Khó khăn là điều kiện để sàng lọc

14:01 | 13/06/2012

Khi nền kinh tế sôi động, mọi doanh nghiệp (DN) đều có thể tồn tại dễ dàng, nhưng lúc khó khăn, vàng, thau sẽ bộc lộ. Đó là lúc để sàng lọc DN công bằng nhất.

Thực tế hiện nay không chỉ ở Kiên Giang, mà nhiều địa phương các DN xuất khẩu thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn. Có DN đã gần như phá sản. Nợ ngân hàng không trả được, nhà máy đã ngừng sản xuất và cho người khác thuê… Nhưng bên cạnh đó, vẫn có DN hoạt động đều đặn, thậm chí hàng vẫn xuất được sang những thị trường khó tính như châu Âu, Nhật, Hàn Quốc... Có thể xem hình ảnh của Công ty Sao Biển (Rạch Giá, Kiên Giang) như là một ví dụ.


Lô hàng xuất sang thị trường Đài Loan đang vào cấp đông

Chúng tôi đến trong lúc Công ty Sao Biển đang đóng hàng chuẩn bị xuất sang thị trường Đài Loan. Mặt hàng công ty xuất đi các thị trường chủ yếu là tôm, ngoài ra có thêm mặt hàng cá phi lê theo đơn đặt hàng của khách. Lo công ăn việc làm cho 600 công nhân, hẳn Sao Biển luôn phải tìm kiếm thị trường, đối tác để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Nguyên liệu mà Sao Biển nhập vào là loại thủy sản tự nhiên. Với công suất cấp đông 20 tấn ngày, và nhà máy hoạt động liên tục, công ty cần một nguồn hàng khá dồi dào và tương đối ổn định. Chính vì vậy, Công ty Sao Biển trông vào nguồn nguyên liệu từ các hộ dân đánh bắt.

Thời gian gần đây, đã có không ít tai tiếng về mối quan hệ giữa các DN chế biến và các hộ đánh bắt, nuôi thủy sản, rằng DN sù nợ hoặc không thực hiện hợp đồng mua sòng phẳng; Hộ đăng ký bán cũng "bùng hàng" để bán cho người khác giá cao hơn… dẫn đến đôi bên mất lòng tin với nhau. Được hỏi về việc này, Phó giám đốc Công ty Sao Biển cho biết, công ty của họ hợp đồng với ngư dân là một chuyện, nhưng điều cơ bản là phải có uy tín. Ngay đối với bạn hàng là phía nhập khẩu cũng vậy. Với người cung cấp nguồn hàng, Công ty luôn thanh toán sòng phẳng. Mỗi khi được báo có tàu cá về, DN tới cảng xem hàng, thỏa thuận giá, đồng thời trao tiền ngay cho chủ tàu mới đem hàng về. Đối với phía nhập khẩu, luôn phải đảm bảo chất lượng, quy trình đúng như khách hàng yêu cầu. Bởi, khách hàng nước ngoài bao giờ cũng tới kiểm tra chất lượng hàng, môi trường sản xuất, trách nhiệm xã hội với công nhân… trước khi ký hợp đồng.

Trên thực tế hiện nay, không ít DN chế biến, xuất khẩu thủy sản rơi vào hoàn cảnh bị lỗ, không có vốn sản xuất, ảnh hưởng đến nhiều đối tác khác nhau như ngân hàng, ngư dân… Nguyên nhân chủ yếu là thời gian qua, khi thị trường thế giới nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam khá nhiều. Lợi nhuận từ thủy sản xuất khẩu không nhỏ nên DN chế biến thủy sản "mọc ra như nấm". Trong số đó, có những DN chỉ mới thoát khỏi mô hình hộ cá thể, nên quy mô nhỏ, vốn ít, môi trường làm việc, công nghệ, chất lượng… đều không đạt tiêu chuẩn. Bởi vậy khi thị trường khó khăn, các sản phẩm tầm tầm theo kiểu "hàng chợ" không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, dẫn đến những DN này ngày càng "mất" hợp đồng. Đó là chưa kể đến việc khi thị trường thịnh, nhiều DN chế biến chấp nhận bán huề hoặc lỗ để thu hút khách hàng về với mình. Đến khi thị trường suy, những khoản lỗ không bù đắp được đã khiến DN rơi vào tình trạng "nốc ao".

Một giám đốc DN chế biến thủy sản xuất khẩu khác cho biết, không ai có thể nhịn ăn được. Bởi vậy, tuy thị trường hiện nay đang bị thu hẹp thật, nhưng không phải là hết cửa ra cho sản phẩm. Điều quan trọng là chất lượng và uy tín. Đạt được hai tiêu chí này, thì đến thị trường khó như châu Âu, Nhật Bản, Hoa Kỳ, DN vẫn có hợp đồng, thậm chí là hợp đồng lớn. Cơ chế thị trường là vậy.

Bài và ảnh Minh Quân

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều