Không chuyển đổi số thành công, ngân hàng sẽ mất thị phần

14:25 | 16/09/2021

Theo báo cáo mới từ nền tảng ngân hàng điện toán đám mây Mambu và The Financial Times Focus (FT Focus), hai phần ba (67%) ngân hàng tin rằng họ sẽ mất thị phần nếu không chuyển đổi số thành công trong vòng hai năm tới.

khong chuyen doi so thanh cong ngan hang se mat thi phan

Báo cáo “Tiến hóa hay tuyệt chủng” bởi FT Focus được thực hiện dựa trên hơn 500 giám đốc điều hành ngân hàng cấp cao trên toàn cầu, nhằm hiểu rõ hơn góc nhìn của họ về tình hình của ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện tại và tương lai.

Những kết quả của báo cáo cho thấy việc hiện đại hóa các dịch vụ của ngân hàng là cấp thiết, với 58% người được hỏi trên toàn cầu dự đoán ngân hàng với mô hình truyền thống sẽ hoàn toàn biến mất trong vòng 5 đến 10 năm tới, nếu không thay đổi mô hình kinh doanh.

Báo cáo của FT Focus cũng chỉ ra, khu vực Châu Á Thái Bình Dương đang có tốc độ chuyển đổi số chậm hơn so với các khu vực khác. Tuy nhiên, các ngân hàng ở khu vực này đang từng bước “bắt kịp” với thế giới, thế hiện qua tỉ lệ tăng cường dự án đầu tư vào big data (dữ liệu lớn), ML (machine learning – học máy) và blockchain (công nghệ chuỗi - khối) cao hơn rõ rệt so với các khu vực khác.

Ông Myles Bertrand, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Mambu chia sẻ: “Báo cáo này cho thấy ngành ngân hàng đang được phân cấp dựa trên cách tiếp cận chuyển đổi số của từng ngân hàng. Mặc dù chưa đến một phần ba ngân hàng trong khu vực có chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ, nhưng một nhóm các “ngân hàng tiên phong” trong lĩnh vực kỹ thuật số đã và đang nổi lên dẫn đầu xu thế. Họ được coi là những “người chơi” có tư duy tiến bộ, góp phần thiết lập lộ trình chi tiết cho công cuộc chuyển đổi số của toàn ngành, và là minh chứng thành công cho phương thức kinh doanh lấy khách hàng làm trọng tâm.”

“Bên cạnh cam kết tăng cường đầu tư vào những công nghệ mới như hiện nay, các ngân hàng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương còn cần thay đổi cách thức tiếp cận với đổi mới và chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới. Cách tiếp cận theo hướng “hệ sinh thái” này đã đem lại rất nhiều thành công cho các ngân hàng trên toàn cầu, và sẽ chứng minh hiệu quả tương tự khi áp dụng tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà một nửa ngân hàng đang lo ngại về việc thiếu những kỹ năng cốt lõi trong nội bộ để có thể chuyển đổi số.”

khong chuyen doi so thanh cong ngan hang se mat thi phan

Ông Phạm Quang Minh, Tổng Giám đốc Manbu Việt Nam, chia sẻ thêm: "Tại Việt Nam, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cao đối với các dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động của người tiêu dùng đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của các ngân hàng. Đại dịch đã góp phần đẩy nhanh số lượng giao dịch trực tuyến tại Việt Nam, tăng 66% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái (số liệu từ Vụ Thanh toán NHNN tháng 8/2021)."

Bên cạnh đó, theo ông Minh, còn có sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng ví điện tử, thanh toán qua điện thoại thông minh, mã QR, cũng như nhu cầu đối với các giải pháp “tín dụng tức thì” như Mua-Ngay-Trả-Sau, đặc biệt trong phân khúc người tiêu dùng chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng hoặc chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng một cách toàn diện.

Người tiêu dùng Việt Nam đang tìm đến các giải pháp tài chính kỹ thuật số ngày càng cao, và ngành ngân hàng đang tập trung đáp ứng những nhu cầu đó, với các ngân hàng như Timo, TNEX và Cake là những “ngân hàng kỹ thuật số tiên phong” đang thu hút sự chú ý của cả thế giới.

Đây là thời điểm mang tính bước ngoặt đối với Việt Nam, và như báo cáo đã chỉ ra, những ngân hàng đang chần chừ chuyển đổi kỹ thuật số sẽ phải đứng trước nguy cơ bị loại khỏi “cuộc đua” này.

Trên thế giới, hai phần năm (40%) trong số những người được khảo sát cho biết, sau đại dịch, họ có ý định hiện đại hoá dịch vụ để kiến tạo hệ thống trên nền tảng (platform-based), bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp để phát triển các dịch vụ ngân hàng plug-and-play (kết nối là chạy) trên các hệ thống độc lập, linh hoạt. Hiện đại hóa theo cấu trúc dựa trên nền tảng và đầu tư vào khả năng lưu trữ dữ liệu là những yếu tố chính giúp các ngân hàng kỹ thuật số tiên tiến tạo ra khác biệt với đại đa số ngân hàng hiện nay.

Ông Elliott Limb, Giám đốc khách hàng tại Mambu nhận định: “18 tháng khó khăn vừa qua đã cho các ngân hàng nhận thấy tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số mạnh mẽ và linh hoạt. Với 53% giám đốc điều hành thừa nhận rằng họ có nguy cơ bỏ lỡ các mục tiêu chuyển đổi kỹ thuật số, đã đến lúc ngành ngân hàng nói chung cần học hỏi những tổ chức tài chính “tiên phong" đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Họ là những fintechs, những ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực tài chính công nghệ với phương thức hoàn toàn trực tuyến (challenger banks) và những ngân hàng truyền thống có tư duy tiến bộ đang tập trung ưu tiên các dịch vụ theo nhu cầu và mang đến trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.”

Báo cáo cũng phân tích tiến trình chậm chạp và những thách thức mà các ngân hàng đang phải đối mặt khi họ từ bỏ các dịch vụ ngân hàng truyền thống để hướng tới thời kì kỹ thuật số.

Với gần 25% các lãnh đạo ngân hàng mô tả chiến lược kỹ thuật số của họ là “sơ khai” hoặc “mang tính thử nghiệm”, báo cáo chỉ ra sự cần thiết của việc hợp tác sâu rộng hơn trong cộng đồng ngành ngân hàng, cũng như những cơ hội dành cho những “người chơi” có tư duy tiến bộ nắm bắt được nhịp thở công nghệ thông qua các hệ sinh thái fintech.

CK

Tin đọc nhiều