Không chỉ doanh nghiệp, khách hàng cá nhân cũng được ngân hàng “tiếp sức”

10:15 | 15/04/2020

Trước những thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19 gây ra, không chỉ hỗ trợ cho khách hàng doanh nghiệp, các ngân hàng còn tung nhiều ưu đãi, đồng hành cùng khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Dịch Covid-19 đang gây những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống xã hội và nhất là về kinh tế. Tất cả trường học, trung tâm đều ngưng hoạt động, nhiều doanh nghiệp không đủ sức chống chọi đã tuyên bố phá sản, hàng nghìn doanh nghiệp còn hoạt động được nhưng cũng phải cắt giảm quy mô sản xuất, giảm giờ làm, cắt giảm nhân sự. Chính vì vậy, nhiều người đã rơi vào cảnh mất việc. Theo dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nếu dịch Covid-19 kéo dài, số lao động mất việc có thể lên tới 1,32 triệu người.

Trước tình hình trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như của NHNN, các nhà băng đã đồng loạt tung nhiều gói ưu đãi, thực hiện nhiều hành động thiết thực như giãn nợ, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất, miễn phí các loại phí dịch vụ cho khách hàng, sẵn sàng hi sinh lợi nhuận để cùng khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

khong chi doanh nghiep khach hang ca nhan cung duoc ngan hang tiep suc
Các nhà băng sẵn sàng giảm lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn. Ảnh: ST

Đơn cử như với BIDV, nhà băng này đã có những biện pháp thiết thực để hỗ trợ khách hàng. Đối với dư nợ hiện hữu, BIDV sẽ cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đồng thời giảm đến 1%/năm (đối với các khoản vay bằng VND) cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng tín chấp trả nợ bằng lương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến thu nhập.

Đặc biệt, trường hợp người lao động mất việc được hưởng trợ cấp 1,8 triệu đồng theo định hướng của Chính phủ, BIDV sẽ giảm 2% lãi suất, đồng thời ân hạn chưa thu gốc và lãi đến hạn của các khách hàng này trong thời gian còn dịch. Còn đối với nhu cầu vay mới, BIDV hỗ trợ lãi suất chỉ từ 7%/năm đối với khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng và từ 7,5%/năm đối với khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng, áp dụng với các khoản vay giải ngân mới từ ngày 31/3/2020. Gói tín dụng lên đến 30.000 tỷ đồng sẽ được BIDV triển khai từ 31/3 đến 31/7/2020 hoặc đến khi hết quy mô gói, nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân tiếp tục sản xuất kinh doanh trong thời kỳ khó khăn bởi dịch Covid-19.

Không chỉ vậy, khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh trong thời gian này sẽ đồng thời được tham gia nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn từ các sản phẩm dịch vụ khác như ngân hàng điện tử, bảo hiểm… để quản lý hiệu quả tài khoản cá nhân như: Miễn phí duy trì dịch vụ ngân hàng điện tử; tặng đến 0,2%/năm lãi suất khi gửi tiền online; ưu đãi giảm tới hơn 70% phí chuyển tiền online ngoài hệ thống... Ngoài ra, khách hàng vay vốn còn được hưởng ưu đãi bảo hiểm và thẻ tín dụng theo từng thời kỳ.

ABBANK cũng mang đến chương trình “Vay ưu đãi – Lãi an tâm” dành cho các khách hàng cá nhân, với mức lãi suất áp dụng chỉ từ 9,7%/năm. Chương trình có hạn mức 2.000 tỷ đồng và thời gian áp dụng dự kiến đến hết ngày 30/06/2020.

Trên tinh thần “Chung tay chia sẻ - Vững bền vượt qua” trước những ảnh hưởng phức tạp của dịch bệnh, HDBank cũng triển khai gói giảm lãi suất vay ưu đãi từ 2 -4,5% cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong cả nước.

TPBank cũng dành 3.000 tỷ dành cho khách hàng cá nhân, với mức lãi suất ưu đãi giảm 1.5-2.5% so với mức lãi suất hiện hành. Bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, giãn nợ gốc và lãi cho khách hàng theo quy định thì TPBank còn thực hiện giảm lãi suất từ 0.5% - 1% với các khách hàng hiện hữu bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch, với tổng số dư nợ có thể được xem xét lên tới 30.000 tỷ đồng.

Đồng thời, nhà băng này cũng thực hiện việc miễn phí nhiều loại dịch vụ, kể cả phí rút tiền bằng thẻ ATM. Không chỉ vậy, khách hàng cũng có thể thực hiện chuyển khoản trong và ngoài hệ thống TPBank, kể cả chuyển tiền nhanh 24/7; thanh toán hóa đơn; nạp tiền điện thoại… hoàn toàn miễn phí ngay tại nhà trên ứng dụng TPBank eBank.

Quỳnh Trang

Tin đọc nhiều