Hợp tác bảo hiểm cho cây cà phê

09:12 | 09/10/2015

Ông Đặng Văn Liễu – Giám đốc CTCP Bảo hiểm NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ABIC) chi nhánh tỉnh Đăk Lăk trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

hop tac bao hiem cho cay ca phe
Ảnh minh họa

Bảo an tín dụng là sản phẩm liên kết giữa NH và công ty bảo hiểm. Ông có thể cho biết kết quả triển khai sản phẩm này ở Tây Nguyên?

Qua kênh Bancassurance, Bảo an tín dụng đã được ABIC triển khai thành công trên toàn quốc nói chung và ở Đăk Lăk nói riêng. Sản phẩm này rất được bà con nông dân ủng hộ.

Doanh thu từ Bảo an tín dụng ở 5 tỉnh Tây Nguyên bình quân mỗi năm là 50 tỷ đồng, năm 2016 dự kiến sẽ tới 80 tỷ đồng. Doanh số ABIC đã giải quyết bồi thường bảo hiểm là hơn 20 tỷ/năm. Đặc biệt, trong số hộ được chi trả bảo hiểm có tới 25% là đồng bào dân tộc. Có thể nói với nhiều hộ, sau thiên tai, nếu không có bảo hiểm, họ không gượng dậy được.

Khách hàng ABIC được hưởng những quyền lợi đặc biệt nào ở sản phẩm này, thưa ông?

Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn: Khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được TCTD giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Và khi nông dân vay vốn tại các chi nhánh Agribank sẽ được Nhà nước hỗ trợ phí mua bảo hiểm. Qua ABIC, nông dân sẽ yên tâm được chi trả quyền lợi bảo hiểm và hỗ trợ lãi suất vay trong thời gian vay vốn mà không may gặp rủi ro.

Các cơ quan chức năng đang vận động triển khai bảo hiểm cho cây cà phê. Ông có thể cho biết mức độ sẵn sàng tham gia của ABIC?

Cả nước có 22 tỉnh, thành phố với 105 huyện đang trồng cà phê với tổng diện tích 641.700 ha. Trong đó, diện tích trồng cà phê ở 5 tỉnh Tây Nguyên chiếm tới 90% và sản lượng cà phê mà các tỉnh Tây Nguyên cung cấp chiếm tới 92% sản lượng cà phê cả nước. Nhưng ở Tây Nguyên đang có khoảng 140 đến 160 ha cà phê già cỗi cần được thay thế trong 5 năm tới. Hiện có tới hơn 10 triệu khách hàng có quan hệ tín dụng với Agribank ở 5 tỉnh Tây Nguyên mà phần lớn là nông dân và DN sản xuất, kinh doanh cà phê.

Vì vậy khi ABIC triển khai sản phẩm bảo hiểm này sẽ thuận lợi hơn, gần với hộ nông dân hơn. ABIC cũng cùng Agribank sẵn sàng tham gia xây dựng mô hình và thể chế cho bảo hiểm cây cà phê nói chung và cho cây cà phê tại Tây Nguyên nói riêng. Chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, với DN, hộ nông dân để triển khai hiệu quả.

Đối tượng, loại cây cà phê nào sẽ được tham gia bảo hiểm của ABIC?

Năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả kinh tế của sản phẩm cà phê phụ thuộc lớn vào điều kiện khí hậu, thời tiết, sâu bệnh… cũng như tác động của biến động giá cả và nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong nước và thế giới. Trong giai đoạn đầu chúng tôi sẽ bảo hiểm cho các rủi ro do thiên tai gây ra như bão, lốc, lũ lụt, sét đánh, cháy… và một phần thiệt hại giảm năng suất của cây cà phê do sâu bệnh gây ra.

Khách hàng của ABIC là những hộ nông dân, DN vay vốn tại Agribank ở 5 tỉnh Tây Nguyên thông qua kênh Bancassuarance. Dự kiến đối tượng được bảo hiểm là cây cà phê thuộc mọi độ tuổi, gồm cả cây mới trồng, cây tái canh và cây đã cho kinh doanh.

Trong trường hợp rủi ro do bão cấp 8 trở lên gây ra dẫn tới tổn thất cho vườn cà phê như gãy đổ, bật gốc, tổn thất toàn bộ cây hoặc làm suy giảm sản lượng… chủ vườn sẽ được ABIC bồi thường chi phí khôi phục lại vườn cây, khắc phục thiệt hại do bão, cháy hoặc sét đánh gây ra. Trường hợp cây bị giảm năng suất do sâu bệnh cũng sẽ được bảo hiểm hỗ trợ.

Vậy bao giờ có thể triển khai ở Đăk Lăk?

Nếu được ABIC và Bộ Tài chính cho phép chúng tôi dự kiến sẽ triển khai ngay từ đầu năm 2016.

Xin cảm ơn ông!

Hiểu My thực hiện

Tin đọc nhiều