Khi bóng hồng khởi nghiệp

08:00 | 19/10/2019

Những mô hình kinh tế do phụ nữ khởi nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp chị em thoát nghèo mà còn lan tỏa tinh thần vượt khó, phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng hành cùng sự thành công đó, không thể không kể đến sự góp sức của các ngân hàng.

Hoàn thiện hệ sinh thái cho cộng đồng khởi nghiệp
Tìm vốn cho khởi nghiệp Fintech
Startup Việt gian nan gọi vốn ngoại

Thắp lửa khởi nghiệp

Những bóng hồng được xem là“phái yếu”, và khi khởi nghiệp thường gặp nhiều khó khăn. Bởi, định kiến xã hội thường cho rằng, phụ nữ phải là người hy sinh vì gia đình, gắn liền với bếp núc, nội trợ. Trên thực tế, người phụ nữ bước ra xã hội có vị trí cao đến mấy đi nữa, khi quay về với tổ ấm của mình, họ vẫn phải làm tròn bổn phận của người mẹ, người vợ và thường là người hy sinh thời gian cho gia đình, con cái. Bởi vậy, với không ít chị em, những đam mê, hoài bão khởi nghiệp cứ dần đi vào quên lãng chính trong những căn bếp nhỏ.

Thế nhưng, thời gian gần đây vượt qua những khó khăn, đặc biệt là những định kiến, phong trào phụ nữ khởi nghiệp đã và đang được đẩy mạnh. Nhiều chị em đã vượt qua sự tự ti, tư tưởng an phận thủ thường đã mạnh dạn khởi nghiệp khi đã có ý tưởng kinh doanh. Và không ít các bóng hồng đã thành công, đi lên bằng sự kiên trì nhẫn nại vốn có của mình...

Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đồng sáng lập dự án Homecares (kết nối giữa bác sĩ và bệnh nhân): Đối với phụ nữ, khởi nghiệp là một hành trình dài. Ở đó đòi hỏi sự kiên trì, dũng cảm và đam mê để vượt qua các rào cản từ môi trường bên ngoài và đặc biệt là sự sợ hãi từ bên trong của chính mình... Tương tự, nhiều nữ doanh nhân cũng cho rằng, khởi nghiệp luôn gắn liền với “vạn sự khởi đầu nan”, nhưng đối với chị em phụ nữ thì khó khăn càng thêm bội phần. Nhưng nếu có đam mê, kiên trì cùng sự sáng tạo, bản lĩnh thì sẽ vượt qua rào cản, khó khăn khi khởi nghiệp.

khi bong hong khoi nghiep
Ngày càng xuất hiện các mô hình phụ nữ khởi nghiệp thành công

Tuy nhiên, như chia sẻ của chị Nguyễn Thị Anh Đào, Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp thì trên thực tế, khi đã bước vào thương trường, chị em cũng có những lợi thế hơn phái mạnh như sự nhạy cảm, tính cẩn thận, chu đáo trong công việc. Trong “đối nội” của doanh nghiệp, chị em thường có sự mềm mỏng và khéo léo, tôn trọng ý kiến số đông, kết nối tập thể tốt hơn là nam giới… còn trong “đối ngoại” họ thường có những lợi thế vượt trội …

Đồng hành với phụ nữ làm kinh tế

Ngoài những nỗ lực của bản thân chị em, hiện cả xã hội đều đang ủng hộ phụ nữ làm kinh tế nói chung và khởi nghiệp nói riêng. Cách đây không lâu, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, với mục tiêu hỗ trợ 20 nghìn phụ nữ kinh doanh và khởi nghiệp, cùng 100 nghìn doanh nghiệp của nữ giới sẽ được hỗ trợ và tư vấn.

Những mô hình kinh tế do phụ nữ khởi nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm, giúp chị em thoát nghèo mà còn lan tỏa tinh thần vượt khó, phát triển kinh tế ở địa phương. Đồng hành cùng sự thành công đó, không thể không kể đến sự góp sức của các ngân hàng.

Đơn cử mô hình phụ nữ khởi nghiệp tiêu biểu ở Đà Nẵng là Tổ liên kết sản xuất thú nhồi bông ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Được thành lập năm 2017, ban đầu tổ chỉ có 5 thành viên, hoạt động gặp nhiều khó khăn cả cơ sở vật chất lẫn trên thị trường. Thế nhưng, từ đầu năm 2018, tổ liên kết này được vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) số tiền 100 triệu đồng đầu tư sản xuất. Đến nay, cơ sở cùng với việc được mở rộng, được trang bị thêm máy móc, thiết bị, đã giải quyết được việc làm cho 15 lao động là nữ trên địa bàn. Mỗi ngày, tổ liên kết cho ra đời khoảng 300-400 sản phẩm thú nhồi bông loại nhỏ, và trên 200 sản phẩm thú nhồi bông loại lớn, cho thu nhập trung bình 8-10 triệu đồng/tháng/người. Các sản phẩm ngày càng mở rộng thị trường ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và TP. Hồ Chí Minh...

Tại Đà Nẵng hiện còn có nhiều mô hình khởi nghiệp của chị em phụ nữ đang phát huy hiệu quả như: Hợp tác xã nấm An Hải Đông ở quận Sơn Trà; Hợp tác xã gà Nhơn Phát ở huyện Hòa Vang, Tổ liên kết sản xuất các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp may mặc; mô hình sản xuất rau sạch hay các mô hình dịch vụ vệ sinh công nghiệp... Những mô hình khởi nghiệp thành công này đã tạo thêm việc làm cho chị em phụ nữ, đồng thời góp phần nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, thông qua đó, tiềm năng, sức sáng tạo của những người phụ nữ được khơi dậy, khẳng định vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, bảo đảm bình đẳng giới...

Để hưởng ứng đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vấn đề khởi nghiệp, phát triển kinh doanh, cũng như phát huy vai trò của phụ nữ đối với phát triển kinh tế… đến đông đảo các hội viên. Hàng năm, không ít các quận, huyện đều tổ chức ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp”. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ còn tạo điều kiện cho các hội viên được tiếp cận các nguồn vốn vay, kiến thức, kỹ thuật để khởi sự kinh doanh, đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế bền vững...

Ông Võ Minh, Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Đà Nẵng chia sẻ: Hỗ trợ cho phong trào khởi nghiệp của chị em phụ nữ, các NHTM đặc biệt là Agribank và NHCSXH đã tích cực vào cuộc. Ngoài việc ưu đãi lãi suất hỗ trợ vốn cho các dự án khởi nghiệp, các ngân hàng còn cử nhân viên tham gia tư vấn tài chính cho các dự án. Từ vốn vay ngân hàng, kết hợp với nguồn vốn gia đình tích cóp đã giúp nhiều chị em tự tin khi khởi nghiệp, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh Nghi Lộc

Tin đọc nhiều