Hoàn thiện hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

15:47 | 15/10/2019

Sáng nay (15/10/2019), Hội thảo “Góp ý Dự luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)” đã được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đông đảo chuyên gia, người đại diện đến từ Ban Kinh tế Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

hoan thien hanh lang phap ly bao ve quyen loi nha dau tu

Cần có một chương riêng về bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư

Phát biểu dẫn đề, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho biết: Các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư, được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư vào nước ta. Đó là những biện pháp được quy định nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư trong suốt quá trình đầu tư; là cam kết về trách nhiệm của nhà nước tiếp nhận đầu tư đối với quyền lợi cụ thể của nhà đầu tư.

Hiện nay, điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, quy định này mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi văn bản pháp luật về ưu đãi đầu tư, trong khi nhà đầu tư mong muốn nhiều hơn thế, bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản, bảo đảm chuyển tài sản và lợi nhuận hợp pháp của nhà đầu tư ra nước ngoài, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, bảo đảm đầu tư đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Do đó, theo ông Nguyễn Mại, cần có một chương “Bảo đảm đầu tư” để quy định đầy đủ các nội dụng có liên quan đến quyền lợi của nhà đầu tư:

Về nội dung này, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đề xuất cần bổ sung vào Điều 13 của Luật Đầu tư 2014 quy định: Trong trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có những quy định mâu thuẫn với các nội dung, quy định, điều kiện trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cho nhà đầu tư một cách hợp pháp, thì nhà đầu tư được tiếp tục được thực hiện theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cho đến hết thời hạn của Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, trừ trường hợp nhà đầu tư lựa chọn thực hiện theo văn bản pháp luật mới ban hành.

Quy định này không áp dụng trong trường hợp thay đổi quy định của văn bản pháp luật vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường.

Gỡ chồng chéo luật sẽ thúc đẩy doanh nghiệp phát triển

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đưa ra 20 ví dụ điển hình cho việc chồng chéo, thiếu rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh.

Ví như tại Luật Nhà ở, Điều 170.2 quy định đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư thì phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Chính phủ. Hay nói cách khác là bất kỳ dự án xây dựng nhà ở nào cũng phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án. Nhưng tại Luật Đầu tư, Điều 30, 31, 32, 36 quy định một số dự án đầu tư không phải thực hiện bất kỳ thủ tục nào liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư trước khi triển khai dự án đầu tư (những dự án không thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư, những dự án có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51%)

Hay như về lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất, Luật Đất đai quy định các trường hợp đấu giá, không đấu giá đất (Điều 118). Còn Luật Đấu thầu Quy định các trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (Điều 1.3 Luật Đấu thầu; Điều 1 Nghị định 30/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên giữa 2 Luật không quy định rõ đối với một mảnh đất, trường hợp nào thì xác định chủ đầu tư theo hình thức đấu giá, trường hợp nào thì xác định theo hình thức đấu thầu vì vậy việc thực hiện trở rất phức tạp nên nhiều địa phương thực hiện cả hai loại.

Hay nói về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, Luật Đất đai quy định HĐND cho phép chuyển mục đích sử dụng đất dưới 10 héc-ta đất trồng lúa, dưới 20 héc-ta đất rừng phòng hộ, đặc dụng; bộ, ngành cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại đảo, thị trấn ven biển. Trong khi Luật Đầu tư quy định UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, không phân biệt loại đất được chuyển (Điều 32.1).

Hai quy định khác nhau này dẫn đến vấn đề Dự án có đề xuất chuyển mục đích dưới 10 héc-ta đất trồng lúa, dưới 20 héc-ta rừng phòng hộ, đặc dụng thì thẩm quyền thuộc UBND hay HĐND? UBND chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không có Nghị quyết của HĐND thì giải quyết như thế nào? Đối với Dự án có đề xuất chuyển mục đích dưới 10 héc-ta đất trồng lúa, dưới 20 héc-ta rừng phòng hộ, đặc dụng tại đảo, thị trấn ven biển thì sẽ phải xin chấp thuận của bao nhiêu cơ quan (UBND, HĐND, bộ, ngành)? Thủ tục nào trước? Các thủ tục như thế nào?

Những quy định không rõ ràng này gây gây rủi ro cho cơ quan quản lý trong cấp phép, sinh ra tư tưởng sợ sai, sợ rủi ro và đùn đẩy trách nhiệm. Các dự án ách tắc, doanh nghiệp khó nhưng ngân sách cũng mất nguồn thu.

“Tôi tin chỉ cần khắc phục nhứng vấn đề chồng chéo trong pháp lý thôi thì đã hỗ trợ, thúc đẩy rất nhiều cho doanh nghiệp phát triển” ông Tuấn nói.

Kiến nghị để hoàn thiện luật

Trong phiên thảo luận mở, để các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung còn ý kiến khác nhau trong 2 dự luật, đặc biệt là về bảo đảm đầu tư, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhất là trong trường hợp có sự thay đổi của pháp luật; về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; các quy định nhằm kiểm soát việc ban hành “Giấy phép con”; về đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường, chia tách doanh nghiệp… Các đại biểu cũng đã chỉ rõ những nội dung còn thiếu rõ ràng trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và tình trạng chồng chéo, xung đột giữa Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp với các luật chuyên ngành khác như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch…

Đồng thời, các đại biểu cũng đã thảo luận, đóng góp các ý kiến nhằm kịp thời thể chế hóa nội dung của Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về “Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030” và Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Ban tổ chức Hội thảo cho biết, trên cơ sở ý kiến đóng góp tại Hội thảo, Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sẽ có báo cáo chọn lọc các kiến nghị gửi Ban soạn thảo, Thủ tướng Chính phủ và các Ủy ban của Quốc hội để xem xét trong quá trình hoàn thiện các dự luật.

Minh Ngọc

Tin đọc nhiều