QR Code thanh toán đa năng của ví điện tử MoMo hiện nay có thể quét bằng tất cả các ứng dụng ngân hàng số và các ví điện tử khác đang thu hút lượng người dùng tăng lên nhanh chóng. Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT – Tổng giám đốc MoMo cho biết, ứng dụng MoMo đang phục vụ hơn 30 triệu người dùng Việt và hàng trăm ngàn DNNVV, các cửa hàng tiện ích nhỏ lẻ thông qua việc ứng dụng công nghệ giúp họ tiếp cận các giải pháp thanh toán và tài chính số hiệu quả. Tính năng định danh trực tuyến (eKYC) của ví điện tử này còn hỗ trợ người dùng mở tài khoản ngân hàng ngay trên MoMo, qua đó giúp các đối tác ngân hàng tiết kiệm 50% chi phí mở tài khoản theo cách truyền thống. Không chỉ mở tài khoản, người dùng còn có thể đăng ký mở thẻ tín dụng, mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng ngay trên ví điện tử.
Để tạo ra những tiện ích này lĩnh vực ngân hàng đã đi đầu trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các trải nghiệm về sử dụng dịch vụ, sản phẩm. “Nhờ ứng dụng AI, chúng tôi cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính hỗ trợ các khách hàng tiếp cận các khoản vay với thời gian nhanh gấp 10-30 lần so với phương thức truyền thống với tỷ lệ phê duyệt cao gấp đôi. Chúng tôi cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) để thay đổi cách tương tác giữa máy, ứng dụng và khách hàng”, ông Nguyễn Mạnh Tường nói thêm.
Trên đây chỉ là một ví dụ về việc các tổ chức tín dụng đã thúc đẩy các phương thức thanh toán điện tử hiện đại, qua đó hạn chế áp lực tiền mặt tại các máy ATM phục vụ chi tiêu trong các dịp lễ tết.
Lãnh đạo một chi nhánh Vietcombank tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đại dịch Covid-19 bình quân một máy ATM tại các khu công nghiệp – khu chế xuất mỗi ngày luôn dự trữ khoảng 200-300 triệu đồng phục vụ nhu cầu rút tiền mặt; những ngày cao điểm cận Tết phải tiếp tiền đến ba, bốn lần mới đảm bảo phục vụ người dân.
Tuy nhiên hiện tình hình đã khác khi thanh toán điện tử phát triển mạnh mẽ đã giảm thiểu việc rút tiền mặt tại các cây ATM. Đặc biệt khách hàng cũng đang chuyển sang thẻ phi vật lý tích hợp trên ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh. Một số ngân hàng ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, số lượng máy ATM trong khoảng 5 năm gần đây không tăng, có những ngân hàng giảm vài máy mỗi năm do nhu cầu sử dụng không còn nhiều như trước đây.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Vụ Thanh toán (NHNN), tại TP. Hồ Chí Minh, nơi vốn có mật độ máy ATM khá cao, thế nhưng năm 2023 chỉ còn 4.089 chiếc.
Thực hiện chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, NHNN đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và nhiều cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các TCTD chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng, trong đó bao gồm Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của NHNN Việt Nam phê duyệt.
Cụ thể hóa các chương trình, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay các quận, huyện đang đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở các chợ truyền thống theo chủ trương chợ 4.0, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt ở khu phố thương mại, phố ẩm thực, sự kiện, lễ hội…. Hiện ngân hàng và các công ty trung gian thanh toán ở Việt Nam đã cung ứng đầy đủ các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua ứng dụng ngân hàng số, ví điện tử, Mobile Money... đã tạo ra một hệ thống liên thông thanh toán điện tử, tạo tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng nguồn lực của xã hội cho việc in ấn tiền lẻ, duy trì bảo dưỡng các cây ATM, bố trí nhân viên quản lý, kiểm đếm tiền mặt...
Minh Phương