Hoàn thiện pháp luật để thu hút nhà đầu tư lớn

07:00 | 28/10/2019

Hoàn thiện thể chế, chính sách chính là xa lộ để đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng hiệu quả của thu hút đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong giai đoạn mới, nó vừa mang tính đột phá, vừa mang tính cơ bản, chiến lược lâu dài. Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc xây dựng các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư (NĐT).

Không ngừng hành động vì một Việt Nam thịnh vượng
Doanh nghiệp Hoa Kỳ tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại miền Trung
Nhà đầu tư nước ngoài lạc quan về kết quả kinh doanh

Thiếu dự án chất lượng cao vì luật…

Ông Nguyễn Văn Toàn - Phó chủ tịch Hiệp hội DN có vốn ĐTNN (VAFIE) dẫn báo cáo ĐTNN thế giới của UNCTAD cho thấy trong bối cảnh thu hút ĐTNN thế giới liên tục giảm trong ba năm gần đây thì ĐTNN của các nước ASEAN là một điểm sáng khi tăng liên tục trong cùng thời gian đó. Đặc biệt Việt Nam đã vượt qua Thái Lan đứng thứ 3 trong ASEAN và nằm trong top 20 thế giới về thu hút và giải ngân ĐTNN năm 2018, xếp trên cả Hàn Quốc và Nga.

Song nếu xét về chất lượng nguồn vốn FDI, ngoài các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, nguồn vốn chất lượng cao của Mỹ và EU đầu tư vào Việt Nam còn khá hạn chế so với quan hệ thương mại và tiềm năng. Theo số liệu đầu tư thế giới của UNCTAD, mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 300 tỷ USD. Trong khi số vốn đăng ký của Mỹ đầu tư vào Việt Nam chỉ là 550 triệu USD trong năm 2018, trong khi lượng vốn đầu tư của Mỹ vào Trung quốc là 2,464 tỷ USD. Tính đến hết năm 2018, Mỹ chỉ đứng thứ 11 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 9,3 tỷ USD.

hoan thien phap luat de thu hut nha dau tu lon
Minh bạch về pháp lý là một trong những điều kiện để thu hút nhà đầu tư

Tương tự với EU, tình hình cũng không khả quan hơn khi mà tổng số vốn đăng ký của 28 nước trong liên minh châu Âu (EU) đầu tư vào Việt Nam đến tháng 12/2018 khoảng hơn 25 tỷ USD.

Lý giải nguyên nhân, ông Toàn cho biết, mặc dù các nhà đầu tư từ EU và Mỹ đánh giá khá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; song họ còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, đặc biệt là luật hóa các nội dung bảo đảm đầu tư đối với NĐTNN.

GS.TS - Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE chỉ ra điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật dù đã được quy định tại Điều 13 của Luật Đầu tư 2014, nhưng mới chỉ dừng lại ở sự thay đổi về ưu đãi đầu tư; còn các điều kiện đầu tư khác dù đã được quy định trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư chưa được bảo đảm. Đến Dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư cũng chưa bổ sung.

Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Thị Quỳnh Anh nhấn mạnh, NĐT chỉ biết khi cơ quan quản lý cấp giấy phép thì sẽ được hưởng những quyền lợi trong điều khoản cấp. Vì vậy, không thể nói sau thay đổi chính sách họ không được hưởng. “Chính sách phải hướng tới nếu tốt hơn được hưởng, xấu hơn thì không phải chịu, điều này mới đảm bảo quyền lợi NĐT”, bà Anh nói.

Cần có bước đột phá chính sách

Trong khi đó, Hiệp định bảo đảm đầu tư Việt Nam - EU vừa được ký kết ngày 3/6/2019 về nội dung bảo đảm đầu tư ghi rõ: Đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho NĐTNN; Cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của NĐT và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; Cam kết bồi thường cho NĐT trong trường hợp tài sản của NĐT bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; Cam kết cho phép NĐT tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài, và các cam kết bảo hộ đầu tư khác.

Vì vậy, để thu hút đầu tư, đặc biệt là ĐTNN, ông Mại đồng thuận với việc có riêng một chương “Bảo đảm đầu tư” để quy định đầy đủ các nội dung có liên quan đến quyền lợi của NĐT như: Bảo đảm quyền sở hữu tài sản; Bảo đảm chuyển tài sản, lợi nhuận hợp pháp của NĐT ra nước ngoài; Bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật; Bảo đảm quyền lợi của NĐT trong hoạt động đầu tư kinh doanh…

Riêng đối với việc bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật, VAFIE đề xuất bổ sung trong trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có những quy định mâu thuẫn với các nội dung, quy định, điều kiện trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cho NĐT một cách hợp pháp, thì NĐT tiếp tục được thực hiện theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, trừ trường hợp NĐT lựa chọn thực hiện theo văn bản pháp luật mới ban hành.

Trường hợp NĐT không được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư hoặc các quy định trong giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng, bảo vệ môi trường sẽ được xem xét giải quyết khi có yêu cầu bằng văn bản trong 3 năm kể từ ngày văn bản pháp luật mới có hiệu lực

Bàn thêm về thể chế thu hút đầu tư, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV lo lắng điều kiện hưởng ưu đãi đầu tư “khủng” sẽ dẫn đến chỉ vài tỷ phú được thụ hưởng. Hơn thế, cần làm rõ khái niệm thế nào là sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học công nghệ; Hay thế nào là chuỗi giá trị, liên kết ngành để làm căn cứ xét hưởng ưu đãi.

Ông Mại lại cho rằng hiện các chính sách ưu đãi trong luật hiện hành cũng như sửa đổi đưa ra chủ yếu là ưu đãi thuế trong khi đó với NĐT đặc biệt với lĩnh vực công nghệ thì điều mà họ cần hơn là điều kiện đầu tư, khấu hao nhanh, trợ giúp của Chính phủ đối với NĐT kể cả tài trợ. Hơn thế, chúng ta mong muốn các DN FDI liên kết với các DN trong nước nhưng, dự thảo Luật Đầu tư và DN sửa đổi đưa ra được những ưu đãi đối với DN FDI trong việc liên kết với DN trong nước về công nghệ hỗ trợ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những vấn đề này cần được sớm tháo gỡ.

Nhất Thanh

Tin đọc nhiều