Không “bó tay”… dù doanh nghiệp gặp khó

12:47 | 11/06/2012

Nhiều doanh nghiệp (DN) đặt câu hỏi tại sao ngân hàng không cho họ vay tiếp để sản xuất. Câu trả lời rất đơn giản nhưng không phải DN nào cũng hiểu rằng, ngân hàng cũng là DN, cũng cần phải đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.

DN gặp khó vì thiếu vốn?

Đại diện phía DN, bà Phạm Thị Thu Hằng – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, những tháng đầu 2012, cộng đồng DN tiếp tục phải đối mặt với khó khăn lớn nhất từ trước đến nay. Kinh tế thế giới chưa có chuyển biến khả quan, còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro… đã khiến nhiều đơn hàng xuất khẩu của DN bị ngưng trệ hoặc trì hoãn. Trong nước, chi phí đầu vào của sản xuất, như lãi suất, giá xăng, điện, khí đốt vẫn ở mức cao. Trong khi, thị trường trong nước bị thu hẹp, sức mua giảm mạnh, hàng tồn kho lớn.

Những tác động này được thể hiện rõ nhất trong một khảo sát vừa được VCCI thực hiện. Chỉ số hàng tồn kho tại thời điểm tháng 4/2012 của công nghiệp chế biến tăng 32,1% so với cùng kỳ. Trong đó, phân hóa học tăng 63,4%, xi măng tăng 44,2%, mô tô, xe máy tăng 38,9%, may mặc tăng 35,6%, chế biến rau quả tăng 94,8%... 4 tháng đầu năm cả nước đã có 17.700 DN đã làm thủ tục giải thể và ngưng hoạt động, tăng khoảng 9,5% so với cùng kỳ.

Theo bà Hằng, nếu trước đây tiếp cận vốn là khó khăn thì dự cảm đã được cải thiện khi NHNN công bố giảm lãi suất huy động xuống còn 9%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 13%/năm. Song, để được hưởng lãi suất cho vay thấp ở các lĩnh vực không được ưu tiên cần có thời gian, bởi bản thân các ngân hàng cũng cần có thời gian để trung hòa lượng vốn giá cao đã huy động trước đó.

Bà Hằng cho biết, điểm rất đặc biệt mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu tâm là tỷ lệ DN nhận tín dụng ưu đãi hàng năm dao động khoảng 12-13%, mức vay trung bình là gần 12 tỷ đồng. Thế nhưng, đối tượng vay lại tập trung chủ yếu vào DN lớn ngành nông nghiệp, DN quy mô vừa ngành dịch vụ và DNNN. Rất ít DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận được vốn ưu đãi.

DN nên minh bạch với ngân hàng

Thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ với những khó khăn của DN, song ông Phạm Thiện Long - Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, vấn đề quan tâm của các ngân hàng là hiệu quả hoạt động của DN. Bởi thực tế, nhiều DN mở ra chỉ để đó, rồi đóng cửa. Có DN mở ra chỉ là để lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước hoặc mua bán hóa đơn. Chính vì vậy, nếu DN hoạt động không dựa trên nền tảng có lợi thế cạnh tranh thật sự, có nguy cơ đóng cửa hay phá sản thì nên cho phá sản sớm. “Nói ra có thể tiêu cực, nhưng thực tế những loại DN hoạt động không hiệu quả sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế khi các ngân hàng phải xử lý nợ đối với loại DN này” - ông Long cho hay.

Nhiều DN đặt câu hỏi tại sao ngân hàng không cho họ vay tiếp để sản xuất. Câu trả lời rất đơn giản nhưng không phải DN nào cũng hiểu rằng, ngân hàng cũng là DN, cũng cần phải đảm bảo an toàn vốn, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Khi ngân hàng đang thu hồi nợ không được, đang bị HĐQT khiển trách, hội đồng cổ đông chất vấn chưa kể là việc không bảo toàn được tiền gửi của người dân thì làm sao họ dám đẩy tiếp tín dụng ra.

Liên quan đến ý kiến cho vay thế chấp với hàng tồn kho, ông Long cho rằng, đây là vấn đề rất khó xử lý với các ngân hàng. Bởi lẽ, ngay với tài sản thế chấp là BĐS hiện cũng không bán được, huống hồ với hàng tồn kho. “Hàng tồn kho nhiều, nhưng thực tế rất ít DN dám nhìn nhận với ngân hàng hàng tồn kho đó giá trị bao nhiêu, và số lượng thực tế và khả năng giải phóng như thế nào. Khi kế hoạch kinh doanh không hiệu quả, ngân hàng tiếp tục đưa tiền cho DN thì khác gì bỏ tiền vào vòng luẩn quẩn” -ông Long nhìn nhận.

Như vậy, để DN và ngân hàng gặp nhau trong tiếp cận vốn, tư duy hoạt động của cả ngân hàng và DN phải cùng thay đổi. Đại diện NHTMCP HDBank cho rằng, trong thời gian tới, sẽ có rất nhiều ngân hàng nới lỏng điều kiện cho vay đối với DN tốt. Tuy nhiên, những DN khó khăn về vốn do hàng tồn kho muốn tiếp cận vốn ngân hàng cần minh bạch và thẳng thắn để ngân hàng thấu hiểu và cùng hợp tác đồng hành. Ngân hàng cũng sẽ sẵn sàng tài trợ cho hàng tồn kho hoặc những khoản phải thu của DN nhưng đó phải là hàng dễ bán, dễ quản lý và thanh khoản tốt. Ngoài ra, HDBank cũng sẽ linh động chấp nhận khoản phải thu.

Dương Công Chiến

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều