Hợp đồng mẫu cản nỗ lực cải cách

09:37 | 26/08/2016

Trên thực tế của hoạt động NH, những tác động từ quy định ngoài ngành như Hợp đồng mẫu đối với thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ thanh toán… đang ngăn cản nỗ lực của ngành NH nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và DN…

Đăng ký hợp đồng mẫu: Không phù hợp với thực tiễn hoạt động NH
Bảo hiểm, Ngân hàng: Mong lùi áp dụng hợp đồng mẫu

Rối đầu thực thi

Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg bổ sung 3 dịch vụ thiết yếu liên quan trực tiếp đến hoạt động NH phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung là Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng tài khoản thanh toán (áp dụng cho KHCN), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng (NTD) là cá nhân khi họ giao kết, sử dụng các dịch vụ trên do NH cung cấp.

hop dong mau can no luc cai cach
Nên loại bỏ dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán, vay vốn cá nhân tại NH ra khỏi danh mục hợp đồng phải đăng ký mẫu

Xuất phát từ yêu cầu trên, nhằm tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD là cá nhân khi giao kết và sử dụng các dịch vụ trên, các NHTM đã thực hiện thủ tục đăng ký Hợp đồng theo mẫu tại Cục Quản lý Cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đăng ký gặp nhiều khó khăn từ công tác nộp hồ sơ đăng ký ban đầu đến việc xem xét nội dung Hợp đồng theo mẫu để hoàn tất thủ tục đăng ký.

Kể lại sự bất cập của quy định này, một lãnh đạo NHTM cho biết, khi gửi hồ sơ đăng ký bản cứng các Hợp đồng mẫu về mở tài khoản thanh toán cá nhân, mở thẻ nội địa và vay vốn cá nhân tiêu dùng qua đường bưu điện và Cục Quản lý Cạnh tranh xác nhận đã nhận được.

Nhưng sau đó Cục Quản lý Cạnh tranh lại yêu cầu gửi bổ sung hồ sơ đăng ký theo định dạng file PDF và file word qua địa chỉ email. Đáng nói là, khi Cục Quản lý Cạnh tranh không nhận được cũng không phản hồi thông tin. Do vậy, NH này phải gửi lại hồ sơ đăng ký lần hai theo yêu cầu của Cục Quản lý Cạnh tranh mới được xem là đã nhận được hồ sơ và hợp lệ.

Qua đó, cho thấy việc đăng ký kéo dài và mất nhiều thời gian, đồng thời thực tế áp dụng không thông nhất với quy định pháp luật về đăng ký “Hồ sơ đăng ký có thể gửi trực tiếp, gửi bằng bưu điện hoặc gửi bằng phương tiện điện tử với số lượng một bộ cho cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 9 Nghị định này” và “Trường hợp hồ sơ đăng ký được gửi trực tiếp, cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải lập biên bản tiếp nhận, ngày tiếp nhận hồ sơ là ngày ghi trong biên bản tiếp nhận đó.

Trong trường hợp hồ sơ đăng ký gửi bằng đường bưu điện, ngày tiếp nhận hồ sơ được tính theo dấu của bưu điện. Trường hợp hồ sơ gửi bằng phương tiện điện tử, thời điểm tiếp nhận hồ sơ được tính từ thời điểm xác nhận bằng thông điệp điện tử của cơ quan có thẩm quyền đăng ký được gửi đi”.

Sau khi hoàn tất việc gửi hồ sơ đăng ký, hết thời hạn luật định “Chậm nhất 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm ra thông báo về việc chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung và gửi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Trong trường hợp không chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản trả lời cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong đó nói rõ lý do không chấp nhận” nhưng NH cũng chưa nhận được thông tin phản hồi của Cục Quản lý Cạnh tranh về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận Bộ Hợp đồng theo mẫu đăng ký.

Khi Cục Quản lý Cạnh tranh gửi thông báo phản hồi không chấp thuận với một số nội dung, điều khoản trong các Hợp đồng đăng ký vì cho rằng các nội dung, điều khoản này chưa đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn thi hành đồng thời yêu cầu NH phải rà soát, điều chỉnh và đăng ký lại theo đúng các quy định hiện hành về bảo vệ quyền lợi NTD.

