Khi DNNN không chấp nhận "nhường sân"

14:48 | 20/04/2012

Đổi mới, sắp xếp lại DNNN luôn là một trong những nội dung trọng tâm của cải cách, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam trong hơn 25 năm qua.

Cho đến cuối năm 2010, chỉ còn 1.309 doanh nghiệp (DN) 100% sở hữu Nhà nước, chiếm khoảng 0,3% tổng số DN đang hoạt động trong nền kinh tế tại cùng thời điểm. Nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), hiệu quả hoạt động của khối DN này đang thấp dần, nhưng phạm vi ảnh hưởng đến nay vẫn còn rộng, đã đặt ra vấn đề cấp bách phải tái cơ cấu DNNN.

Hiệu quả kém nhưng quy mô lại tăng

"Quan sát sự biến động của khu vực DNNN trong thời gian qua nhận thấy có hai hiện tượng trái chiều nhau", TS. Nguyễn Đình Cung lưu ý. Một mặt, nhà nước cổ phần hóa các DN độc lập, có quy mô vừa và nhỏ trực thuộc các bộ, ngành, địa phương, qua đó giảm số lượng DNNN độc lập. Mặt khác, các tập đoàn, tổng công ty liên tục mở rộng quy mô kinh doanh đa ngành bằng cách thành lập, góp vốn, mua cổ phần vào hàng trăm DN khác, gồm cả các DN sở hữu tư nhân. "Có thể nói, quy mô tuyệt đối và ảnh hưởng của DNNN trong nền kinh tế không giảm, thậm chí tăng thêm. DNNN đang chiếm tỷ trọng chi phối hoặc giữ tỷ trọng lớn đáng kể trong hàng chục ngành kinh tế", Phó viện trưởng CIEM bình luận.

Ảnh: BĐT
Mặc dù độc quyền, nhưng nhiều năm nay EVN luôn trong tình trạng thua lỗ. (Ảnh: BĐT)

Nhưng điều đáng bàn là hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực DNNN chưa tương xứng với tiềm lực kinh tế được trao và vị trí trách nhiệm mà Nhà nước giao. Theo số liệu của CIEM, năm 2010 khối DNNN chiếm khoảng gần 40% tổng số vốn kinh doanh, 30% tín dụng nền kinh tế và khoảng 45% tổng giá trị tài sản của khu vực DN nói chung. Tuy nhiên, khối này chỉ làm ra 28% GDP, 20% giá trị sản lượng công nghiệp và mới đóng góp 19% của tăng trưởng GDP, 7,9% tăng trưởng giá trị sản lượng công nghiệp, nhưng giảm 22% số việc làm so với 10 năm trước. Không tính dầu thô, DNNN nộp ngân sách 17% tổng số thu.

TS. Vũ Thành Tự Anh (Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright) khái quát rằng, mặc dù được hưởng nhiều biệt đãi về tiếp cận nguồn lực, đồng thời trong nhiều trường hợp được hưởng vị thế độc quyền trên thị trường nội địa, nhưng đóng góp của khu vực DNNN cho nền kinh tế lại rất hạn chế và đang trên đà đi xuống. Thậm chí, có bằng chứng cho thấy các DNNN đóng góp một cách khiêm tốn cho kim ngạch xuất khẩu nhưng lại là "tác giả" của một tỷ lệ lớn kim ngạch nhập khẩu.

Bình đẳng, thị trường là giải pháp?

Lý giải cho câu chuyện DNNN hiệu quả kinh tế thấp nhưng lại đang có xu hướng mở rộng quy mô tuyệt đối và ảnh hưởng của DNNN trong nền kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nguyên nhân là vì các DN này không phải chịu sự chi phối của nguyên tắc "lời ăn, lỗ chịu", những người đại diện chủ sở hữu và liên quan khác không chịu tác động bởi các rủi ro kinh doanh của DN. GS. Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) thêm vào một lưu ý nữa: "Một số DN có quy mô lớn, nhưng làm ăn không hiệu quả, gây gánh nặng cho ngân sách, tổn hại uy tín quốc gia".

Theo số liệu của Bộ Tài chính, vào năm 2010, tỷ lệ ROE của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước là 16,5%, chỉ tương đương với lãi suất vay thương mại phổ biến trên thị trường trong cùng năm. "Thực tế là đến 80% trong tổng lợi nhuận của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đến từ 5 tập đoàn lớn bao gồm PVN, EVN, VNPT, Viettel và TKV. Cho nên, đa số các tập đoàn và tổng công ty còn lại có tỷ lệ ROE thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất thương mại của thị trường", TS. Vũ Thành Tự Anh rút thêm một lưu ý khác.

Nhận thức từ kinh nghiệm và bài học đúc rút đến nay, ông Trần Tiến Cường - nguyên Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho rằng, việc áp dụng biện pháp hành chính trong cơ cấu lại DNNN chỉ phát huy tác dụng giảm về số lượng DNNN ở giai đoạn đầu, nhưng chưa có tác dụng rõ rệt trong chuyển biến về năng suất, chất lượng, hiệu quả của đa số các DNNN. "Đổi mới DNNN chỉ thực sự đi vào chiều sâu khi thực hiện các biện pháp có tính thị trường", ông nêu quan điểm.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ góc nhìn này, yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững đòi hỏi Nhà nước không bao cấp rủi ro cho DN. "Cần xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển. Đồng thời, có biện pháp tích cực ngăn ngừa và khắc phục những hạn chế, mặt trái của cơ chế thị trường", ông Phong cho hay.

Điều đó cũng có nghĩa rằng, các DNNN cần được đặt trong môi trường cạnh tranh và dùng cơ chế cạnh tranh và kiểm soát độc quyền, tạo sức ép làm công cụ để thúc đẩy tái cơ cấu tiếp các DNNN trong quá trình hoạt động. Và để làm được việc đó, nguyên tắc minh bạch và công khai phải được thực hiện nhằm cải thiện quản trị DN phù hợp thông lệ kinh tế thị trường, chống tiêu cực, thất thoát, lợi ích nhóm, ông Cường nêu giải pháp.

>> Ý kiến của các chuyên gia kinh tế về vấn đề tái cơ cấu DNNN

Vũ Anh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều