Mức nào dùng thanh toán điện tử? | |
Thị phần ví điện tử thuộc về ai? |
Bàn sâu hơn về hạn mức trên, theo đánh giá của chuyên gia, đối với một kênh thanh toán hạn mức cho giao dịch chỉ được 100 triệu đồng/tháng là thấp. Nhưng đối với ví điện tử thì mức này hiện tại là phù hợp. Vì ví điện tử hiện tại là phương tiện thanh toán còn khá mới mẻ với nhiều người nên vấn đề hacker, mất tiền vẫn rất dễ xảy ra. Do đó, hạn mức giao dịch thấp giảm thiểu mất mát, rủi ro cho người tiêu dùng. Mặt khác điều này cũng giúp cơ quan quản lý kiểm soát rủi ro từ hoạt động rửa tiền.
Do vậy, dù đây là phương tiện thanh toán cần khuyến khích để người dân giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt nhưng cũng chỉ nên mở từng bước để kiểm soát rủi ro là hợp lý. “Trong thời gian tới khi kênh thanh toán này phổ biến hơn, thu nhập người dân được nâng cao, mức chi tiêu khách hàng tăng cao hơn, NHNN nên xem xét nâng hạn mức giao dịch trên ví điện tử”, vị chuyên gia này đề xuất.
Theo số liệu gần nhất do NHNN công bố, cả nước hiện có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. Giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy quy mô của thị trường còn khá khiêm tốn.
Vì vậy, đối với một kênh chỉ chủ yếu thanh toán giao dịch vi mô, theo lãnh đạo một ngân hàng thì mức 100 triệu đồng là hợp lý. Thực tế bản thân những người sử dụng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng về độ an toàn của ví điện tử nên bình quân giá trị thanh toán của cá nhân qua ví chỉ 5 triệu đồng. Đối chiếu con số giao dịch thực tế, thì việc áp dụng mức 100 triệu đồng/tháng cũng đã tăng rất cao, nên phần nào đáp ứng được kỳ vọng cũng như thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ phi tiền mặt.
So với Dự thảo Thông tư được đưa ra trước đó, Thông tư mới, NHNN đã bỏ đề xuất giới hạn mức giao dịch hàng ngày là 20 triệu đồng đối với cá nhân cũng như bỏ toàn bộ giới hạn giao dịch đối với tổ chức. Về việc NHNN không đặt hạn mức thanh toán theo ngày được đại diện Vụ Thanh toán cho biết, đặt mức thanh toán tối đa theo tháng là phù hợp với thông lệ quốc tế chẳng hạn như tại Trung Quốc áp dụng hạn mức giao dịch đối với ví điện tử theo năm…
Tại Thông tư 23, NHNN vẫn yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví tại ngân hàng liên kết. Về bản chất, ví điện tử là dịch vụ thu hộ, chi hộ, hỗ trợ thu hộ chi hộ và để giao dịch qua ví điện tử thì bắt buộc phải có tài khoản thanh toán liên kết tại ngân hàng. Quy định này là cần thiết vì nếu cho phép nộp tiền mặt có thể ví điện tử trở thành công cụ rửa tiền hữu hiệu. Nên cần phải yêu cầu ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng để kiểm soát đường đi của dòng tiền.
Đối với tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tại Thông tư 23, NHNN quy định không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào. Tại Thông tư 23 NHNN vẫn bảo lưu quan điểm tại Dự thảo lấy ý kiến trước đó quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.
Đối với quy định trên, trước đó đại diện một số ví điện tử có ý kiến nên tính số dư cuối ngày theo số tiền mà DN đã thực hiện chuyển cho ngân hàng nhưng có thể chưa được xác thực; quy định linh hoạt hơn về tài khoản đảm bảo thanh toán, về điều kiện mở ví bắt buộc phải có tài khoản ngân hàng...Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh, không thể đảm bảo thanh toán theo số tiền sắp được trả.
Theo ông Dũng, ngay khi các DN đã phát lệnh chuyển tiền, cũng chưa chắc các ngân hàng có thể thực hiện ngay tại thời điểm đó. Nếu có chênh lệch giữa số tiền phải thanh toán và số tiền đảm bảo thanh toán, nếu phát sinh rủi ro ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
Chưa kể, hiện tại các công ty đang nắm giữ tiền của vài triệu người dùng, nếu có vấn đề về hệ thống thì người dân biết đòi ai? Do đó, ông Dũng nhấn mạnh, các công ty tham gia bắt buộc phải đảm bảo tiêu chí về an toàn. Đây là cuộc chơi có điều kiện, không đủ điều kiện thì không thể tham gia cuộc chơi.
Giới chuyên môn cũng đồng tình cho rằng, xu hướng phát triển mạnh fintech với sự tham gia tích cực của các ví điện tử để gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ phi tiền mặt... Nhưng đây là lĩnh vực khá mới mẻ, những vấn đề đảm bảo an toàn, hệ thống dự phòng rủi ro còn chưa được tính hết. Đối với ngành Ngân hàng vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn luôn được coi là yếu tố hàng đầu không để rủi ro lây lan hệ thống được.
Bên cạnh quy định trên, tại Thông tư 23, NHNN yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử như cho phép giám sát tổng số lượng ví điện tử, tổng số dư ví điện tử của tất cả khách hàng tại thời điểm truy cập công cụ giám sát; cho phép giám sát tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, thông tin của từng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác, bao gồm tên tài khoản, số hiệu tài khoản, số dư tại thời điểm truy cập công cụ giám sát…
Với quy định chặt chẽ hơn, Thông tư 23 được kỳ vọng sẽ siết chặt hoạt động của các ví điện tử, đưa hoạt động của loại hình này đi vào quỹ đạo tránh tình trạng trăm hoa đua nở góp phần đóng góp lành mạnh cho hệ thống tài chính ngân hàng.
Hà Thành