Hội nhập WTO: Động lực hay rào cản?

10:24 | 14/05/2012

Ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, cam kết mở cửa thị trường trong WTO và các FTA của Việt Nam không chỉ tạo ra những thuận lợi mà còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế, hoạt động xuất nhập khẩu cũng như thị trường nội địa của Việt Nam.

Bài toán xuất, nhập khẩu...

Theo ông Tuyển, tác động có thể thấy rõ nhất khi Việt Nam gia nhập nền kinh tế thế giới chính là mức độ sử dụng tỷ lệ nội địa hóa (ROO) để được hưởng các chính sách ưu đãi, cũng như tăng tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa vào một số thị trường quan trọng. Nếu như trước kia, tỷ lệ này thông thường đạt rất thấp trong nhiều loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thì một vài năm trở lại đây, tính bình quân kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các đối tác đã sử dụng ROO khoảng 25% để được ưu đãi. Cụ thể, Trung Quốc là 21,7%, Nhật Bản 28%, Hàn Quốc 79%... Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần đặt ra đối với các doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, bởi phần lớn các DN chưa quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Hiện nay, nhiều loại hàng hóa trong lĩnh vực công nghiệp, thậm chí ngay cả sản phẩm nông nghiệp vốn được coi là thế mạnh của Việt Nam cũng vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn vật tư, nguyên liệu, máy móc ngoại nhập. Điều này tạo ra sự bất lợi đối với các DN Việt Nam khi các nhà nhập khẩu truy xét nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại về năng lực cạnh tranh của các DN xuất khẩu Việt Nam còn non yếu. Thậm chí nhiều sản phẩm vốn được coi là có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với mặt hàng cùng loại của các nước khác như nhóm hàng nông sản xuất khẩu (cà phê, cao su, lúa gạo, chè, thủy hải sản…) vẫn rơi vào tình trạng thua thiệt về giá cả. Nguyên nhân của vấn đề xuất phát từ nhiều yếu tố như năng lực sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là gia công, trong khi chất lượng sản phẩm không cao, chưa xây dựng được thương hiệu, khai thác thị trường chưa đúng hướng, chưa biết tận dụng những lợi ích từ các hiệp định thương mại… Ông Đào Xuân Đức - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho rằng, không phải các DN xuất khẩu trong nước không nhận thấy vấn đề, nhưng để triển khai thực hiện được vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như vốn, con người, công nghệ…. Ví dụ như mặt hàng lúa gạo, để đạt được thành phẩm với chất lượng cao như yêu cầu của đối tác nhập khẩu, đòi hỏi DN phải bao tiêu ngay từ khâu cây, con giống đến trồng trọt sao cho đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng. Không phải DN nào cũng làm được điều này, trong khi đa phần bà con nông dân vẫn sản xuất theo lối thủ công, nên đầu vào nguyên liệu cho sản phẩm xuất khẩu của DN khó có thể kiểm soát được.

Thị trường nội địa và phát triển bền vững

Tác động của hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng. TS. Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tác động của nó không chỉ nằm trong biên giới của các nước mà còn vượt ra bên ngoài với phạm vi ảnh hưởng rất lớn. Tự do hóa thương mại thúc đẩy quá trình sản xuất, xuất khẩu phát triển mạnh mẽ song nếu không biết điều chỉnh cán cân thương mại sẽ tạo ra những bất lợi cho nền kinh tế. Để hạn chế vấn đề này, cần tận dụng mở cửa thị trường để phát triển thị trường nội địa sẽ tạo ra thế phát triển cân bằng, bền vững cho nền kinh tế đất nước, trong đó có hoạt động của các DN Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, các nhà phân phối nước ngoài rất quan tâm đến thị trường Việt Nam với quy mô dân số gần 90 triệu người, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Doanh số bán lẻ bình quân hàng năm tăng trên 10% (trừ yếu tố tăng giá), dịch vụ phân phối đóng góp khoảng 15%GDP cả nước. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, việc phát triển thị trường nội địa cũng rất được coi trọng. Thời gian qua, khi nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam đã mất đơn hàng, bị thu hẹp thị trường xuất khẩu… Lúc bấy giờ, nhiều DN mới tìm cách quay về thị trường nội địa mà bấy lâu ít được quan tâm. Nhiều chương trình, chiến lược đã được các DN đặt ra như đưa hàng Việt về nông thôn, mở rộng mạng lưới phân phối đến tận tay người tiêu dùng, đưa hàng Việt Nam chất lượng cao vào chợ truyền thống… Mới đây Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao đã có nhiều chương trình đưa hàng hóa, sản phẩm về các quận huyện vùng ven như Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức… tiếp theo chương trình mở rộng về các tỉnh thành, địa phương, đưa hàng hóa vào khu chế xuất, khu công nghiệp. Và kế tquả không ít DN đã gặt hái được thành công thay vì chỉ trông ngóng nguồn lợi nhuận đem về từ bên kia thế giới.


Ông Trương Đình Tuyển

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: Để hạn chế nhập siêu trước tiên cần phải điều hành linh hoạt tỷ giá theo hướng hỗ trợ xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Đồng thời, phân tích, rà soát lại danh mục hàng hóa nhập khẩu và tình hình nhập khẩu của từng nhóm ngành để từ đó có biện pháp quản lý nhập khẩu hợp lý. Xây dựng hàng rào kỹ thuật, vệ sinh ATTP để kiểm soát nhập khẩu, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình hành động quốc gia sản xuất hàng hóa nội địa thay thế hàng nhập khẩu, có năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài ra, nhà nước nên tạo cơ hội cho các DN sản xuất máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước được kết nối bán hàng cho các cơ sở, nhà máy trong nước sử dụng. Đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, cơ quan ban ngành chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, áp dụng các biện pháp thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại tại Việt Nam...

TS Võ Trí Thành

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Chính sách tỷ giá có tác động đến cán cân thương mại chủ yếu thông qua nhập khẩu. Việc hạ giá tỷ giá danh nghĩa không tác động nhiều đến xuất khẩu. Trong khi đó, tăng tỷ giá danh nghĩa lại làm tăng khối lượng nhập khẩu (cao hơn khoảng 3,5 lần so với tốc độ phá giá danh nghĩa) và theo đó là kim ngạch nhập khẩu. Trong bối cảnh cán cân đầu tư - tiết kiệm trong nước còn chênh lệch đáng kể, nhập siêu cao và gây áp lực trở lại làm tăng tỷ giá. Hay có thể nói tình hình nhập siêu trong nước gắn kết khá chặt chẽ với biến động tỷ giá thực. Điều này cho thấy, chính sách tiền tệ của nước ta đang đối mặt với "bộ ba bất khả thi" không thể cùng lúc giải quyết ba yêu cầu tự do hóa các giao dịch vốn (theo cam kết hội nhập), tỷ giá cố định và chính sách tiền tệ độc lập.

Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều