Khi các “cụ CEO” vẫn là đầu tàu

08:49 | 29/01/2015

Trong khi trình độ quản lý còn là một điểm yếu của DN Việt Nam, sự trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo là điều cần thiết.

Đầu tuần này, Bảng xếp hạng 500 DN lớn nhất Việt Nam được công bố. Tính cho năm 2014, đánh giá độ lớn của DN chủ yếu dựa vào doanh thu, nó cho biết khá nhiều thông tin thú vị: gần 60% doanh thu của nhóm này đến từ DNNN; DN tư nhân chiếm tỷ trọng doanh thu thấp nhất và có chiều hướng giảm so với lần công bố trước; nhiều DN lớn đến từ lĩnh vực khai khoáng và xăng dầu... Nhưng, thú vị hơn cả là thông tin: “Hơn 73% CEO DN lớn thuộc thế hệ lão làng 6x, 5x”.

khi cac cu ceo van la dau tau
Ảnh minh họa

Bắc cầu từ giai đoạn bao cấp sang thời kỳ hội nhập với cạnh tranh cao, những nhân sự cao cấp nêu trên cho thấy khả năng thích ứng tốt, đủ năng lực vững vàng để lèo lái con thuyền DN vượt qua phong ba bão táp. Tuy nhiên, một tỷ lệ vượt trội như vậy cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Cần trả lời nhất là vì sao nhân tố mới còn hạn chế trong một môi trường kinh doanh liên tục thay đổi về chủ trương, chính sách như vừa qua, khi công nghệ và những tư duy, mô hình kinh doanh mới… đang vươn lên như diều gặp gió khắp thế giới?

Những kỹ năng được tôi luyện suốt 3-4 chục năm công tác, những bài học rút ra từ vấp ngã, những kinh nghiệm nhìn người, xử trí trước tình huống khó... chắc chắn là những lợi thế khiến “các cụ” vượt trội so với nhiều tiến sĩ du học về nhưng “còn thiếu thực tế” luôn được viện dẫn trước bất cứ cơ hội vươn lên vị trí đầu tàu. Vậy nên, dù đã đi qua một thời bao cấp với cơ chế xin - cho, nhưng những mối quan hệ thân hữu vẫn là một lợi thế nữa của “các cụ”. Bởi, thời nay vẫn chưa hết xin - cho, “các cụ” lại tiếp tục đứng mũi chịu sào với DN, dù tổ chức ấy về quy mô nay đã lớn, đã tổ chức phòng ban, phân chia bậc bệ, “dinh tổng” đã tách rời chi nhánh...

Nhưng, những kinh nghiệm cuộc đời cũng thường trở thành rào chắn trước yêu cầu của sự “lăn xả”; “nhạy bén”; “linh hoạt” và thái độ cầu thị khi đối diện với “phương pháp mới” – những tố chất cần có của CEO thời kinh tế thị trường, của năng lực cạnh tranh trong môi trường lành mạnh. Ở DNNN, họ là những người ít dám vượt qua khuôn phép để tạo đột phá. Tất cả hành động vì một chữ an toàn. Nhất là khi DN kinh doanh trong một môi trường ít đối thủ, hay được gọi là “độc quyền tự nhiên”, có nhiều chính sách ưu ái... Ở DN tư nhân, thường là gia đình trị với nhiều thế hệ cùng lãnh đạo, ngoài sự bảo thủ thì lớp lãnh đạo lớn tuổi còn có quyền bính cha ông, trên bảo dưới phải nghe. Những tổ chức DN chậm tiếp thu cái mới như vậy khiến cho các ý tưởng kinh doanh có tính đột phá ít khả năng nảy nở.

Quy mô lớn dần cũng đi kèm với nguy cơ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Bởi thế, nếu lãnh đạo DN chỉ thích “tuần tự như tiến” thì cấp dưới dễ nản lòng với đề xuất và sáng kiến. Những ý tưởng kinh doanh tốt chỉ dừng ở cấp DN nhỏ trong hệ thống, ít khi lên đến được với quy mô triển khai trong toàn bộ DN lớn. Sự liên kết lỏng lẻo ngay trong DN lớn, ngay trong nội bộ chuỗi sản xuất của các DN này đang làm nảy sinh vấn đề lớn hơn: sự kém bền vững của chính DN đó.

Ở một khía cạnh khác, tỷ lệ quá lớn các “cụ CEO” như nêu trên còn cho thấy khoảng cách thế hệ là một thách thức lớn cho giai đoạn chuyển giao môi trường cạnh tranh khi chúng ta đang hội nhập sâu với nền kinh tế khu vực và thế giới. Một môi trường kinh doanh với “các cụ” giữ lợi thế ở vị trí lãnh đạo cũng cho thấy sự sàng lọc, cạnh tranh ở tầm nhân sự cao cấp còn hạn chế. Đây lại là rào cản lớn nhất cho phát triển.

Trong khi trình độ quản lý còn là một điểm yếu của DN Việt Nam, sự trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo là điều cần thiết. Những tiêu chuẩn quốc tế trong lập báo cáo tài chính song ngữ, quản trị DN ở tầm quy mô lớn, kiểm soát dòng tiền, quản trị rủi ro, chớp thời cơ kinh doanh, mạo hiểm với thị trường mới... cần được coi là kỹ năng thiết yếu của CEO thời kỳ hội nhập để nâng cao sức cạnh tranh.

Nhưng gắn với đó, chắc chắn, nên phải là thế hệ trẻ - những thế hệ 7x; 8x và thậm chí là 9x, để những tài sản trí thức đó còn có được thời gian cống hiến đủ dài để nâng tầm cạnh tranh cho DN Việt Nam, hoặc làm lại khi sự chấp nhận rủi ro không đem lại kết quả như mong muốn. Đừng bắt những tri thức trẻ phải đợi khi nghe các “cụ CEO” dạy rằng: “Tao nghỉ, chúng mày muốn làm gì thì làm”. Bởi, chờ đợi cũng như chấp nhận để cơ hội vuột mất...

Anh Quân

Tin đọc nhiều