Kiện bán phá giá: Phòng bệnh hơn chữa bệnh

14:49 | 14/03/2012

Vụ kiện về cá tra và cá basa có thể nói là vụ kiện chống bán phá giá đình đám và kéo dài nhất tại Việt Nam. Vậy trong hơn 8 năm theo đuổi vụ kiện này, doanh nghiệp (DN) thủy sản nói riêng và ngành xuất khẩu nói chung đã có được những bài học kinh nghiệm gì?

Đối với những người quan tâm đến thủy sản Việt Nam, sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần 7 (POR7) đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá được hạ xuống 0,03 USD/kg đối với các công ty là bị đơn bắt buộc, riêng Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế 0%.

Trước đó, vào đầu tháng 3, sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam cũng nhận được tin DOC hạ mức thuế chống bán phá giá đến 0% đối với nhiều công ty. Điều đó minh chứng cho sự nghiêm túc của các DN thủy sản Việt Nam trên thị trường Mỹ. Song, để lấy lại công bằng cho thương hiệu con tôm, con cá Việt Nam vẫn còn cả một chặng đường dài.

Ảnh: VnExpress

Ảnh: VnExpress

Nắm rõ luật chơi quốc tế

Sau gần chục năm theo đuổi vụ kiện cá tra, bài học lớn nhất mà Hiệp hội Các nhà xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng như các DN xuất khẩu thủy sản học được đó là phải hiểu biết luật pháp quốc tế.

Nếu như những ngày đầu DN thủy sản còn lúng túng trước việc bất ngờ bị kiện bán phá giá, thì đến thời điểm này, nhiều DN đã chuẩn bị kỹ càng hơn về vốn kiến thức luật thương mại quốc tế nói chung và luật chống bán phá giá nói r iêng. T hậm chí nhiều DN đã thuê hẳn luật sư nước ngoài để tranh tụng.

Tuy nhiên, thực tế từ các vụ kiện gần đây cũng cho thấy DN Việt Nam đang rất yếu trong việc x ây dựng một hệ thống chứng từ, sổ sách đúng với quy chuẩn quốc tế. Một khi đã tham gia vào sân chơi thương mại toàn cầu, điều này trở nên vô cùng quan trọng, bởi chỉ có một hệ thống chứng từ sổ sách đầy đủ, hợp quy mới là bằng chứng thực tiễn nhất giúp các DN chứng minh mình không bán phá giá. Ngoài ra, DN cần hợp tác với các cơ quan điều tra để cung cấp đầy đủ và kịp thời những bằng chứng này khi được yêu cầu.

Một bài học nữa tưởng như đã cũ nhưng chưa bao giờ lỗi thời đối với các DN xuất khẩu Việt Nam, đó là phải đa dạng hóa thị trường. Thường DN một khi đã tìm được thị trường xuất khẩu phù hợp sẽ chỉ tập trung vào thị trường đó mà quên mất rằng bất cứ rủi ro nào xảy ra, DN sẽ lao đao do đầu ra của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào một đối tác.

Tận dụng sức mạnh hiệp hội

Phải thừa nhận rằng, cái "được" từ những vụ kiện tôm, cá basa, cá tra chính là ngành thủy sản đã xây dựng được một hiệp hội ngành hàng vững mạnh nhất tại Việt Nam. Kinh nghiệm quốc

tế cho thấy, muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải chủ động củng cố vai trò của hiệp hội để sẵn sàng và chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh.

Hiệp hội sẽ là tổ chức pháp nhân đứng ra quy định các hành vi thị trường của thành viên, bảo vệ và nói lên tiếng nói của DN khi có tranh chấp xảy ra. Thông qua hiệp hội, các DN có thể phối hợp định giá nhằm tối đa lợi nhuận đồng thời ngăn ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ thành viên có thể dẫn đến nguy cơ toàn ngành bị kiện.

Ngoài ra, hiệp hội cũng là tổ chức hỗ trợ DN về mặt chuyên môn, kỹ năng, là nơi chia sẻ thông tin giữa các DN, phát triển cơ chế cảnh báo sớm và thiết lập cơ chế khuyến khích các DN kháng kiện để cùng hưởng lợi.

Đặc biệt, việc phối hợp nhịp nhàng giữa DN, hiệp hội và nhà nước trong các vụ kiện bán phá giá là chìa khóa dẫn đến thành công. Về phía mình, nhà nước cần tiến hành các hoạt động phổ biến kiến thức cho DN và các cán bộ quản lý để hiểu đúng về luật chống bán phá giá và các cơ chế tranh chấp thương mại khác; thiết lập một hệ thống hỗ trợ DN về thông tin, kỹ thuật, dịch vụ tư vấn trong quá trình bị kiện. Nhà nước cũng có thể nghiên cứu thành lập một quỹ hỗ trợ theo đuổi các vụ kiện đối với những ngành hay có tranh chấp thương mại quốc tế để giúp đỡ DN về mặt tài chính.

Với mạng lưới thông tin của mình, Chính phủ hoàn toàn có thể thiết lập một cơ chế cảnh báo sớm những tranh chấp thương mại có thể xảy ra để giúp DN và hiệp hội có thời gian chuẩn bị.

Cuối cùng, các chuyên gia cho rằng, tuy là phương án về lâu dài nhưng đây lại là chìa khóa mấu chốt cho vấn đề bán phá giá, đó là Nhà nước cần đẩy nhanh quá trình vận động cộng đồng quốc tế công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Bởi chừng nào chưa được công nhận, các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ còn gặp rất nhiều bất lợi khi nước khởi kiện sẽ chọn một nước thứ ba làm cơ sở so sánh về giá, dẫn đến không những nhiều lợi thế của ta không được công nhận, mà biên độ phá giá còn có thể bị đẩy lên rất cao.

Lưong Kim

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều