Hàng hóa thế giới chọn Việt Nam

11:00 | 13/11/2019

Đối với nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, thị trường và người tiêu dùng Việt hiện có mức độ thích ứng và tiếp cận sản phẩm mới nhanh chóng, quan tâm đến chất lượng hàng hóa hơn là giá cả. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường Việt Nam đều có xu hướng mở rộng doanh nghiệp và kinh doanh lâu dài.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Giao dịch Quốc tế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI - HCM) cho biết, Việt Nam hiện đang ở trong thời kỳ dân số vàng, lại nằm trong khối ASEAN, là khu vực thị trường rộng lớn với 600 triệu dân. Vì vậy, rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khu vực châu Á, Trung Đông, châu Mỹ La tinh… thời gian gần đây đã chọn đưa hàng hóa vào thị trường Việt Nam vừa tiêu thụ, vừa làm điểm trung chuyển đến các thị trường lân cận (Lào, Campuchia, Myanmar...) và nội khối ASEAN. Xu hướng này đã tạo cho thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động, đa dạng, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn trong mua sắm hàng ngày.

hang hoa the gioi chon viet nam
Thị trường Việt hiện có mức độ thích ứng và tiếp cận sản phẩm mới nhanh chóng

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI - HCM cho biết, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đài Loan (Bộ Kinh tế Đài Loan) đã không ngừng thúc đẩy việc tiêu dùng thực phẩm giữa 2 nước bằng chương trình hợp tác một đối một với doanh nghiệp Việt Nam.

Từ đây, doanh nghiệp Đài Loan tìm kiếm đối tác Việt Nam để cung ứng hàng hóa, dịch vụ thuộc các lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, y tế, giáo dục và du lịch cho thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp Đài Loan luôn xem trọng thị trường Việt Nam bởi đây là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Đài Loan, và thị trường mục tiêu theo chính sách Hướng Nam mới của Đài Loan.

Và đến nay, Đài Loan là một trong những nhà đầu tư có số dự án và vốn đăng ký cao nhất tại Việt Nam, với trên 2.700 dự án và 32 tỷ USD vốn đăng ký (đứng thứ 4/132 quốc gia, vùng lãng thổ có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam).

Cùng với đó, Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia tăng nhanh việc kết nối thương mại với Việt Nam trong 5 năm trở lại đây. Ngoài việc nhập khẩu các chủng loại nguyên phụ liệu sản xuất là máy móc, thiết bị, bông sợi, dược phẩm, thức ăn gia súc, hóa chất, linh kiện, phụ tùng ô tô… hiện doanh nghiệp bán lẻ Ấn Độ còn tăng cường kết nối giao thương với doanh nghiệp Việt Nam để đưa nhiều hàng tiêu dùng thiết yếu vào bán lẻ ở Việt Nam như vải sợi, trang sức vàng, đá quý, thực phẩm chế biến, gia vị… Số lượng hàng nhập khẩu từ Ấn Độ vào Việt Nam tăng từ 30% - 50% qua từng năm.

Ở một thị trường khác, các nước trong Liên minh châu Âu (EU) cũng đang tăng nhanh lượng hàng hóa đưa vào Việt Nam tiêu thụ. Trong đó, tăng nhiều và nhanh nhất là thực phẩm tươi sống và chế biến (thịt gia súc, đồ hộp, phô mai, sữa, bánh kẹo, trái cây…). Có những quốc gia đưa hàng hóa vào Việt Nam nhiều như Ba Lan xuất khẩu thịt bò, Tây Ban Nha, Bỉ xuất khẩu thịt heo, bò… với giá trị tăng trong 9 tháng 2019 từ 100% - 150% so với cùng kỳ năm 2018. Ở khu vực châu Á, ngoài Trung Quốc, thì Thái Lan cũng đưa hầu hết các loại hàng hóa thế mạnh sản xuất của họ (trái cây, bánh kẹo, dệt may, da giày...) sang tiêu thụ.

Việt Nam hiện giờ còn tăng nhanh nhập khẩu thực phẩm và hàng tiêu dùng của Nhật Bản, Hàn Quốc và từ Việt Nam, rất nhiều hàng thực phẩm, tiêu dùng của Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản lại tái xuất sang thị trường Campuchia, Lào. Riêng các quốc gia trong nội khối ASEAN như Philippines, Indonesia, Malaysia… thì xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ nội địa nối dài, với mức tiêu thụ lớn và đa dạng chủng loại hàng hóa, từ nông sản thực phẩm, ô tô, hàng tiêu dùng, vải sợi… đến linh kiện, phụ tùng cho sản xuất dệt may, da giày, điện tử.

Đối với nhiều nhà bán lẻ nước ngoài, thị trường và người tiêu dùng Việt hiện có mức độ thích ứng và tiếp cận sản phẩm mới nhanh chóng, quan tâm đến chất lượng hàng hóa hơn là giá cả. Vì vậy, hầu hết doanh nghiệp đưa hàng vào thị trường Việt Nam đều có xu hướng mở rộng doanh nghiệp và kinh doanh lâu dài.

Thanh Trà

Tin đọc nhiều