Hỗ trợ DN: Đúng địa chỉ, không tràn lan

11:54 | 11/04/2012

Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu ngân sách trong quý I/2012 đạt thấp hơn nhiều năm trước, báo hiệu một năm khó khăn cho cân đối thu - chi quốc gia.

Nhưng trong quan điểm của cơ quan quản lý ngân khố, năm nay, Chính phủ có thể chấp nhận thu ít hơn, đồng thời tìm các giải pháp tài chính để hỗ trợ DN, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn, nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.

Giãn thuế thu nhập cho hơn 160 nghìn DN

Khoảng 2.200 DN đã làm thủ tục giải thể, 9.700 DN đã gửi thông báo ngừng hoạt động, ngừng thực hiện các nghĩa vụ thuế đến cơ quan quản lý. Đó là con số rất đáng lưu tâm đối với các cơ quan quản lý. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ lưu ý, không phải tất cả đều là DN "chết", mà trong đó có rất nhiều DN đã tự tái cấu trúc, ngừng hoạt động để chuyển đổi sang lĩnh vực khác. Mặc dù vậy, điều đó cũng chứng tỏ hoạt động của nhiều DN đang rất khó khăn. Con số tăng trưởng GDP trong quý I/2012 chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm trước là một dẫn chứng.

Ảnh: sưu tầm
Giãn thuế sẽ giúp DN có thêm vốn sản xuất kinh doanh. (Ảnh: St)

"Giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này ngoài tiền tệ còn phải trông vào chính sách tài chính", TS. Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu quan điểm. Đồng ý với quan điểm này, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, ngân sách nhà nước đã giảm thu trong quý I vừa qua có nguyên nhân do Chính phủ đang thực hiện việc giãn, giảm thuế cho DN. Theo số liệu công bố chính thức, tổng thu ngân sách nhà nước lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/3/2012 ước đạt trên 136.900 tỷ đồng, chỉ bằng 18,5% dự toán năm. Trong khi đó với các năm trước, ở quý I thu ngân sách thường chiếm từ 20% đến gần 22% tổng dự toán cả năm.

Chưa hết, Bộ Tài chính cũng vừa ban hành Thông tư số 42/TT-BTC tiếp tục giãn thời hạn nộp thuế thu nhập DN quý I và quý II/2011 của DNNVV, DN sử dụng nhiều lao động trong các ngành dệt may, da giày, chế biến nông - lâm - thủy sản thêm 3 tháng nữa. Theo đó, thuế quý I/2011 được lùi thời hạn nộp chậm nhất đến ngày 30/7/2012; thuế của quý II/2011 được lùi đến 30/10/2012.

Với chính sách này, ước tính có khoảng hơn 160.000 DN được giãn nộp thuế với số tiền hơn 10.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ hộ sản xuất nhỏ cũng được giãn thời hạn nộp thuế thu nhập cá nhân. Không những thế thủ tục về thuế cũng được Bộ Tài chính quán triệt "đơn giản hơn". Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng "với giải pháp tiếp tục gia hạn nộp thuế thu nhập DN được thực hiện đồng bộ với các giải pháp về tiền tệ, tín dụng sẽ phát huy được hiệu quả của chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất".

Giảm thuế nhập khẩu, tăng cường kiểm soát giá

Kiểm soát giá, giảm thuế nhập khẩu cũng nằm trong các giải pháp được Bộ Tài chính triển khai trong thời gian gần đây. Chẳng hạn như nhiều loại mặt hàng nhập khẩu như gas, xăng dầu… đã được giảm thuế để giúp DN giảm chi phí đầu vào sản xuất; Bộ Tài chính cũng đã có hướng dẫn mới về thuế giá trị gia tăng, theo đó mở rộng đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0%. Hay như việc các tổ chức kinh tế hoạt động trong các ngành sản xuất đã được giảm 50% tiền thuê đất…

Liên quan đến giá, một số mặt hàng nguyên, nhiên liệu sản xuất quan trọng đã thực hiện từng bước theo cơ chế giá thị trường như điện, than, xăng dầu". Tuy nhiên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, các mặt hàng này nếu tăng giá cũng chỉ tăng ở mức kiềm chế. Hiện các mặt hàng này chưa tính đủ chi phí trong cơ cấu giá thành vào giá bán. Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá, tăng cường các giải pháp kiểm soát thị trường…

Ngoài ra, để hỗ trợ DN tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, tăng sức tiêu thụ, thì cơ chế DN tự định giá cũng đã được áp dụng với đại bộ phận hàng hóa dịch vụ trong nền kinh tế. Đó là những sản phẩm thuộc hàng nông - lâm - thủy sản, hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất và vật liệu xây dựng… Những sản phẩm trong diện này, Nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp kinh tế gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá trên thị trường để bình ổn giá.

Về các giải pháp trong thời gian tới, nhằm xác định rõ tình hình khó khăn của DN, cũng như có giải pháp để hỗ trợ cả những DN kinh doanh thua lỗ, không có thu nhập chịu thuế, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, cơ quan này đã thành lập tổ công tác để điều tra, đánh giá tình hình hoạt động của DN. Kết quả điều tra sẽ là cơ sở khoa học để đánh giá một cách khách quan tình hình sản xuất hiện nay, từ đó có thể đưa ra giải pháp hữu hiệu, phù hợp giúp DN vượt qua khó khăn. để "Hỗ trợ DN hiệu quả thì phải hỗ trợ đúng địa chỉ, không tràn lan", ông Huệ cho biết.

Linh Ly

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều