Hướng về nông thôn, lối thoát cho ngành bán lẻ

11:11 | 29/06/2012

Hiện nước ta có trên 70% dân số sống ở nông thôn với nhu cầu mua sắm rất cao, nhưng đây lại là thị trường đang bị bỏ ngỏ. Do vậy, có thể nói hướng về nông thôn, vùng sâu vùng xa là một trong những giải pháp vượt qua khó khăn của DN bán lẻ trong nước.

Mở rộng thị trường ở nông thôn sẽ gỡ khó cho DN bán lẻ

Tuy đã rời Top 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn được coi là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng.

Từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã lăm le muốn nhảy vào thị trường này. Ở thời điểm đó, nhiều người đã dự đoán về một cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa DN trong nước và DN bán lẻ nước ngoài. Trong cuộc "đọ sức" này, điểm mạnh của các tập đoàn bán lẻ trên thế giới là khả năng về vốn, kinh nghiệm quản lý… Nhưng, điểm yếu của họ tại thị trường Việt Nam lại là thông tin. Tuy mạnh về nhiều mặt, nhưng do hạn chế về thông tin nên các DN nước ngoài khó thành công khi muốn "chiếm lĩnh" thị trường bán lẻ tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...


Co.opMart luôn hướng về thị trường nông thôn

Hiện nước ta có trên 70% dân số sống ở nông thôn với nhu cầu mua sắm rất cao, nhưng đây lại là thị trường đang bị bỏ ngỏ. Do vậy, có thể nói hướng về nông thôn, vùng sâu vùng xa là một trong những giải pháp vượt qua khó khăn của DN bán lẻ trong nước. Thị trường này trở thành "chiếc bánh" hấp dẫn các DN. Khi bán lẻ tại các đô thị dần bão hòa, phải cạnh tranh khốc liệt thì thị trường nông thôn lại đang khởi sắc do có quy mô rộng lớn, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao.

Là một siêu thị trực thuộc Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh, Co.opMart Đà Nẵng luôn tích cực tham gia chương trình đưa hàng về khu vực nông thôn, ngoại thành... Hàng năm, siêu thị tổ chức khoảng 25 chuyến bán hàng lưu động tại vùng nông thôn, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và huyện Điện Bàn, Đại Lộc (Quảng Nam). Doanh thu trung bình mỗi chuyến từ 150 triệu đến 300 triệu đồng. Ông Võ Hoàng Anh - Giám đốc siêu thị Co.opMart Đà Nẵng cho biết, thời gian gần đây, Co.opMart Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với các nhà sản xuất để xây dựng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn, mở rộng thêm nhiều địa điểm mới, tăng cường các chuyến bán hàng để phục vụ khách hàng tại vùng nông thôn... nhằm thu hút khách hàng, cũng như tăng doanh số bán hàng trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Theo ông Lê Viết Tươi - Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng, hiện, tại khu vực nông thôn, thu nhập của người dân không ngừng cải thiện, nhu cầu mua sắm ngày càng cao. Đặc biệt, người dân đang có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng, hàng công nhiệp chế biến, hàng điện tử, điện máy... Bên cạnh, người tiêu dùng ở khu vực này đã bắt đầu có ý thức cảnh cảnh giác hơn với "hàng chợ" không rõ xuất xứ, không có bảo hành, không đảm bảo chất lượng... Do vậy, việc xuất hiện các "siêu thị mini" với chủng loại hàng hóa đa dạng, có thể sẽ có "đất sống". Xu hướng các nhà bán lẻ phát triển hệ thống về thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, trong thực tế nhiều DN bán lẻ vẫn chưa mặn mà tham gia thị trường nông thôn, do chi phí thiết lập, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm ở khu vực này còn khá cao. Đó là chưa kể đến dịch vụ hậu mãi như bảo hành, bảo trì... Giám đốc một siêu thị ở thành phố Đà Nẵng cho rằng: So với khu vực thành phố, mức tiêu thụ sản phẩm ở thị trường này tuy đã tăng nhưng vẫn còn chưa nhiều, việc quay vòng đồng vốn gặp không ít khó khăn… Do vậy, để DN bán lẻ "bám rễ", "sống được" tại thị trường nông thôn, không phải chuyện có thể thực hiện trong "ngày một, ngày hai" mà cần có kế hoạch dài hơi. DN phải nỗ lực hoàn thiện mình. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường quảng bá... để người tiêu dùng khu vực nông thôn hình thành thói quen mua sắm tại siêu thị. Đặc biệt, DN phân phối phải kết hợp với nhà sản xuất xây dựng cơ cấu giá thành sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng khu vực này. Đồng thời, tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Có như vậy, các DN bán lẻ mới thật sự "bám rễ" vững chắc được ở thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn... tìm hướng đi mới trong bối cảnh thị trường bán lẻ đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Bài và ảnh Thành Long

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều