IFRS 9: Công cụ quản trị rủi ro hữu hiệu của ngân hàng

15:38 | 02/06/2022

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng đã chuyển đổi chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) sang chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS). Trong đó, IFRS 9 là một trong những chuẩn mực quan trọng nhất, ảnh hưởng lớn đến báo cáo tài chính của các ngân hàng trên nhiều khía cạnh.

ifrs 9 cong cu quan tri rui ro huu hieu cua ngan hang
IFRS 9: Công cụ tài chính hữu hiệu của ngân hàng (Ảnh minh họa)

Đây là vấn đề được các chuyên gia thảo luận tại hội thảo trực tuyến "IFRS 9: Những tác động hậu Covid-19 và kinh nghiệm triển khai tại ngân hàng Việt Nam" do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Công ty PwC tổ chức ngày 2/6.

Tăng bộ đệm quản lý rủi ro của ngân hàng

Phát biểu tại hội thảo, ông Mai Trần Bảo Anh, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và Tư vấn kế toán PwC Việt Nam đánh giá, IFRS 9 là một tiêu chuẩn mới về công cụ tài chính được thiết kế để thay thế IAS 39, áp dụng đối với các kỳ kế toán năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1/1/2018. Trong đó, thay đổi mang tính cải tiến nhất là việc giới thiệu mô hình tổn thất tín dụng dự kiến ​​(ECL) khi ghi nhận dự phòng rủi ro tín dụng, nhằm thúc đẩy việc ghi nhận rủi ro tín dụng sớm hơn.

"Chuẩn mực này mang đến những thay đổi lớn đối với kế toán các công cụ tài chính, khiến quá trình chuyển đổi trở thành một quá trình phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng Việt Nam quản lý rủi ro tốt hơn, phù hợp với các thông lệ tốt nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, IFRS 9 mang lại những lợi ích lớn cho các tổ chức tài chính như tăng khả năng so sánh, gia tăng chất lượng thông tin công bố, từ đó mở cánh cửa hội nhập vào thị trường vốn quốc tế. Do đó, IFRS 9 là cơ hội để nâng cao hệ thống quản lý rủi ro của các ngân hàng", ông Mai Trần Bảo Anh khẳng định.

Từ lợi ích của IFRS 9, một số ngân hàng tại Việt Nam đã chủ động triển khai và áp dụng thành công từ rất sớm. Đơn cử, từ báo cáo tài chính năm 2020, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã hoàn thành chuẩn mực báo cáo tài chính IFRS, trong đó có IFRS 9. Đến đầu tháng 1/2021, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã khởi động dự án triển khai việc học tập và trình bày báo cáo tài chính theo IFRS 9 với hai đối tác là Ernst & Young Vietnam Limited (E&Y) và Wolters Kluwer Finance Hà Lan (WK), dự án đã hoàn thành vào cuối tháng 9/2021.

Tuy nhiên, một chuyên gia cũng nhìn nhận trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã cho thấy những tác động to lớn đến chuỗi giá trị toàn cầu nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng tới tình hình hoạt động phát triển của các tổ chức tín dụng và ngân hàng. Do đó, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng đến quá trình triển khai IFRS 9 của ngân hàng, đặc biệt là các yếu tố tác động đến mô hình ECL.

Vị chuyên gia này cho rằng, các yếu tố ảnh hưởng của Covid-19 trong mô hình ECL các ngân hàng cần lưu ý đó là tập trung vào khách hàng vay có khả năng thanh khoản bị ảnh hưởng bất lợi bởi Covid-19 để đánh giá xem có bất kỳ sự gia tăng rủi ro đáng kể nào về số dư các khoản vay dẫn đến áp dụng ECL suốt vòng đời hay không; phân tầng nhỏ hơn các nhóm khách hàng vay có rủi ro cao do Covid-19 để đảm bảo ECL đã tính đến tác động của thông tin dự báo các điều kiện kinh tế trong tương lai; thực hiện điều chỉnh thích hợp đối với tỷ lệ vỡ nợ trước đây để phản ánh tác động của Covid-19 do các kịch bản kinh tế và tỷ lệ tương ứng trong mô hình ECL trong năm trước có thể không còn phù hợp với những bất ổn kinh tế phát sinh từ dịch bệnh.

Khó khăn về chi phí, dữ liệu và nhân lực

Bên cạnh đó, thách thức của các ngân hàng khi triển khai IFRS 9 cũng không hề nhỏ. Theo bà Stefanie Tang, Giám đốc Dịch vụ Kiểm toán và tư vấn kế toán PwC Malaysia, hiện có năm thách thức chính, bao gồm: kế toán, dữ liệu, các chính sách thủ tục, đào tạo và thay đổi cơ chế quản trị, cơ sở hạ tầng và hệ thống. Trong đó, các ngân hàng đối mặt với thách thức lớn trong đào tạo và thay đổi cơ chế quản trị khi kiến thức về chính sách và chiến lược cho hiện tại còn hạn chế; đào tạo theo phạm vi toàn ngân hàng để nâng cao kiến thức làm giảm sự khác biệt về kỹ thuật và đảm bảo áp dụng IFRS 9 chưa thuận lợi; phạm vi tham gia dự án áp dụng không nên giới hạn ở bộ phận tài chính - kế toán và bộ phận quản trị rủi ro mà các ngân hàng nên xem xét triển khai trên toàn ngân hàng; đào tạo và chuyển đổi sang tiêu chuẩn BAU về lập báo cáo tài chính IFRS.

Là một trong những đơn vị triển khai chuyển đổi báo cáo tài chính IFRS 9 cho ngân hàng tại Việt Nam, bà Bùi Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Tài chính và Ngân hàng PwC Việt Nam còn cho biết, các ngân hàng còn phải phải đối diện với việc lợi nhuận bị ảnh hưởng do dự phòng tăng lên. Dữ liệu phục vụ dự án lớn, phân mảng do các phòng ban, chi nhánh và công ty con quản lý. Kiểm toán độc lập không tham gia dự án sớm gây gián đoạn dự án. Tổn thất dự kiến thông 3 kịch bản dựa trên 30 mô hình cho toàn bộ các giao dịch.

Từ thực tiễn đó, bà Bùi Thị Ngọc Thủy rút ra được một số kinh nghiệm cho các ngân hàng tại Việt Nam khi triển khai IFRS 9. Đó là điều chỉnh chiến lược kinh doanh/chính sách tín dụng để phòng ngừa ảnh hưởng từ giảm sát chất lượng tín dụng; đào tạo nhân thức, làm rõ vai trò trách nhiệm các bên liên quan xuyên suốt dự án và sau dự án; các dữ liệu cần được chuẩn bị trước khi thực hiện dự án; dữ liệu kinh tế vĩ mô được yêu cầu hằng năm về việc dự báo tới đội ngũ chuyên gia kinh tế của ngân hàng. Đồng thời, lựa chọn và đưa kiểm toán độc lập tham gia sớm vào dự án nhằm tiết kiệm thời gian, thống nhất kết quả của dự án.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cho rằng, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần xác định được phạm vi và thời gian áp dụng IFRS 9. Việc áp dụng IFRS 9 không chỉ là câu chuyện về chuẩn mực kế toán mà còn là câu chuyện của nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng nên cần sự tham gia của tất cả các bộ phận trong ngân hàng như: kế toán, kiểm toán, quản trị rủi ro… Đồng thời, các ngân hàng cần đẩy nhanh quá trình áp dụng IFRS 9, nếu chậm thì sẽ khó có thể ứng phó một cách hiệu quả và kịp thời trước những tác động lên báo cáo tài chính, hệ thống, quy trình và các hoạt động kiểm soát

Hương Giang

Tin đọc nhiều