Khắc phục bất cập từ thủy điện

09:30 | 22/03/2017

Theo nhiều chuyên gia thì đã đến lúc phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra. 

Động đất dồn dập dân bất an
Hạn chế tác động tiêu cực từ thủy điện

Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 330 công trình thủy điện đã được đưa vào khai thác, sử dụng với tổng công suất lắp đặt khoảng hơn 17.600 MW. Bên cạnh đó, còn có gần 200 dự án thủy điện, với công suất 5.662MW đang thi công xây dựng; 245 dự án đang nghiên cứu đầu tư...

khac phuc bat cap tu thuy dien
Ảnh minh họa

Có thể khẳng định, thủy điện vẫn đang là nguồn năng lượng chính, đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia. Song song, việc bảo đảm an ninh năng lượng, hệ thống các thủy điện trong cả nước còn góp phần quan trọng vào việc cắt, giảm và làm chậm lũ cho hạ du góp phần vào việc làm giảm thiểu thiệt hại do lũ, bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp...

Tuy nhiên, hệ thống thủy điện trong cả nước vẫn đang bộc lộ những bất cập, từ quy hoạch, xây dựng cho đến khâu vận hành khai thác. Tại Hội nghị quản lý, vận hành an toàn hiệu quả công trình thủy điện, do Bộ Công Thương vừa tổ chức tại TP. Đà Nẵng, nhiều đại biểu tham gia cho rằng, ngoài những mặt tích cực công tác quản lý và vận hành các hồ chứa thủy điện còn nhiều vấn đề cần giải quyết từ khâu đầu tư xây dựng, vận hành, khai thác, quản lý gây bức xúc cho xã hội.

Trong đó, nổi lên việc một số chủ đầu tư các dự án thủy điện không đủ năng lực, chưa chấp hành các quy định của pháp luật, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường. Năng lực quản lý chuyên môn về thủy điện ở một số địa phương còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm...

Trên địa bàn cả nước thời gian gần đây, hoạt động của một số thủy điện đã gây nhiều bất an cho đời sống người dân. Trong đó, có thể kể ra như thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 2 (Quảng Nam), thủy điện Đakrông 3 (Quảng Trị), mới đây nhất là sự việc tại thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh)...

Theo ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, những diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai và những sự cố về ngập lụt hạ lưu các công trình thủy điện ở miền Trung cho thấy, thủy điện Việt Nam đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức đối với môi trường sinh thái, xã hội và an ninh con người.

Tương tự, ông Trần Văn Lượng, Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy điện trong những năm qua từ khâu đầu tư, xây dựng cho đến vận hành, khai thác, quản lý luôn gây bức xúc xã hội. Hiện, vẫn có nhiều hồ thủy điện gây cản trở khả năng thoát lũ và có thể gây mất an toàn cho vùng hạ du khi vận hành xả lũ.

Đặc biệt, nhiều dự án thủy điện có quy mô nhỏ được quy hoạch thiết kế và vận hành không phù hợp có thể dẫn đến các tác động tiêu cực về môi trường xã hội cho người dân bản địa hay người dân sống ở vùng hạ lưu.

Ông Nguyễn Đức Đạt, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam chia sẻ, hiệu quả đầu tư thủy điện nhỏ hiện nay không cao bằng thủy điện lớn. Trong khi thực tế đã cho thấy những tác hại của nó lại không hề thua kém.

Những sự cố xảy ra liên tục trong thời gian qua tại Thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) chính là minh chứng cụ thể nhất về những tác động khó lường của việc phát triển thủy điện tới đời sống kinh tế - xã hội.

Trước hiện trạng đó, theo nhiều chuyên gia thì đã đến lúc phải siết chặt các quy trình quản lý, vận hành nhằm đảm bảo các thủy điện hoạt động an toàn, hiệu quả, giảm thiểu những rủi ro thiệt hại có thể xảy ra.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại để có biện pháp xử lý, khắc phục, nhằm quản lý thủy điện tốt hơn, phát huy những thế mạnh, đồng thời hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong tương lai là việc làm cần thiết và cấp bách. Chúng tôi sẵn sàng xem xét đến mức độ cho dừng giấy phép các dự án thủy điện nếu chủ đầu tư không chấp hành tốt quy định.

Được biết, Bộ Công Thương đang chủ động xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành, đơn vị liên quan trong việc kiểm tra hoạt động kiểm tra vận hành thủy điện. Trong đó, có tính đến cơ chế giá linh hoạt, có tính đến cơ chế bù đắp chi phí để thủy điện đảm bảo tốt vai trò điều tiết lũ và cung cấp điện hiệu quả.

Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ làm việc cụ thể với từng địa phương có thủy điện lớn, số lượng thủy điện nhiều để thống nhất các biện pháp quản lý cụ thể cũng như phân cấp trách nhiệm rõ ràng. Về lâu dài, theo một số chuyên gia, để khắc phục bất cập trong quản lý thủy điện, Bộ Công Thương cùng các bộ ngành liên quan cần loại khỏi quy hoạch các dự án thủy điện tiêu cực đối với môi trường, xã hội, hiệu quả thấp.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều