Khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt

10:55 | 15/03/2022

Giới chuyên môn đánh giá thẻ tín dụng nội địa là bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng, đầy đủ nhất từ trước tới nay.

Thẻ tín dụng công năng lưỡng dụng

Giai đoạn năm 2017- 2021 số lượng thẻ tín dụng nội địa tăng trưởng bình quân 23,2%/năm - cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm. Con số này cho thấy phần nào việc các tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) đã chủ động, sáng tạo trong nghiên cứu, phát hành, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thẻ nội địa gắn với thương hiệu thẻ của Việt Nam, trong đó thẻ nội địa là một điểm sáng. Tại Hội thảo “Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa Việt Nam” do Vụ Thanh toán NHNN, Báo Lao động phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức mới đây Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Lê Văn Tuyên cho rằng, nỗ lực này của TCPHT nhằm đẩy mạnh TTKDTM, thúc đẩy tài chính toàn diện để bao phủ dịch vụ thanh toán, tín dụng đến số đông người dân. Đồng thời giảm chi phí chấp nhận, sử dụng thẻ cho các đơn vị chấp nhận thẻ (ĐVCNT), chủ thẻ tại Việt Nam theo hướng đơn giản, tiện lợi, dễ sử dụng, giảm chi phí, phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của mọi người dân, doanh nghiệp.

Đại diện Vụ Thanh toán cũng chỉ ra những lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn liền với công năng lưỡng dụng, khi vừa là công cụ thanh toán, vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng. Trong đó, ông Tuyên đề cập tới yếu tố tài chính toàn diện khi thẻ tín dụng nội địa còn rất nhiều “đất đai” có thể khai thác hướng tới nhóm khách hàng ở vùng nông thôn có thu nhập ổn định, khả năng trả nợ… song lại chưa được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hữu ích này. “Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các TCPHT, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam”, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán chia sẻ.

khang dinh thuong hieu the thuan viet
Doanh số sử dụng thẻ tín dụng năm 2021 đạt khoảng 220 nghìn tỷ đồng - tăng gần 20% so với năm 2020

Agribank là một trong những ngân hàng triển khai thành công Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn kết hợp phát hành thẻ với việc cấp hạn mức thấu chi qua thẻ không có bảo đảm bằng tài sản với thủ tục đơn giản, thuận tiện, giúp người dân có thể tiếp cận các khoản vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu. Phó Tổng Giám đốc Agribank ông Tô Đình Tơn cho biết, đến nay ngân hàng đã phát hành hơn 430.000 thẻ với trên 2.500 tỷ đồng hạn mức thấu chi được cấp…

Một trong những lợi ích rõ rệt mang lại của thẻ tín dụng nội địa, theo chia sẻ của ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, nằm ở chi phí. Khi VietinBank chung tay cùng Napas phát triển những dòng thẻ nội địa, chi phí tiết giảm rất nhiều so với dùng thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Chi phí hợp lý như vậy, nên ưu đãi dành cho chủ thẻ cũng rất hấp dẫn. Hiện VietinBank đã miễn rất nhiều chi phí cho chủ thẻ. “Chất lượng dịch vụ khi triển khai với các công ty chuyển mạch trong nước như Napas cũng rất tốt bởi vì khi hợp tác với các công ty nước ngoài thì các ngân hàng phải thực hiện rất nhiều kết nối, mà không phải lúc nào chất lượng kết nối cũng ổn định được”, ông Khoa nhìn nhận.

Có một nghịch lý là khi sử dụng thẻ tín dụng quốc tế, người dùng sẽ phải trả một chi phí khá lớn, và bản thân các ngân hàng Việt Nam cũng phải chấp nhận trả rất nhiều chi phí cho các tổ chức thẻ quốc tế. Song phần đông người Việt lại đang sử dụng thẻ quốc tế để chi tiêu, tiêu dùng cho các giao dịch trong nước, chứ không phải thẻ tín dụng nội địa. “Đó là bài toán mà chúng ta sẽ phải giải: Làm thế nào để các chủ thẻ sử dụng các loại thẻ nội địa nhiều hơn”, ông Khoa đặt vấn đề

Số hoá sản phẩm, tự động hoá quy trình

Giới chuyên môn đánh giá thẻ tín dụng nội địa là bước chuyển mình mạnh mẽ của thị trường thẻ thanh toán nội địa với các dòng sản phẩm đa dạng, đầy đủ nhất từ trước tới nay. Từ thực tiễn triển khai thẻ tín dụng nội địa nhiều năm qua, bà Trần Thị An Dung, Giám đốc vùng ACB tại Hà Nội chia sẻ, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cần lưu ý tới ba điểm chính: sản phẩm phù hợp, đối tượng khách hàng phù hợp và “đóng gói” sản phẩm phù hợp. Lý giải thêm về “đóng gói” sản phẩm phù hợp, theo bà Dung, đây là một trong những yếu tố then chốt quyết định việc thành công của sản phẩm. Như tại ACB, thẻ tín dụng nội địa không được bán như một sản phẩm riêng lẻ, mà được đóng gói thành một giải pháp cho khách hàng, việc cung cấp theo gói gồm thẻ tín dụng nội địa và các sản phẩm dịch vụ khác trở thành các công cụ bổ trợ lẫn nhau, giúp khách hàng tối ưu được lợi ích từ sản phẩm.

Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng Giám đốc Napas cho biết, thời gian tới Napas sẽ tiếp tục mở rộng các tổ chức phát hành để đáp ứng lớn nhất nhu cầu của thị trường về sử dụng thẻ tín dụng nội địa. Bên cạnh đó, ông Minh cũng bày tỏ mong muốn sớm có hành lang pháp lý để có thể thực hiện phê duyệt tín dụng online, thông qua việc kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia để thực hiện xác thực, định danh khách hàng gốc… Đồng thời đề xuất với NHNN xem xét để cho phép các hộ kinh doanh cá thể dễ dàng đăng ký trở thành merchant của ngân hàng, làm sao giúp các đối tượng này truy cập website hoặc ứng dụng ngân hàng, và chỉ cần khai báo nhanh chóng trong vòng 5-10 phút là có thể sẵn sàng chấp nhận thanh toán thẻ.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian tới các TCPHT và các đơn vị liên quan cần một sự phối hợp chặt chẽ, tập trung, hiệu quả trong đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho các khách hàng về thông tin, quy trình phát hành của các dòng thẻ tín dụng nội địa. Xây dựng, triển khai chính sách phí phù hợp với điều kiện phát triển thẻ tín dụng nội địa. Đồng thời tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.

“Cần mở rộng mạng lưới chấp nhận thẻ liên thông vào tất cả dịch vụ, lĩnh vực trong nền kinh tế. Đây là điểm rất quan trọng. Chúng ta không thể phát triển được nếu các điểm chấp nhận thẻ này chỉ được chấp nhận trong một số ngành, lĩnh vực, chỉ tập trung ở thành thị”, Phó Thống đốc lưu ý.

Cùng với đó, lãnh đạo NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục nghiên cứu triển khai các giải pháp TTKDTM, thanh toán thẻ tín dụng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn liền với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội tiếp cận, hưởng tiện ích của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo phát triển cân bằng, hài hoà trong nền kinh tế, toàn quốc gia và lãnh thổ Việt Nam. Việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thẻ nói chung và hệ thống thẻ nội địa nói riêng, đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người dùng trong sử dụng dịch vụ TTKDTM cũng là yếu tố cần đặc biệt quan tâm.

Minh Khuê

Tin đọc nhiều