Hướng dẫn xử lý tài sản thế chấp

09:28 | 13/03/2015

Hỏi: Tôi thế chấp sổ đỏ để vay nặng lãi của một người (lãi suất 60%/năm). Giấy vay nợ không công chứng. Trong biên bản ghi rõ khi đến hạn thanh toán, nếu tôi không hoàn trả sẽ bị phát mại tài sản đã thế chấp. Xin hỏi, nếu gia đình tôi không thanh toán được nợ tính cả gốc lẫn lãi thì bên cho vay có được quyền thu đất của tôi không? 

huong dan xu ly tai san the chap
Ảnh minh họa

Trả lời: Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Hợp đồng vay tài sản được coi là hợp pháp khi đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 122, Bộ luật Dân sự 2005 bao gồm:

- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện;

- Đáp ứng đúng các điều kiện về hình thức của giao dịch trong các trường hợp pháp luật có quy định;

Về hình thức của hợp đồng vay tài sản: Pháp luật dân sự hiện hành không quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng này. Do đó, hợp đồng vay tài sản có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Căn cứ quy định trên, biên bản vay tiền của gia đình bạn và người cho vay là phù hợp với quy định của pháp luật.

Về hình thức thế chấp: Theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Dân sự năm 2005, thế chấp được hiểu là việc một bên (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia (gọi là bên nhận thế chấp) và không chuyển giao tài sản đó cho bên nhận thế chấp. Việc thế chấp phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản thế chấp phải được công chứng, chứng thực hoặc đăng ký.

Điều 130 Luật Đất đai năm 2003 (có hiệu lực tại thời điểm gia đình bạn vay tiền) đã quy định: Hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất phải có chứng nhận của công chứng; trường hợp hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thì được lựa chọn hình thức chứng nhận của công chứng hoặc chứng nhận của UBND thị trấn, xã, phường nơi có đất.

Trong trường hợp của bạn, việc thế chấp quyền sử dụng đất của bạn không được công chứng, chứng thực, bên vay chỉ giao cho bên cho vay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà không làm thủ tục công chứng hoặc chứng nhận của UBND thị trấn, xã, phường nơi có đất là không phù hợp với quy định của pháp luật. Với những thông tin bạn cung cấp và quy định của pháp luật, bên cho vay không đủ cơ sở để thu hồi đất của nhà bạn.

Tin đọc nhiều