Thuê xe đi… cầm đồ | |
Dịch vụ cầm đồ, tiếp tay cho tội phạm? | |
Vui buồn chuyện… cầm đồ |
Kẻ mừng, người lo
Cách đây 1 tháng, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết, Công an thành phố đang rà soát lại tất cả các tiệm cầm đồ, dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, đòi nợ thuê… để tạo điều kiện kinh doanh tốt cho những DN làm ăn đúng pháp luật. Về lý thuyết, chiến dịch này của Bí thư được cả DN và người dân trên địa bàn ủng hộ, thậm chí cả những người chủ tiệm cầm đồ.
Đơn cử, nhiều chủ tiệm cầm đồ lên tiếng rằng họ làm ăn đàng hoàng, cầm chính chủ chứ không chéo chủ. Tài sản của ai người đó đi cầm. Thậm chí còn khẳng định những tiệm cầm đồ uy tín đa phần là những tiệm cầm đồ làm việc đàng hoàng, trung thực, tuân theo pháp luật, nhận biết không hề khó.
Theo đó, có một ông chủ cầm đồ khi được hỏi về chiến dịch của Bí thư, vị này khẳng định rất thích hành động chấn chỉnh theo quan điểm của Bí thư Thăng, nhất là trong bối cảnh tiệm cầm đồ thành phố đang loạn, vừa hạn chế được DN làm ăn phi pháp, và những tụ điểm làm ăn lành mạnh, hợp pháp phát triển hơn.
Vay tiền trả góp, thêm minh bạch để bớt phiền hà |
Tuy nhiên, nếu nhìn lại, có thể thấy một điểm chung giữa các tiệm cầm đồ hiện tại là mỗi điểm có một hình thức hoạt động riêng trong cái quy tắc hoạt động chung mà ai cũng khẳng định ở trên kia. Đó là, phần lớn họ làm theo những dạng cho vay tín chấp, cầm xe mà không cần giữ xe... cho nên đến thời điểm người vay bê trễ trả nợ, lập tức xảy ra một số rủi ro đâm thuê, chém mướn...
Hay cũng có một số mở công ty, DN tư nhân làm việc "cầm đồ", nhưng việc làm phía sau của các công ty đó là cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê hay mua bán những đồ trộm cắp... tạo điều kiện cho trộm cướp và những tệ nạn phát triển trên địa bàn thành phố.
Thậm chí, trong bối cảnh bị siết chặt quản lý, không khó để nhận ra rằng một số tiệm cầm đồ đã bắt đầu nâng cấp chiến lược kinh doanh, hình thức hoạt động hợp pháp hơn, nghe lành mạnh hơn đó là cho vay tài chính theo hình thức vay trả góp có lãi suất.
Như vậy, đối với ngành tài chính mà nói, chuyện Bí thư phát động chiến dịch thanh tẩy tín dụng đen, hay còn gọi là cầm đồ ra khỏi xã hội là một chuyện đáng mừng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, chiến dịch này tích cực nhưng một lần nữa cảnh báo NHNN phải có chính sách siết chặt và quản lý. Như đã nói ở trên, những biến thể hình thức cho vay tài chính từ tiệm cầm đồ sẽ trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Vay chính chủ
Thực tế, những cảnh báo trên không thừa vì xu hướng cho vay tài chính được biến thể từ tiệm cầm đồ hoặc có liên kết với tiệm cầm đồ đang ngày càng nở rộ. Về hình thức hoạt động, các công ty tài chính này cho vay khá đơn giản, giống như vay tại các công ty cho vay tài chính hoạt động dưới sự quản lý của NHNN là chỉ cần CMND, Hộ khẩu, có nguồn thu nhập… Điểm khác biệt lớn là các công ty tài chính có liên kết với tiệm cầm đồ cho vay có tài sản đảm bảo trong khi các công ty tài chính cho vay thì 100% là tín chấp.
Đơn cử, điều kiện để vay tại dịch vụ Doctor Đồng, người vay có độ tuổi từ 22 tuổi đến 60 tuổi. Thu nhập trung bình hàng tháng từ 2 triệu đồng. Có tài sản sở hữu hợp pháp dùng để bảo đảm cho khoản vay theo quy định của bên cho vay theo từng thời kỳ.
Cơ cấu hoạt động cho vay tại Doctor Đồng cũng khác so với các tổ chức tài chính tiêu dùng khác là đơn vị này không cho vay trực tiếp mà cho vay chéo thông qua một công ty khác. Cụ thể, khi được chấp nhận giải ngân, người vay sẽ nhận được 2 tin nhắn như sau: Tin nhắn thông báo Phê Duyệt Khoản Vay từ Doctor Đồng và tin nhắn Giải Ngân từ Doctor Đồng hoặc đối tác giải ngân.
Sau đó, người vay mang theo CMND và tin nhắn có mã Code nhận tiền của đối tác giải ngân đến nhận tiền giải ngân tại các điểm giao dịch của đối tác giải ngân đã được nhân viên của Doctor Đồng tư vấn trong quá trình làm hợp đồng vay. Được biết, đối tác mà Doctor Đồng nhắc đến hiện nay là Công ty TNHH MTV TMDV Vạn An Phát với giấy phép kinh doanh đăng ký tại Sở KH&ĐT có hoạt động cầm đồ.
Trong khi đó, trên website của các công ty tài chính như FE Credit hay là Home Credit, HD Saison… thì cũng câu hỏi đó, được trả lời rất rõ ràng. Nếu vay tiền mặt thì khách hàng có thể đến bưu điện gần nhất/NH (nếu khách hàng có thẻ tài khoản) để nhận tiền mà không cần phải qua đơn vị trung gian nào cả.
