Không thể đạt nhiều chỉ tiêu cùng lúc

11:06 | 28/03/2012

Theo Giáo sư James Riedel - Trường Đại học Johns Hopkins (SAIS, Hoa Kỳ), Giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright, để ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam không nên đặt ra quá nhiều mục tiêu cùng một lúc. Ngoài ra, nếu không lựa chọn đúng hướng đi, Việt Nam vẫn có thể rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" khi nền kinh tế còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn lao động giá rẻ. Ngoài ra, ông cũng chia sẻ thêm nhiều thông tin xung quanh vấn đề này.

Giáo sư James Riedel

Trong bối cảnh và hiện nay, đâu là thách thức và cơ hội đối với Việt Nam?

Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có sự chuyển biến rõ rệt, chuyển đổi nhanh chóng từ nước nghèo có nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường với mức thu nhập trung bình trên 1.000 USD/năm. Đây có thể coi là "kỳ tích" để nhiều quốc gia đang phát triển khác học tập. Đồng thời, Việt Nam cũng từng được kỳ vọng là "con hổ châu Á" với tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, lạm phát, giá cả tăng cao, khiến cho hoạt động của nhiều tổ chức kinh tế, doanh nghiệp gặp khó khăn. Bên cạnh đó, khủng hoảng tài chính ở các nước châu Âu, bất ổn chính trị ở Trung Đông khiến giá dầu tăng cao… cũng là những tác nhân ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam nói riêng và nhiều nước khác trên thế giới. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần sớm có giải pháp tìm hướng đi  phù hợp, để nhanh chóng ổn định nền kinh tế vĩ mô và lấy lại vị thế trên trường quốc tế.

Để làm được việc này, theo ông Việt Nam nên đặt trọng tâm vào vấn đề nào?

Từ trước đến nay, Việt Nam đặt quá nặng vào các chỉ số, tốc độ tăng trưởng kinh tế. Không riêng gì với các nước châu Á, mà cả trên thế giới, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng  trưởng kinh tế rất nhanh (chỉ sau Trung Quốc). Tuy nhiên, vấn đề lại không nằm ở tốc độ tăng trưởng là bao nhiêu và nhanh như thế nào,  mà quan trọng hơn Việt Nam đã biết khai thác tốt và hiệu quả những tiềm năng tăng trưởng sẵn có hay  chưa? Bởi đối với những nước đi sau và đi lên từ xuất phát điểm thấp có cơ hội tận dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật và ứng dụng thành công của những nước đi trước thì việc đạt được tốc độ nhanh là không quá khó. Ngoài ra, với nguồn lao động dư thừa trong nông nghiệp, chuyển dịch qua công nghiệp để đạt năng suất cao cũng sẽ tạo ra tiền đề cho Việt Nam có bước đi nhanh hơn. Cũng như nhiều quốc gia ở khu vực Đông Nam Á, hiện nay Việt Nam đang đặt chiến lược phát triển vào tiến trình công nghiệp hóa kết hợp với định hướng xuất khẩu và bước đầu đã gặt hái thành công với mô hình này. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần phát triển thành nền kinh tế tri thức, để bước lên bậc cao hơn trong chuỗi giá trị.



Cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển. (Ảnh: ĐK)

Tăng trưởng kinh tế hay ổn định kinh tế vĩ mô có phải là hai bài toán khó song hành cùng lúc không, thưa ông?

Đây không phải vấn đề mới gây  tranh cãi tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước đang lựa chọn con đường phát triển cho mình. Sau "hậu WTO" sự hứng khởi đã khiến Việt Nam có thời kỳ tăng trưởng quá nóng do chi tiêu ở khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư của Chính phủ. Khi lạm phát tăng cao thì mục tiêu ổn định kinh tế lại được đặt lên hàng đầu thay cho tăng trưởng nhanh. Song cùng với việc kiềm chế được lạm phát, cắt giảm chi tiêu, đầu tư… khiến cho nền kinh tế lâm vào khó khăn, nhiều nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa. Điều này cho thấy, không thể vừa có tăng trưởng cao, vừa có được nền kinh tế ổn định, kiềm chế được lạm phát. Nếu đặt ra quá nhiều chỉ tiêu cùng lúc sẽ khó đạt được sự ổn định, đó là bài học đã được rút ra từ nhiều nước trên thế giới.

Vậy tái cấu trúc có giúp cho nền kinh tế tăng thêm sức mạnh để duy trì và phát triển hiệu quả hơn trong tình hình hiện nay không, thưa ông?

Chính phủ Việt Nam đang có niềm tin và đặt vấn đề trọng tâm vào mục tiêu này. Tuy nhiên, quan điểm của các nhà khoa học mà biện pháp Chính phủ đang tiến hành có những điểm khác nhau. Theo các nhà khoa học, tái cấu trúc có thể hiểu làm thay đổi cơ cấu nền kinh tế, giúp các nguồn lực trong nền kinh tế phát huy hiệu quả tối đa, đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Muốn vậy cần loại bỏ những "rào cản" để cho phép nguồn lực (kể cả đồng tiền) chảy vào những nơi hoạt động hiệu quả. Còn điều Chính phủ đang làm hiện nay như làm sao cho các doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả, chuyển từ lỗ sang lời, hay tái cấu trúc hệ thống ngân hàng… có thể hiểu đây là biện pháp cụ thể áp dụng cho nền kinh tế vi mô, theo từng ngành riêng biệt. Điều này không trả lời được cho vấn đề mà nhà khoa học đưa ra là phân bổ nguồn lực đến đúng nơi cần và đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.

Theo tôi, tái cấu trúc cần tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, áp dụng mô hình tăng trưởng mới, nâng cao giá trị sản phẩm, năng suất và thu nhập của đại đa số người dân của Việt Nam. Có như vậy nền kinh tế mới thực sự phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Tuyết thực hiện

 

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều