Hãy nâng cao bài toán thương hiệu

15:00 | 02/12/2019

"Kết nối thương hiệu Việt" đang được rất nhiều sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu về phát triển thương hiệu, các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và đại diện lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp

Giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam tăng 12 tỷ USD
Xây dựng thương hiệu trong kỷ nguyên số
Nâng cao giá trị hàng Việt: Liên kết để tạo đột phá

Xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, liên tục

Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ, quan điểm của Tân Hiệp Phát là không thể đi một mình để phát triển mà phải có sự hợp tác từ phía các nhà cung ứng. Là một đơn vị tiêu dùng, Tân Hiệp Phát coi người tiêu dùng là vấn đề cuối cùng để tìm cách giải quyết. Tân Hiệp Phát đã có sự phát triển trong tư duy, trước đây nhà cung cấp chỉ là mua đứt bán đoạn, sau này là đối tác. Có nghĩa là cần có sự chung tay xây dựng đạo đức kinh doanh. Theo đó, nếu phải chia hoa hồng cho ai đó thì vẫn phải cắt ra trong chi phí từ sản phẩm, vì thế cần xây dựng môi trường có sản phẩm tốt cho người tiêu dùng chứ không phải chi có lợi nhuận tức thời.

hay nang cao bai toan thuong hieu
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ về "Kết nối thương hiệu Việt"

Để trở thành công ty top 10 châu Á trong ngành giải khát và thực phẩm thì Tân Hiệp Phát quan niệm rằng không thể đi một mình. Vậy làm thương hiệu là học hay bắt chước? Học thì có giải pháp còn bắt chước là làm y như đơn vị khác. Đó là vì sao, tôi đã xuất bản cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”.

Với chúng tôi thương hiệu là đầu tư. Gọi nó là đầu tư vì nó phải mang lại lợi ích gì. Không định hình được giá trị cuối cùng của thương hiệu đó là gì thì chỉ là nhận biết thương hiệu chứ không phải là giá trị thương hiệu. Với Tân Hiệp Phát đã xây thì phải xây cho một giá trị nào vì đều phải dùng tiền để đầu tư, bà Uyên Phương nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu là cả một quá trình, là đầu tư đài hạn chứ không phải ngắn hạn. Bản thân Tân Hiệp Phát muốn xây dựng một thương hiệu Việt tồn tại 100 năm. Nay Tân Hiệp Phát mới được 25 năm nhưng chúng tôi tự tin xây dựng được thương hiệu 100 năm. Chúng tôi đã xây dựng công nghệ chiết vô trùng cách đây 10 năm thì nay nó mới thành xu thế. Rõ ràng, thay đổi một cách nhìn nhận còn cần sự quyết liệt không bỏ cuộc. Một đề tài Tân Hiệp Phát muốn các quản lý cấp cao nhìn thấu để thay đổi ngoài thay đổi công nghệ 4.0, đó là dịch chuyển trong kinh doanh dẫn tới dịch chuyển trong cấu trúc.

Khi bộ máy quá nặng nề thì không hỗ trợ được dịch chuyển trong kinh doanh. Nhưng muốn dịch chuyển trong cấu trúc thì cần dịch chuyển trong văn hoá. Và muốn dịch chuyển trong văn hoá thì cần dịch chuyển trong lãnh đạo, mà cụ thể ở đây là trong nhận thức của những người làm lãnh đạo. Tư duy thay đổi thì mới có hành động đúng. Suy nghĩ dài hơi mới có kế hoạch giải pháp cho môi trường, con người. Chúng tôi nghĩ rằng phải có kế hoạch dài hạn để "không chỉ tốt cho người làm Tân Hiệp Phát hiện tại mà còn cho con cháu họ sau này", bà Uyên Phương cho biết thêm.

Liên kết để tạo nên sức mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà Đầu tư nhấn mạnh: "Liên kết để cùng tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt là yếu tố quan trọng để vượt qua thách thức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Đó cũng là yếu tố tạo nên sức mạnh thương hiệu quốc gia, đưa đất nước tiến nhanh đến sự phồn thịnh".

Vấn đề đặt ra là: "Vì sao sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt, thương hiệu Việt vẫn chưa chặt chẽ và cần phải làm gì, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ liên kết đó?". Chính vì vậy, chúng ta đang đi tìm lời giải cho 2 câu hỏi lớn: Một là, liệu có thể tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các tập đoàn lớn của Việt Nam với nhau và làm gì, làm thế nào để tăng cường mối quan hệ liên kết đó?

Hai là, làm gì và làm thế nào để các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đóng vai trò dẫn đầu trong kết nối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp? làm gì để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm thông qua việc nâng cao khả năng cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng, dịch vụ logistics… của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Tuấn chia sẻ.

Xây dựng thương hiệu cần gắn kết với vấn đề tài chính

PGS.TS. Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Chính sách phát triển công nghiệp nhận định, ẩn sau chữ thương hiệu là các sản phẩm, các doanh nghiệp, tập đoàn.

Ở Việt Nam, câu chuyện không dừng lại ở xây dựng thương hiệu theo hàng dọc hay hàng ngang, mà quan trọng hơn là thực hiện theo phương thức gì. Ví dụ, với công ty sữa, nông dân nếu là cổ đông của DN thì đó là máu thịt rồi, họ phải tuân thủ tuyệt đối để mang về lợi ích cho chính họ, còn nếu không giá tăng họ có thể bán sữa cho người khác. Đó là câu chuyện xảy ra rất nhiều tại Việt Nam.

"Người Việt thiếu lòng tin về các mối quan hệ tài chính kiểu đó, họ sẵn sàng bỏ tiền đánh đề, nhưng để góp cổ phiếu cổ phần là rất khó. Do đó tôi cho rằng cần nâng cao công tác truyền thông, để người dân hiểu được tầm quan trọng của quản trị tài chính cá nhân", ông Tuất nhấn mạnh.

Doanh nghiệp nhỏ có thể núp dưới bóng người khổng lồ

Ông Vũ Xuân Trường, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, các DN Việt hiện nay đang trong giai đoạn chuyển đổi về thương hiệu, vì vậy chúng ta cần có nhận thức đúng về giá trị thương hiệu, đặc biệt lãnh đạo doanh nghiệp càng cần nhận thức rõ hơn về vấn đề này.

Trên thực tế, lãnh đạo cơ quan thích gì thì nhân viên sẽ thích theo cái đó. Nên nếu làm thương hiệu tốt từ chủ doanh nghiệp thì nhân viên cũng sẽ làm theo. Nếu không quan tâm tới thương hiệu thì chúng ta không thể có thương hiệu của Việt Nam.

Hiện nay chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách thức trong vấn đề thương hiệu Việt. Đó là vấn đề quy mô nhỏ, đơn lẻ; vấn đề chất lượng, an toàn; năng lực chế biến; khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt.

Những khó khăn này đang hiển hiện trong thực tế. Cùng với đó, việc kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và thương mại hiện nay còn rất hạn chế. Chúng ta còn yếu và thiếu năng lực phát triển thương hiệu. Nếu nhận thức thương hiệu là công cụ kinh doanh thì doanh nghiệp phải biết mài sắc nó.

Điểm yếu trong kết nối của doanh nghiệp Việt là câu chuyện thời gian và nguồn lực cho kết nối thương hiệu Việt. Doanh nghiệp cần có chiến lược để xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, thương hiệu Việt còn yếu là do thiếu vai trò của các hiệp hội và ngành hàng. Gần đây chương trình thương hiệu quốc gia nhắc tới vai trò của các hiệp hội và ngành hàng đối với kết nối thương hiệu Việt. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng đang đặt ra vấn đề lớn cho xây dựng thương hiệu.

Chúng ta có pháp luật tốt, đầy đủ nhưng vấn đề thực thi và ý thức người làm kinh doanh thì lại đang có vấn đề. Nếu không có đạo đức kinh doanh từ ban đầu thì không khác gì hỏng từ ý tưởng. Tiếp theo là vấn đề kiềng 3 chân giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Ở nước ta hiện nay có rất ít doanh nghiệp thành công, trở thành một tập đoàn lớn hình thành nên hệ sinh thái. Chỉ đến khi nào người dân nhìn thấy một thương hiệu và yên tâm rằng vào đây mọi thứ đều tốt thì đó là thành công khi làm thương hiệu.

Chính vì vậy, cần xây dựng những thương hiệu lớn để chúng ta có nhiều lựa chọn hơn, để người dân mua mà không phải lăn tăn điều gì.

Giải pháp cho câu chuyện kết nối thương hiệu Việt là ứng dụng công nghệ thương hiệu Việt như phát triển doanh nghiệp công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; gia tăng tốc độ chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh ngành hàng.

Nên tạo đột phá từ lĩnh vực nông nghiệp. Tiếp theo là kết nối tam giác nhà nước – doanh nghiệp – người dân. Tiếp cận với khái niệm thương hiệu chủ lực, từ ngành hàng chủ lực đến sản phẩm chủ lực đến thương hiệu chủ lực.

Nhà nước cần chủ động định hướng và hỗ trợ xây dựng những thương hiệu chủ lực, làm đầu tàu phát triển. Các doanh nghiệp nhỏ có thể thực hiện chiến lược núp bóng ông lớn, đứng dưới bóng người khổng lồ, ông Trường nhấn mạnh.

Bài và ảnh Đức Hiền

Tin đọc nhiều