Theo nhận định của một lãnh đạo tài chính, có khá nhiều dấu hỏi đặt ra cho thương hiệu Doctor Đồng bởi, dòng tiền cho vay của đơn vị này khá lòng vòng. Người ta đặt câu hỏi rằng, chỉ 1 khoản vay nhưng đặt dưới sự quản lý của 2 tổ chức, gồm công ty tài chính LGC để tư vấn và Vạn An Phát để cho vay. Theo đó, khách hàng phải trả 2 loại tiền cho một khoản vay là phí tư vấn cho LGC và lãi suất cho Vạn An Phát.
Vậy, đặt giả thiết lúc này có phải công ty lấy phí tư vấn của khách hàng là để che mắt cơ quan quản lý? Hay nói một cách dễ hiểu, hình thức lấy phí, một là để có thể hưởng lợi 2 đầu, hai là để chia nhỏ lãi suất vay ra thành phí và lãi để né tiếng “lãi suất cắt cổ”. Cho dù có né thành phí thì lãi suất 1%/ngày của Doctor Đồng cũng khiến người vay phải “ngập nợ”. Điều này đang đi ngược với xu thế chung của của các công ty tài chính là họ tư vấn hoàn toàn miễn phí, và lãi phải trả là khoản duy nhất cho những món vay.
Có lẽ, chính vì sự lòng vòng, hoạt động không được niêm yết rõ ràng nên Doctor Đồng liên tục nhận được những lời phàn nàn về dịch vụ. Trong một cuộc trao đổi mới đây, anh Đ. kể rằng, thời gian qua anh có vay vốn tại một TCTD có tên là Doctor Đồng. Sau khi vay anh Đ. gặp một số vấn đề phát sinh nên quy kết rằng: nhân viên công ty làm việc hết sức thiếu trách nhiệm.
Chuyện là, anh Đ. có vay tiền ở công ty, tới tháng không đủ tiền trả đành gia hạn, nhưng vì phía NH chuyển nhầm đến 1 tài khoản khác của công ty mà không biết. Đến khi bên thu hồi nợ gọi, anh mới biết là do NH nhầm lẫn. Sau đó, anh thông báo với công ty bằng cách gửi biên lai gửi tiền qua mail. Suốt mấy tháng sau đó, công ty vẫn im lặng rồi đùng cái lại gọi cho anh bảo vay tiền không trả, không đóng lời.
Sau khi giằng co vài lần, anh Đ. yêu cầu lên thẳng công ty trực tiếp gặp người có quyền hạn để giải quyết thì được câu trả lời là công ty không tiếp khách hàng trực tiếp. Lúc này anh Đ. mới mơ hồ cho rằng có điều gì đó mờ ám ở công ty nên không cho khách đến gặp trực tiếp…
Suy cho cùng, Doctor Đồng không phải là đơn vị kinh doanh duy nhất có liên kết với đối tác hoạt động trong lĩnh vực cầm đồ. Hiện nay, nhiều DN hoạt động ở lĩnh vực này cũng bắt đầu có xu hướng hình thành loại hình cho vay mới để hợp thức hóa mô hình tín dụng cho vay.
Thế nên, khi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM về chuyện quản lý các tổ chức tài chính biến tướng từ tiệm cầm đồ, ông Minh cũng thừa nhận đây là vấn đề mà ngành NH đang rất quan tâm.
Theo ông Minh, ngay từ thời điểm cuối năm 2015, Thống đốc NHNN đã có văn bản xuống các đơn vị NHNN chi nhánh yêu cầu phối hợp với các sở ban ngành có liên quan để kiểm tra xử lý các điểm cầm đồ, cho vay nặng lãi trên địa bàn. Theo đó, NHNN chi nhánh thành phố đã phối hợp với Sở KH&ĐT tư nhờ hỗ trợ rà soát lại các công ty có đăng ký GPKD hoạt động ở lĩnh vực cầm đồ, cho vay tài chính, sau đó gửi danh sách về cho NHNN chi nhánh thành phố.
Gần đây, UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục gửi văn bản phối hợp với NHNN chi nhánh thành phố, Cục Thanh tra giám sát NHNN để yêu cầu hỗ trợ trong việc rà soát lại hoạt động của các tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi để lên phương án giải quyết và xử lý.
Trước mắt, NHNN chỉ phối hợp hỗ trợ tốt hoạt động kiểm soát và trình Thống đốc để tìm ra phương án xử lý đối với những tổ chức cho vay nặng lãi. Thế nhưng, nếu các tiệm cầm đồ có xu hướng biến tướng trở thành những tổ chức tài chính cho vay hoạt động như một TCTD thì NHNN sẽ có giải pháp xử lý trực tiếp để không làm xáo trộn thị trường tài chính, cũng như thiệt hại cho người tiêu dùng vì lãi suất cao. Và câu chuyện Doctor Đồng cũng sẽ là một mô hình mới mà NHNN tìm hiểu, xem xét.
Thiết nghĩ, trong bối cảnh cơ quan quản lý còn đang xử lý, một lãnh đạo của Cục Thanh tra giám sát NHNN tại TP.HCM cũng khuyên người tiêu dùng nên hạn chế sử dụng các dịch vụ tài chính không rõ ràng. Trong đó, chuyện tìm đến những tổ chức tài chính uy tín, có sự kiểm soát của NHNN là cần thiết, để người tiêu dùng hạn chế rủi ro không đáng có. Vì hiện nay, khó có thể xác định được đâu là tiệm cầm đồ biến tướng, đâu là tổ chức tài chính thật sự.
Quỳnh Vũ