Hỗ trợ khách hàng: Ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất

07:25 | 24/09/2020

Trước những khó khăn do dịch bệnh kéo dài, từ đầu tháng 9, nhiều ngân hàng đã quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Theo các chuyên gia, động thái này đã thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với khách hàng. Đồng thời, đây là nguồn hỗ trợ mạnh mẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi trong thời gian tới.

ho tro khach hang ngan hang tiep tuc giam lai suat
Ảnh minh hoạ

Hỗ trợ liên tục và kịp thời

Mới đây, lãi suất cho vay cá nhân tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) đã được điều chỉnh giảm còn ở mức từ 5,9%/năm cho 6 tháng đầu, 6,9%/năm cho 6 tháng tiếp theo. Chia sẻ với báo chí, đại diện ABBank cho biết đây là lần thứ tư kể từ đầu năm Ngân hàng có quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cá nhân.

Theo đại diện ABBank, hành động này thể hiện cam kết của ngân hàng trong việc đồng hành và chia sẻ khó khăn với các khách hàng có nhu cầu vốn để giải quyết các vấn đề tài chính cấp bách.

Trước đó, nhóm bốn NHTM nhà nước lớn là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank cũng đã giảm lãi suất huy động đến 0,2% ở các kỳ hạn dưới 12 tháng. Đối với kỳ hạn trên 12 tháng, Vietcombank và Agribank đều giảm từ 0,2 - 0,3% so với đầu tháng. Các NHTMCP tầm trung cũng giảm lãi suất huy động, nhất là ở các kỳ hạn dưới 12 tháng.

Ngoài ra, nhiều tổ chức tín dụng còn miễn, giảm các phí dịch vụ thanh toán; miễn phí chuyển tiền ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và hạn mặn qua tài khoản ngân hàng; miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán cho các đối tượng nhận hỗ trợ thông qua phương thức thanh toán trực tuyến qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, để người dân, doanh nghiệp cận được nguồn vốn ưu đãi dễ dàng, ngành Ngân hàng luôn coi trọng cải cách hành chính đảm bảo nguyên tắc trung tâm là tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm (thời gian, chi phí) cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng.

Đặc biệt, các ngân hàng tích cực triển khai hỗ trợ tín dụng theo Thông tư số 01 của NHNN để người dân, doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất. Ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, đến ngày 14/9/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.

Mở rộng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế

Theo số liệu mới công bố, tính đến ngày 16/9/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 4,81% so với cuối năm 2019, tương đương hơn một nửa mức tăng trưởng cùng kỳ năm trước (8,64%).

Lý giải nguyên ngân, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, dịch Covid-19 tác động mạnh đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, riêng với các ngân hàng, tác động lớn nhất là cầu tín dụng rất thấp.

Mặc dù các ngân hàng đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp, NHNN cũng nới room cho tất cả các ngân hàng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng, song số lượng khách hàng có nhu vay vẫn rất ít.

Để khắc phục tình trạng này, theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, sắp tới, tổ chức tín dụng nào có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần vừa tạo điều kiện mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, một bộ phận lớn khách hàng của các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực còn rất mỏng. Vì vậy, theo các chuyên gia, để tăng tín dụng vào khối doanh nghiệp này thì rất cần những chính sách bảo lãnh, các quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vào cuộc để ngân hàng yên tâm cho vay.

Mở rộng tín dụng để người dân, doanh nghiệp có cơ hội khôi phục sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn cần có nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để yên tâm vượt qua khó khăn. Trong chỉ đạo điều hành của NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, chủ trương xuyên suốt của NHNN thời gian tới là cố gắng phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

“Chính vì vậy, trong điều hành luôn điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi cho tổ chức tín dụng có nguồn để cung cấp tín dụng, hạn chế phải tăng lãi suất huy động. Trường hợp cần thiết tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để làm sao có nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi cho vay với lãi suất ưu đãi”, Phó Thống đốc khẳng định.

Bên cạnh đó, muốn nền kinh tế sớm phục hồi cần thúc đẩy nhanh và mạnh vay tiêu dùng. Theo đánh giá của chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực, tiêu dùng cá nhân của Việt Nam hiện nay tương đương khoảng 81% GDP. Nếu như quy mô của thị trường này tăng thêm 1% thì GDP sẽ tăng thêm 0,12 điểm phần trăm. Đây chính là động lực để khơi thông dòng chảy cung cầu trên thị trường, kích hoạt việc làm cho cả nền kinh tế.

Để sớm phục hồi nền kinh tế, theo các chuyên gia, ngân hàng bán lẻ cũng như hoạt động cho vay cá nhân cần được khai thác tối đa tiềm năng hơn nữa. Bởi tăng cho vay tiêu dùng không chỉ kích thích dòng tiền lưu chuyển nhanh hơn mà còn kích nhu cầu mua sắm, tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, giảm thiểu tồn kho, đẩy mạnh sản xuất, tạo việc làm cho lao động hiện nay.

Giang Giang

Tin đọc nhiều