Khoảng trống thị trường và cơ hội của DN

15:10 | 17/05/2012

"Người ta hay lập luận, các nhiệm vụ công ích Nhà nước phải làm vì khu vực tư nhân không làm. Đấy cũng là một sự hiểu lầm", chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A lưu ý.

Trong sự chuyển dịch đi lên của nền kinh tế hiện nay, nhiều khu vực "ngách" đang được các doanh nghiệp xã hội (DNXH) lấp đầy, trong đó đặc biệt việc giải quyết nhiều vấn đề xã hội mà Nhà nước và các DN kinh doanh đơn thuần khác chưa bao quát hết.

Cơ hội cho DNXH

"Kinh nghiệm cho thấy DNXH đang có vai trò ngày càng lớn và tích cực trong giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường… do đó đã thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các Chính phủ", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhìn nhận. Với chủ trương phát triển cân bằng giữa kinh tế - xã hội và môi trường, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng nói trên. Sự phát triển của các DNXH như một hệ thống các sáng kiến, giải pháp mang lại giá trị xã hội, môi trường hiệu quả và bền vững.

Ảnh: MH
DNXH đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường… (Ảnh: MH)

Hiện cơ hội để phát triển các DNXH xuất phát từ thực tiễn nhu cầu giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường ngày một gia tăng và những thay đổi trong bối cảnh Việt Nam đang trên ngưỡng cửa của một bước phát triển mới.

Đó là, xu hướng vốn tài trợ ngày càng giảm khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình. Đơn cử, Bộ Phát triển Anh (DFID) có kế hoạch đến năm 2016 sẽ kết thúc tài trợ ODA cho Việt Nam. Trong khi đó, do nguồn lực có hạn và phải đảm bảo nhiều mục đích, Nhà nước không thể bao quát toàn bộ và chu đáo các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, mặc dù thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá là tích cực, nhưng chưa vững chắc và còn nhiều việc phải làm.

Chính vì vậy, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đó là cơ hội để DNXH lấp đầy những khoảng trống này. Đây cũng là sự bổ trợ để hình thành 3 trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đó là vai trò của Nhà nước được đặt cạnh DN và xã hội. "Một nền kinh tế xã hội chỉ phát triển khi 3 trụ cột này tương thích, bổ trợ cho nhau. Mô hình DNXH sẽ góp phần thúc đẩy chủ trương xã hội hóa mà Nhà nước đưa ra", bà Phạm Chi Lan lưu ý.

Những bước tiến ban đầu

Theo ông Lưu Minh Đức (Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương), tại Việt Nam hiện có tới 24 triệu người là đối tượng xã hội trực tiếp, đó là các hộ nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, người khuyết tật, phạm nhân mãn hạn, trẻ em đường phố, người nhiễm HIV… "Rõ ràng, DNXH là miếng ghép, Nhà nước có thể kết hợp để thực hiện các vấn đề xã hội", ông Đức nói.

DNXH đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận là Hợp tác xã Nhân đạo, được thành lập năm 1973 với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật, chung tay giải quyết các vấn đề xã hội với Nhà nước. Đến gần đây, nhiều mô hình DNXH đã được nhân rộng.

Theo nghiên cứu của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), ước tính khoảng 165.600 DN tại Việt Nam có đặc điểm, định hướng DNXH. Bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc CSIP còn cho rằng, 68% số DNXH theo cách nào đó hướng tới việc đóng góp cho xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập thông qua giáo dục đào tạo nghề, tăng cường kỹ năng, kiến thức… Ngoài ra, có 48% DNXH còn có mục tiêu liên quan đến môi trường, chẳng hạn như cung cấp sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường, hoạt động theo cách thức thân thiện môi trường và tăng cường nhận thức trong cộng đồng về vấn đề môi trường.

Đáng chú ý là so với khối DNNVV, các DNXH tỏ ra khá hiệu quả. Theo Sách trắng về DNNVV Việt Nam 2011 và báo cáo khảo sát DNXH năm 2011, vốn thành lập trung bình của một DNXH khoảng 1,2 tỷ đồng, thấp hơn DN thông thường. Tuy nhiên, các DNXH giải quyết việc làm tốt hơn, trung bình 51 lao động, trong đó có 18 là có hoàn cảnh khó khăn, nhưng lợi nhuận cao hơn (400 triệu so với 320 triệu của DNNVV thông thường khác). Khoản lợi nhuận lại được tái đầu tư vì lợi ích cộng đồng, cải thiện đời sống cho nhiều người hơn và đem lại nhiều giá trị xã hội khác…

"Lâu nay các tổ chức sự nghiệp đã chứa đựng trong đó phần nào tinh thần, phương thức hoạt động của DNXH. Gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực DN nói chung, đã có hàng nghìn DN đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về DNXH được thành lập, đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… và tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội", Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết.

Hiện các DNXH tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức còn hạn chế, chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn, kỹ năng quản lý điều hành kinh doanh và gắn kết cộng đồng, cũng như thiếu một hệ thống các tổ chức trung gian, dịch vụ hỗ trợ có tính kết nối.

(Báo cáo DNXH tại Việt Nam).

DNXH thường xuất phát từ tổ chức xã hội, là người đưa tư tưởng bảo vệ lợi ích xã hội bao trùm trong DN của mình. Tuy nhiên, thực tế hiện nay để các DNXH có được người kế cận là rất khó khăn. Chỉ khi DNXH tiến lên thì DNXH mới phát triển.

(Ông Lưu Minh Đức - CIEM).

Tường Lam

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều