Kế sách kinh doanh thời khó khăn?

15:34 | 11/04/2012

Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai - Chủ tịch Công ty Tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu GIBC, mỗi doanh nghiệp (DN) đều có trách nhiệm xã hội (CSR), đây không phải là sự thiện nguyện mà là một phần không thể tách rời trong chiến lược kinh doanh, giúp DN vượt qua thời kỳ khó khăn và duy trì sự tăng trưởng bền vững.

Hiện nay, nhiều DN có thương hiệu và uy tín trên thế giới như IBM, Boeing, Pepsico, Wal-mart… đã gắn liền CSR với đường hướng phát triển của công ty như những giá trị của DN, kỹ năng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững. Theo nghiên cứu của những DN này, không chỉ các đối tác mà khách hàng của họ ngày càng quan tâm và chú ý hơn đến CSR của từng DN. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trước khi bắt tay với DN, hay đơn giản là mua một món hàng, sử dụng dịch vụ, ngoài giá cả, chất lượng, người tiêu dùng cũng không quên chú ý đến uy tín và những cam kết xã hội của DN. Đặc biệt trong những lúc kinh tế khó khăn, người tiêu dùng lại càng quan tâm đến vấn đề này nhiều hơn. Chính vì vậy, không ít DN đã nhận ra và xây dựng vấn đề này thành một chiến lược trong phát triển kinh doanh.

Ảnh: sưu tầm
Trách nhiệm xã hội giúp doanh nghiệp nâng cao giá trị thương hiệu. (Ảnh: St)

Tại Việt Nam, mặc dù trước đây, CSR chưa thực sự được DN quan tâm đúng mức, nhưng chính trong thời điểm nhiều DN đứng trước nguy cơ đóng cửa do khó khăn về kinh tế, mất thị trường, không tìm được khách hàng… thì nhiều DN mới nhận thấy vai trò của CSR. Theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đây không phải vấn đề mà bất cứ DN nào cũng có thể dễ dàng xây dựng thành công mà cần phải xác định điều này gắn liền với sự tồn tại, sống còn của mỗi DN. Bà Ngô Thị Hồng Thu - Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Trường Thành) cho biết, CSR đối với Trường Thành được hiểu là sự cam kết của DN đóng góp cho sự phát triển kinh tế bền vững thông qua những việc nâng cao chất lượng đời sống của người lao động và các thành viên gia đình họ, cho cộng đồng và toàn xã hội, theo cách có lợi cho DN cũng như phát triển chung của xã hội.

Chính vì vậy, những DN mong muốn phát triển bền vững luôn phải tuân thủ những chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên… Với đặc thù phát triển ngành nghề, Trường Thành còn xây dựng và áp dụng những chính sách cụ thể về gỗ, môi trường, thu mua có trách nhiệm và an ninh. Ngoài ra, tập đoàn còn thực hiện dự án 100.000 ha rừng trồng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như Phú Yên, Đắêk Lắk, Đắk Nông… Cung cấp công ăn việc làm cho hơn 500 người dân tộc thiểu số, đào tạo dạy nghề chế biến gỗ cho hơn 1.000 học viên trong và ngoài nước, tài trợ học bổng sinh viên… Theo bà Hồng Thu, tất cả những việc làm này không chỉ nâng cao giá trị thương hiệu, uy tín của công ty mà còn gia tăng cơ hội phát triển nguồn lực cũng như cơ hội phát triển kinh doanh ngày một bền vững.

Mặc dù, theo đánh giá của một số DN khác, CSR có thể bị xem là gánh nặng chi phí, nhất là trong bối cảnh DN đang hạn hẹp về nguồn lực bởi khi thực hiện CSR sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất kinh doanh, lợi nhuận bị thu hẹp trong ngắn hạn, có thể cả trung hạn. Nhưng nếu xét về lâu về dài, CSR lại chính là sự đầu tư lâu dài và những giá trị mà nó đem lại rất to lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, thậm chí uy tín, thương hiệu quốc gia.

Thực tế cho thấy, rất nhiều DN có sự thành công cũng như kết quả kinh doanh vượt trội khi gắn liền hoạt động kinh doanh với CSR như Tường Thành với tổng cộng 15 công ty thành viên, thị trường rộng lớn trong và ngoài nước, trong điều kiện kinh tế khó khăn nhưng doanh thu vẫn đạt con số 3.000 tỷ đồng (năm 2011)… Hay Vinamilk cũng đạt doanh số ấn tượng với chương trình 6 triệu ly sữa cho trẻ em Việt Nam và hàng loạt chương trình kinh doanh gắn liền với CSR khá thành công như Quỹ học bổng Đèn Đom đóm của Dutch Lady, Chung tay giúp trẻ em nghèo mắc bệnh nặng của Gấu Đỏ, góp phần cải thiện cuộc sống và bảo vệ môi trường là mục tiêu hàng đầu của Unilever, còn với FPT thì CSR lại chính là quy tắc để hội nhập toàn cầu và là chiến lược lâu dài của tập đoàn… Và với con số hơn 80% DN đều cho rằng, CSR không thể tách rời hoạt động của DN và sẽ trở thành xu thế kinh doanh mới của nhiều DN trong bất kỳ ngành nghề nào bởi giá trị của nó gắn liền với sự bền vững và thời đại.

Thanh Tuyết

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều