Hạn mức, thời hạn, thủ tục chi trả bảo hiểm tiền gửi

10:39 | 27/07/2023

Bảo hiểm tiền gửi là một biện pháp phòng ngừa rủi ro được thiết lập nhằm bảo vệ người gửi tiền trong trường hợp tổ chức tín dụng phá sản. Ở mỗi quốc gia có quy định khác nhau về tiền gửi được bảo hiểm. Tại Việt Nam, hạn mức, thời hạn, thủ tục chi trả bảo hiểm tiền gửi được quy định để bảo đảm tốt quyền lợi của người gửi tiền.

han muc thoi han thu tuc chi tra bao hiem tien gui

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) thực hiện trả tiền bảo hiểm “kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền” (Luật BHTG 2012).

Hạn mức trả tiền bảo hiểm

Theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 125 triệu đồng.

Đối với phần tiền gửi vượt hạn mức này, theo quy định, người gửi tiền được nhận trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, với hạn mức 125 triệu đồng, khoảng 91% người gửi tiền đã được bảo vệ toàn bộ tiền gửi, phù hợp với thông lệ quốc tế (theo khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế IADI tỷ lệ này là 90-95%).

Cũng theo IADI, hạn mức và phạm vi bảo hiểm tiền gửi cần được đánh giá lại một cách định kỳ (ít nhất 5 năm một lần) để đảm bảo có thể đáp ứng các mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG. Ngoài ra, hạn mức trả tiền bảo hiểm cần được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô như: lạm phát, thu nhập của người dân, năng lực tài chính của tổ chức BHTG, tình hình hệ thống tài chính - ngân hàng, rủi ro hệ thống...

Hoàn thành việc chi trả cho người gửi tiền trong 60 ngày

han muc thoi han thu tuc chi tra bao hiem tien gui

Bước 1: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, BHTGVN tiếp nhận Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm của tổ chức tham gia BHTG.

Bước 2: Sau thời hạn tiếp nhận hồ sơ, trong vòng 05 ngày làm việc, BHTGVN bắt đầu tiến hành kiểm tra, xem xét hồ sơ để xác định số tiền chi trả.

BHTGVN kiến nghị với NHNN xem xét, thanh tra, xử lý nếu trong quá trình kiểm tra chứng từ, sổ sách, BHTGVN phát hiện dấu hiệu vi phạm vượt thẩm quyền xử lý. Nếu hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm do tổ chức tham gia BHTG cung cấp hoàn toàn hợp lệ, BHTGVN tổng hợp danh sách người gửi tiền được chi trả và số tiền chi trả cho người gửi tiền.

Bước 3: Sau thời hạn kiểm tra hồ sơ, trong vòng 10 ngày làm việc, BHTGVN xây dựng phương án chi trả cho người gửi tiền và có trách nhiệm“thông báo công khai về địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia BHTG và trên một báo điện tử của Việt Nam; niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo”.

Bước 4: BHTGVN chi trả trực tiếp cho người gửi tiền hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia BHTG khác thực hiện.

Bước 5: BHTGVN thực hiện theo dõi và chi trả tiếp đối với các trường hợp chưa nhận tiền bảo hiểm trong thời hạn 10 năm kể từ khi BHTGVN có thông báo lần đầu tiên về việc chi trả tiền gửi đồng thời tiến hành thu hồi số tiền bảo hiểm đã chi trả trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG.

Tính đến tháng 12/2013, BHTGVN đã chi trả cho 39 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với 1.793 người gửi tiền và tổng số tiền là gần 27 tỷ đồng (trong đó BHTGVN trực tiếp chi trả đối với 34 QTDND, ủy quyền cho ngân hàng thương mại nhà nước có đủ điều kiện, địa điểm thuận lợi để chi trả cho 5 QTDND).

Kể từ năm 2014 đến nay, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia BHTG. Nghiệp vụ chi trả trong giai đoạn này chủ yếu được tập trung bám sát, theo dõi, nắm bắt diễn biến tình hình của các tổ chức tham gia BHTG yếu kém, đặc biệt là các QTDND đang được kiểm soát đặc biệt; theo dõi sát sao quá trình thực hiện phương án xử lý pháp nhân của chi nhánh NHNN và kết luận, chỉ đạo của Thống đốc NHNN, chủ động chuẩn bị các phương án chi trả khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm.

Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả

Nguyên tắc 15, Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả của IADI nhận định: “Hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính”. Cụ thể, tổ chức BHTG có thể chi trả phần lớn người gửi tiền được bảo hiểm trong vòng 07 ngày làm việc. Nếu hiện chưa đạt được mục tiêu này, tổ chức BHTG cần có kế hoạch đáng tin cậy để đạt được mục tiêu đó.

BHTGVN phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm xuống 30 ngày làm việc vào năm 2025 và 15 ngày làm việc vào năm 2030. Đây cũng là một trong các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/12/2022. Điều đó cho thấy nỗ lực của BHTGVN để tiến gần hơn đến những thông lệ, chuẩn mực quốc tế tốt nhất đã được hướng dẫn áp dụng tại bộ nguyên tắc cơ bản nhằm chi trả nhanh và kịp thời cho người gửi tiền.

HG

Tags: #BHTG
Tin đọc nhiều