt 90,94%. Đây là mức độ bảo vệ phù hợp, khi năng lực tài chính của tổ chức BHTG có thể ứng phó khi có rủi ro, đồng thời chi trả kịp thời cho người gửi tiền nếu phát sinh nghĩa vụ chi trả. Đặc biệt, dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nền kinh tế cũng sẽ gánh chịu áp lực lớn. Việc gia tăng hạn mức đạt thông lệ quốc tế ở thời điểm này mà không kèm theo việc tăng phí BHTG sẽ là một nỗ lực của hệ thống ngân hàng cũng như tổ chức BHTG để nâng cao hiệu quả bảo vệ người gửi tiền, đồng thời hỗ trợ cho quá trình hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG.

Hồng Hà

Tin đọc nhiều