Hy vọng mới trong xuất khẩu sang Nga

11:39 | 12/06/2012

Với dân số hơn 142 triệu người, thu nhập bình quân 15.000 USD/người/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Nga ngày càng gia tăng. Từ lâu nay, Nga đã trở thành đối tác chiến lược và là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho hàng Việt Nam.

Trong vòng 3 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Liên bang Nga tăng bình quân trên 62%, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhanh nhất của Việt Nam.

Giá trị giao dịch thương mại hai chiều Việt Nam - Nga vào năm ngoái đạt trên 2,1 tỷ USD, gấp nhiều lần so với con số 300-400 triệu USD của giai đoạn những năm 90 thế kỷ trước. Bộ Công Thương cho rằng, con số kim ngạch có thể còn cao hơn trong năm 2012 này.

Đáng chú ý là xuất phát từ quan hệ truyền thống lâu đời nhưng đến gần đây, Việt Nam đã khắc phục được tình trạng nhập siêu cố hữu trong thương mại với Nga để lần đầu tiên xuất siêu gần 600 triệu USD trong năm 2011.

Hai nước cũng đang hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 5 tỷ USD vào năm 2013 và khoảng 10 tỷ USD năm 2020. Đây được cho là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sang quốc gia Đông Âu này.

Cơ hội thị trường ngày càng lớn

“Nước Nga là thị trường mở, không có rào cản. Nhìn chung xuất khẩu của Việt Nam sang Nga hiện có nhiều thuận lợi”, Bộ Công Thương cho biết như vậy trong một báo cáo vừa phát hành.

Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa rất lớn, bình quân mỗi năm Nga nhập khẩu khoảng 380 tỷ USD giá trị các loại hàng hóa. Do cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà chủ yếu là bổ sung cho nhau, khả năng tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga rất lớn, nhất là đối với các mặt hàng có thế mạnh như thủy hải sản, rau quả tươi và chế biến, hàng may mặc, giày dép…

Riêng đối với mặt hàng gạo, thị trường Nga có nhu cầu nhập khẩu trên dưới 300 nghìn tấn/năm; các mặt hàng nông sản khác như chè, cà phê, hạt tiêu, nhân điều… nhu cầu của thị trường Nga cũng rất lớn (chè khoảng 200 nghìn tấn/năm và cà phê khoảng 100 nghìn tấn/năm). Ngoài ra, thủy sản cũng là mặt hàng nhập khẩu lớn của thị trường này.

Từ năm 2011, Nga đã chính thức gia nhập WTO. Do các tiêu chuẩn thương mại cũng được quốc tế hóa theo Luật WTO đã tạo nên yếu tố thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Sau khi Nga gia nhập WTO, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước sẽ thuận lợi hơn, vì có nhiều điểm tương đồng về hành lang pháp lý, quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa…”, Bộ Công Thương khẳng định.

Trên thực tế, Nga đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam sang Nga trong năm nay sẽ giảm trung bình khoảng 3-5%.

Thêm vào đó, hai nước cũng đang đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA), dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ được ký kết. Đây cũng là một lợi thế khác giúp xuất khẩu của Việt Nam sang Nga thêm thuận lợi, bởi khi FTA được ký kết các hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ tiếp tục được dỡ bỏ.

Những lưu ý cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga

Dù là bạn hàng truyền thống, cho đến hiện nay đa phần hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có mặt tại các thành phố lớn, nhất là thủ đô Matxcơva chứ chưa thâm nhập sâu được vào các địa phương khác của Nga.

Lý do là vì các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Trong khi đó, việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp.

Do số lượng doanh nghiệp Việt Nam có văn phòng đại diện tại Nga rất ít nên cũng bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm vững những biến đổi nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp.

Thêm vào đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự Việt Nam về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả…

Một quan ngại khác, mặc dù là thị trường nhập khẩu lớn nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro bởi hệ thống pháp lý của Nga chưa đảm bảo. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt là việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) đối với các đối tác Nga còn ít phổ biến.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi ký hợp đồng với các đối tác Nga cần chặt chẽ, bởi đã có một số doanh nghiệp ký hợp đồng không đảm bảo quyền lợi của người bán nên đã nảy sinh tranh chấp”, Bộ Công Thương lưu ý.

Cơ quan này cũng cảnh báo các doanh nghiệp cần phải thuê luật sư tư vấn khi ký hợp đồng, nếu không muốn thua thiệt, khiếu kiện trong quan hệ với đối tác thương mại quan trọng này.

Ngoài ra, việc áp dụng hàng rào thuế quan và phi thuế quan của Nga còn khá phổ biến và khó dự báo, nhất là đối với mặt hàng nông, thủy hải sản. Chẳng hạn như Nga đã từng đưa ra lệnh hạn chế nhập khẩu nông sản, hải sản, thịt đông lạnh…

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều