HSSV ra trường chưa xin được việc làm không thuộc đối tượng khoanh nợ

10:35 | 27/09/2015

NHNN Việt Nam trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Tuyên Quang về việc “Có chính sách khoanh nợ và tiếp tục cho các hộ vay vốn để tạo việc làm đối với con em hộ nghèo, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn đã được vay tiền để đi học, sau khi ra trường không xin được việc làm, chưa có khả năng trả nợ cho ngân hàng”.

hssv ra truong chua xin duoc viec lam khong thuoc doi tuong khoanh no
Đồng vốn của NHCSXH đã chắp cánh cho ước mơ học tập của nhiều học sinh nghèo

Thứ nhất, về kiến nghị xem xét cho khoanh nợ: Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg ngày 29/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích sử dụng nguồn lực của Nhà nước để cung cấp tín dụng ưu đãi cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì lý do không có khả năng đóng học phí và trang trải các nhu cầu sinh hoạt tối thiểu, góp phần vào sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao cho đất nước. Sau khi tốt nghiệp, kết quả học tập và bằng tốt nghiệp của các em học sinh, sinh viên đã thể hiện hiệu quả chính sách và nỗ lực của ngân hàng trong thực hiện cho vay chương trình này.

Theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (NHCSXH), khách hàng được khoanh nợ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

(i) Khách hàng vay vốn bị rủi ro do các nguyên nhân khách quan như thiên tai, địch họa, hoả hoạn, dịch bệnh xảy ra làm thiệt hại trực tiếp đến vốn, tài sản của khách hàng hoặc của dự án; nhà nước thay đổi chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của khách hàng (không còn nguồn cung cấp nguyên vật liệu; mặt hàng sản xuất, kinh doanh bị cấm…);

(ii) Mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100% so với tổng số vốn thực hiện của dự án hoặc phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng.

Như vậy, đối tượng học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi ra trường không xin được việc làm, chưa có khả năng trả nợ nêu trên không thuộc đối tượng được khoanh nợ. Quy định này nhằm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước của một bộ phận HSSV thiếu ý chí vươn lên.

Về kiến nghị tiếp tục cho các hộ vay vốn để tạo việc làm đối với con em hộ nghèo, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn: Để đáp ứng nhu cầu thực tế về giải quyết việc làm, ngày 09/7/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được giao là cơ quan quản lý Nhà nước đối với Quỹ quốc gia về việc làm này. Theo đó, mức cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất kinh doanh là 01 tỷ đồng/dự án và đối với hộ gia đình là 50 triệu đồng/dự án. Nghị định 61/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2015.

Để nắm bắt thông tin cụ thể hơn đối với các quy định mới về Quỹ quốc gia về việc làm, đề nghị cử tri có ý kiến đối với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, trả lời cụ thể.

Ngoài ra, hiện NHCSXH cũng đang triển khai các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho hộ nghèo có được cuộc sống tốt hơn, vươn lên thoát nghèo. Theo đó, các hộ nghèo có thể thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm và vay vốn của NHCSXH để được tư vấn cụ thể hơn về thủ tục, cơ chế vay vốn nêu trên.

HP

Tin đọc nhiều