Khó ngân hàng, cản chân khách hàng

“Tuy nhiên, các nội dung mà Cục Quản lý Cạnh tranh yêu cầu điều chỉnh, chưa thực sự phù hợp và thỏa đáng cho phía NH, bởi hoạt động dịch vụ tài chính đặc thù mà NH đang thực hiện, đảm bảo quyền của NH trong quá trình cho vay và thu hồi nợ vay, nhằm mục tiêu chính là an toàn vốn cho vay. Mà nội dung yêu cầu xoay quanh việc bảo vệ quyền lợi NTD, gây ảnh hưởng đến trách nhiệm trả nợ của khách hàng đối với NH, không đảm bảo quyền lợi cho NH, tổ chức hoạt động tài chính mang nhiều rủi ro”, vị lãnh đạo NH cho biết.

Cũng theo lời kể của vị lãnh đạo NH, trên cơ sở văn bản yêu cầu của Cục Quản lý Cạnh tranh về việc đăng ký lại Bộ Hợp đồng mẫu và chỉ được áp dụng chúng khi việc đăng ký hoàn thành theo quy định, NH này đã gửi văn bản giải trình các nội dung yêu cầu điều chỉnh và hướng điều chỉnh của NH nhưng vẫn không được Cục Quản lý Cạnh tranh xem xét, chấp nhận.

Cục Quản lý Cạnh tranh chỉ xem xét các đối chiếu với quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD và các văn bản hướng dẫn để yêu cầu các NH đăng ký phải tuân thủ rập khuôn, cứng nhắc các quy định này trong Bộ Hợp đồng mẫu (là các dịch vụ đặc thù) là chưa phù hợp, chưa xem xét sát sao đến đặc thù hoạt động của từng ngành nghề, gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NH, sẽ gây nhiều bất lợi và rủi ro cho NH.

Thế nhưng, các cơ quan thuộc Bộ Công Thương tại các địa phương tỉnh thành khác, nơi có NHTM có Chi nhánh/Phòng giao dịch, liên tục kiểm tra và yêu cầu trưng kết quả đăng ký, nếu không sẽ bị phạt hành chính NH mình.

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO đề nghị nên loại bỏ dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán, vay vốn cá nhân tại NH ra khỏi danh mục hợp đồng phải đăng ký mẫu. Việc bổ sung này thực tế không hợp lý.

Bởi theo Luật Bảo vệ quyền lợi NTD, chỉ có hàng hóa dịch vụ thiết yếu mới thuộc lĩnh vực pháp luật cần kiểm soát các hợp đồng mẫu trong giao dịch. Trong khi đó các dịch vụ NH này dần trở nên phổ biến đối với NTD hiện nay. Nên xét về bản chất, mức độ nhu cầu phổ cập từ số đông NTD, thì việc nhìn nhận các dịch vụ này thành dịch vụ thiết yếu còn thiếu cơ sở, không phù hợp với thực tiễn.

Không những thế, quy định này có thể hạn chế các cơ hội tiếp cận vốn của khách hàng, và phá vỡ yếu tố cạnh tranh giữa các NH, không bảo đảm bí quyết kinh doanh cho các NH. Bởi nếu xét theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi của NTD năm 2010, những đối tượng được vay tiền theo hợp đồng, được cung cấp dịch vụ thẻ ghi nợ cũng là NTD, cần được bảo vệ quyền lợi. Nhưng xét bản chất của các giao dịch này, thì họ cũng là con nợ của NH.

“Theo tôi nên loại bỏ dịch vụ phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán, vay vốn cá nhân tại NH ra khỏi danh mục hợp đồng phải đăng ký mẫu. Nếu vẫn tiếp tục giữ lại quy định này, thì hoạt động NH sẽ ảnh hưởng không nhỏ. Nhiều NH sẽ e ngại những rủi ro vướng mắc nêu trên mà thu hẹp việc triển khai những sản phẩm tín dụng cá nhân, sản phẩm thẻ. Lúc đó, NTD sẽ bị hạn chế cơ hội được hưởng nhiều hơn những sản phẩm dịch vụ tín dụng tiêu dùng từ NH”, ông Hải đề nghị.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, các dịch vụ nêu trên không phải là dịch vụ thiết yếu mà là những dịch vụ tài chính để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Khi TCTD cung cấp các dịch vụ nêu trên cho khách hàng đã phải đáp ứng các điều kiện, quy định của Luật Các TCTD, Luật NHNN và các quy định khác về hợp đồng trong các luật khác có liên quan như Luật Dân sự, Luật Thương mại… và quy định của NHNN về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, quy định về cho vay tiêu dùng, các quy định của NHNN về mở và sử dụng tài khoản, hoạt động thẻ… VNBA đề nghị Chính phủ xem xét cho phép bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng theo mẫu tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg.

PV

Tin đọc nhiều