Khai thác thị trường tiềm năng Myanmar

10:30 | 20/11/2019

Những thương hiệu Việt Nam tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar cho biết tại Hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập” diễn ra mới đây tại TP.HCM, trong thời gian qua hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng phát triển tốt đẹp, là điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar. Đây là thị trường tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ của Việt Nam như sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…

khai thac thi truong tiem nang myanmar
Những thương hiệu Việt Nam tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đạt 860 triệu USD; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 702,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 157,8 triệu USD. Chín tháng đầu năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng vụ Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Myanmar cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD cho 25 dự án. Đây là môi trường nhiều tiềm năng cho DN Việt Nam, hiện tại đã có hơn 200 DN Việt Nam đang kinh doanh và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP. Hồ Chí minh (ITPC) khẳng định các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Myanmar vẫn là một thị trường có nhiều cơ hội, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của DN Việt Nam nói chung và DN TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Một số DN đã mở rộng được thị trường tại Myanmar nhận định, đầu tư, kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì nền sản xuất tại đây còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển, chưa có rào rản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Cùng với đó, Myanmar cũng là thành viên của ASEAN, đồng thời có những nét tương đồng về văn hóa và quá trình, điều kiện để phát triển đất nước. Đặc biệt, những thương hiệu Việt Nam đi tiên phong tại thị trường Myanmar đều có những sản phẩm chất lượng tốt, chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Myanmar như Lioa, Hanvico, Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Vietnam Airlines… góp phần tạo nên tâm lý ưa chuộng, có thiện cảm với sản phẩm Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường hiện vẫn duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa còn chậm nên những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn thường gặp rất nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh so với các đối thủ. Cùng với đó, đại đa số người dân Myanmar có mức thu nhập thấp, khó tiếp cận với các sản phẩm chất lượng tầm trung và cao cấp, giá thành cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng ở Myanmar còn kém phát triển, Chính phủ nước này vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu điện, nước cho các hoạt động sản xuất, xây dựng và vận hành dự án, làm tăng chi phí đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. Mặc dù Luật Đầu tư mới đã ban hành với chủ trương tạo ra môi trường đầu tư công bằng cho cả nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, nhưng vẫn có sự phân biệt, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, du lịch, quảng cáo…

“DN Việt muốn đầu tư, kinh doanh tại Myanmar cần am hiểu chính sách và chủ động thích ứng. Luật đầu tư của Myanmar có một số ưu đãi về thuế, như miễn thuế thu nhập từ 3, 5 hay 7 năm tùy thuộc vào khu vực, vùng đầu tư, miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nhập khẩu máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng không thể mua được tại thị trường nội địa trong giai đoạn xây dựng, miễn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu dùng để sản xuất xuất khẩu; hoàn thuế nhập khẩu và các loại thuế nội địa đối với nguyên phụ liệu và bán thành phẩm nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu” - bà Diệp nhấn mạnh

Ông Đặng Hải Nhã, Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar (VBCM) lưu ý, Myanmar hiện vẫn hạn chế hoạt động thương mại đối với DN nước ngoài, ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ như nhà thầu dự án và DN kinh doanh phân phối bán buôn, bán lẻ. Vì vậy, DN cần lưu ý phải tiếp cận thị trường thông qua đối tác nhập khẩu bản địa, kiểm soát giá bán, chính sách marketing, quảng bá sản phẩm. Các loại hình DN nước ngoài được thành lập tại Myanmar là công ty con, công ty liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện... DN cần lưu ý các ưu điểm, nhược điểm về thuế theo quy định của pháp luật Myanmar và Việt Nam đối với từng loại hình nêu trên.

“Nguyên tắc tiếp cận thị trường Myanmar là phải tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh, kiên trì, bền bỉ và chuyên nghiệp, gặp mặt trực tiếp để giới thiệu hàng mẫu, hiểu và tôn trọng văn hóa, tập quán của Myanmar; lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác, kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng - ông Đặng Hải Nhã chia sẻ thêm.

Tuyết Thanh

Tin đọc nhiều