Ít được lắng nghe, doanh nghiệp “lờ” tham vấn

11:47 | 01/06/2012

Trong bối cảnh các FTA ngày một gia tăng, việc lắng nghe ý kiến DN là vô cùng cần thiết. Nhưng theo ông Đặng Văn Chiến - Giám đốc Công ty cổ phần Giày Hưng Yên cho biết, DN này chưa từng được tham vấn về các tiêu chuẩn lao động, mới chỉ nghe nói đến hiệp định này (TPP).

Ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay, từ trước tới nay trong ngành này hầu như bạn hàng không yêu cầu DN trong nước phải đáp ứng bất cứ tiêu chí nào liên quan tới vấn đề lao động trong hợp đồng ký kết. Duy nhất Hoa Kỳ là quốc gia đòi hỏi phải đảm bảo một số tiêu chuẩn liên quan đến môi trường làm việc an toàn cho người lao động theo hướng tự thỏa thuận trực tiếp giữa đôi bên.

“Trước khi ký hợp đồng, đối tác Hoa Kỳ sẽ sang kiểm tra xem vấn đề vệ sinh an toàn lao động trong nhà máy như thế nào. Chẳng hạn xưởng sơn có hàm lượng chì cao không, xưởng keo có hàm lượng hóa chất cao không, hoặc là ánh sáng có đảm bảo cho việc thao tác không gây hại đến mắt không… Những yêu cầu này DN có thể dễ dàng đáp ứng được”, ông Quyền giải thích.


Vệ sinh an toàn lao động trong nhà máy là một trong những vấn đề mà các đối tác nước ngoài quan tâm (Ảnh: MH)

Tuy nhiên, trước những thay đổi về các quy định mới xoay quanh tiêu chuẩn lao động trong TPP, ông Quyền khẳng định, đây sẽ là vấn đề rất phức tạp đối với DN. Hiện ngành gỗ sử dụng khoảng hơn 300.000 lao động có đăng ký trong các DN, chưa kể lao động thuộc các hộ gia đình. Nhưng số được đào tạo cơ bản chỉ chiếm khoảng 20% và chủ yếu “tốt nghiệp” tại chính cơ sở sản xuất. Bởi vậy, để đáp ứng được tiêu chuẩn tay nghề đã là bài toán khó do chúng ta không có cơ chế đào tạo ngay từ đầu.

Trong khi đó, dù khẳng định việc đưa vấn đề lao động vào đàm phán TPP chẳng qua là hợp thức hóa các quy định đang được nhiều DN tuân thủ, nhưng bà Phạm Phương Dung - Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam vẫn không khỏi lo ngại, vì ngành này hiện cũng chưa nắm được cụ thể các nội dung thay đổi là như thế nào.

“Lâu nay trước khi DN muốn có đơn hàng xuất vào Mỹ thì họ cũng phải đáp ứng các yêu cầu về nhân lực. Cho nên bây giờ quan trọng là phải nhìn vào các quy định mới mà họ đưa vào có gì cao hơn và cao hơn bao nhiêu so với mức mà hiện nay các DN đang phải chấp hành”, bà Dung cho biết.

Tuy nhiên, vấn đề là dù TPP đã trải qua 12 vòng đàm phán, song tiếng nói của DN xuất khẩu trong nước lại chưa được quan tâm, trong khi họ là đối tượng chịu tác động chính của hiệp định này. Ông Đặng Văn Chiến - Giám đốc Công ty cổ phần Giày Hưng Yên cho biết, DN này chưa từng được tham vấn về các tiêu chuẩn lao động, mới chỉ nghe nói đến hiệp định này. Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương - Công ty May Hưng Yên, thì DN hiện đang tự tìm hiểu về TPP và sẵn sàng đưa ra các kiến nghị nếu được yêu cầu.

Đây cũng là phản ánh của nhiều DN trong các ngành nghề xuất khẩu khác nhau. Họ cho rằng không chỉ TPP, mà trong quá trình đàm phán FTA, các cơ quan tham gia đàm phán cũng ít hỏi ý kiến của DN và cơ chế hỏi cũng không cụ thể. Ông Nguyễn Tôn Quyền kiến nghị: “Nếu hỏi thì cần phải hỏi từ khi bắt đầu có ý tưởng để đề ra chính sách, cơ chế đó, chúng tôi sẵn sàng tham gia góp ý để hoàn thiện các quy định cụ thể. Nhưng họ lại hỏi khi chính sách đã ban hành ra thì rất khó cho các DN và Hiệp hội”.

Ông Quyền cũng cho biết, hiện việc tập hợp ý kiến của DN tương đối phức tạp. Bởi riêng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản có khoảng 5.000 DN từ Bắc tới Nam, trong đó 95% là tư nhân. Chưa kể các DN FDI rất khó lấy ý kiến của họ.

“Quan trọng hơn cả, là DN hiện chưa nhận thức rõ rầm quan trọng của vấn đề lao động, nên họ cũng ít mặn mà khi tham vấn. Tôi đã kiến nghị với Bộ Công Thương, trước hết phải tập huấn để họ hiểu đây là vấn đề có tính chất quyết định trong sản xuất về lâu dài, nhưng đến giờ vẫn chưa có phản hồi lại”, ông Quyền ngao ngán nói.

Một tín hiệu vui cho cộng đồng DN liên quan đến vấn đề này: Đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2012/QĐ-TTg về việc tham vấn cộng đồng DN về các thỏa thuận thương mại quốc tế. Dù ra đời hơi muộn, song quyết định này đã phần nào đáp ứng nhu cầu được lắng nghe của DN trong bối cảnh đàm phán các FTA ngày một gia tăng.

Trường Nguyễn

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều