Khoản vay nhỏ lẻ hút khách

11:14 | 16/08/2023

Hoạt động cho vay tiêu dùng đang lan tỏa mạnh ở khu vực nông thôn, với nhiều nhà cho vay, đa dạng sản phẩm và đơn giản điều kiện vay.

Ông Trương Văn Đoàn, Phó giám đốc Agribank chi nhánh Tiền Giang cho biết, nhu cầu vay vốn tiêu dùng như mua sắm phương tiện đi lại, trang trải chi phí học tập, chữa bệnh, chi phí du lịch sửa chữa nhà ở… của người dân gần đây tăng nhanh. Tính đến hết tháng 6/2023 dư nợ cho vay mảng tiêu dùng của chi nhánh đạt khoảng 1.959 tỷ đồng đối với gần 3.900 khách hàng. “Các khoản vay tiêu dùng tín chấp của các TCTD ở mức dưới 30 triệu đồng/khoản vay đáp ứng được nhu cầu cho đông đảo người dân, nhất là khu vực nông thôn, hạn chế sự bành trướng của các loại hình tín dụng đen”, ông Đoàn nhận định.

khoan vay nho le hut khach
Cho vay tiêu dùng qua các trung gian thanh toán chính thống chỉ cần một ứng dụng lan rộng về tận vùng sâu, vùng xa

Theo NHNN chi nhánh tỉnh Tiền Giang, tính đến hết tháng 7/2023, dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11.893,6 tỷ đồng, các TCTD thực hiện qua phương thức cho vay trực tiếp và cho vay qua phát hành thẻ. Tương tự, Bình Thuận cũng là địa phương có tốc độ cho vay tiêu dùng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Tính đến cuối tháng 7/2023 dư nợ tín dụng tiêu dùng của các TCTD trên địa bàn tỉnh này đạt gần 19.200 tỷ đồng, chiếm 23,1% tổng dư nợ cho vay trên địa bàn, tăng trưởng 26,4% so với cuối năm 2022.

Với mạng lưới rộng khắp các chi nhánh Agribank đang tích cực triển khai gói tín dụng tiêu dùng theo hình thức cho vay tín chấp đối với khách hàng là cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách. Gói tín dụng tiêu dùng này của Agribank có tổng hạn mức 15.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-1,5% so với lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng này.

Nhóm NHTMCP cũng đang mở rộng phát triển các gói vay tiêu dùng về nông thôn. Chẳng hạn, PVcomBank đưa ra gói tín dụng tiêu dùng quy mô 13.500 tỷ đồng, cho vay lãi suất ưu đãi áp dụng đến hết tháng 1/2024. LPBank đang triển khai chương trình tín dụng hưu trí cho hơn 500.000 lượt khách hàng vay vốn, với dư nợ cho vay khoảng 45.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên địa bàn các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương các NHTM và các công ty tài chính cũng đã cho vay hàng chục nghìn tỷ đồng đối với công nhân, người lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và các địa bàn đông dân cư ở khu vực nông thôn.

Theo các chuyên gia tài chính, tín dụng tiêu dùng hiện nay là một trong những mảng còn nhiều tiềm năng để khai thác, bởi tỷ trọng dư nợ tín dụng tiêu dùng/GDP tại Việt Nam còn thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Vì thế, việc phát triển các chương trình cho vay tiêu dùng đa dạng tại các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ là hướng đi mà nhiều ngân hàng đang lựa chọn.

Không chỉ cho vay trực tiếp, những năm gần đây các NHTM đã thúc đẩy đầu tư hoàn thiện dịch vụ ngân hàng điện tử, phát triển mạnh sản phẩm thẻ tín dụng nội địa, từ đó tăng thêm tệp khách hàng cá nhân - tiềm năng cho phát triển tín dụng tiêu dùng. Hiện nhiều loại thẻ tín dụng nội địa đang phát triển mạnh như thẻ Lộc Việt của Agribank, thẻ 2Card VietinBank, Happy Card của NamABank… phát triển mạnh ở các địa phương có đông công nhân, người lao động như Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ...

Thị trường cho vay tiêu dùng ngoài các NHTM, công ty tài chính, gần đây còn có sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech). Theo ông Phạm Quang Minh, Tổng giám đốc Mambu Việt Nam, các fintech tham gia ngày càng nhiều vào thị trường thông qua việc hợp tác với các TCTD triển khai các sản phẩm như: mua trước trả sau, ứng lương… Trong khi đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh mở rộng mạng lưới về khu vực nông thôn, hợp tác với các fintech để tích hợp các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng vào các ứng dụng di động, các ví điện tử...

Ông Minh dự báo, trong vài năm tới các mô hình cấp tín dụng cá nhân, tín dụng tiêu dùng sẽ có những thay đổi mạnh về chất. Theo đó, các thiết kế mới về sản phẩm sẽ ngày càng đơn giản hóa thủ tục; đồng thời các phần mềm tự động hóa của ngân hàng và fintech sẽ tích hợp, hoàn thiện dần các tính năng như xếp hạng tín dụng khách hàng, dò tìm khách hàng tiềm năng, đo lường các rủi ro trong giao dịch. Song song đó, nhiều ngân hàng và fintech sẽ đi vào thiết kế “may đo” các sản phẩm tín dụng tiêu dùng dành riêng cho từng nhóm khách hàng, tệp khách hàng như tiểu thương các chợ truyền thống, thương lái, người cao tuổi ở nông thôn, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp… Từ đó đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu tài chính của nhiều tầng lớp khách hàng chuyên biệt.

Thạch Bình

Tin đọc nhiều