Kiên trì hành động để thoát thẻ vàng

09:00 | 07/10/2019

Việc châu Âu cảnh báo thẻ vàng với hải sản khai thác của Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào EU giảm mạnh, doanh nghiệp khó khăn

Tìm hướng đi cho ngành chế biến nông, thủy sản
Phát triển nghề nuôi thủy sản đại dương
Tăng lượng hàng thủy sản bán ở nội địa

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), sau 2 năm Liên minh châu Âu (EU) đưa ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác của Việt Nam, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này đã bị tác động tiêu cực rõ rệt, giảm 6,5% trong năm 2018 và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019. Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam, tới nay, EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.

Để giảm bớt khó khăn và kiên quyết với mục tiêu tháo gỡ thẻ vàng, các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực tham gia Cam kết chống khai thác thủy hải sản trái phép (IUU); thực hiện nghiêm túc chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; chỉ nhập khẩu hải sản khai thác có nguồn gốc khai thác hợp pháp, tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ, EU và Việt Nam chống khai thác IUU.

kien tri hanh dong de thoat the vang
Các doanh nghiệp hải sản Việt Nam đã rất tích cực tham gia IUU

Thực tế được ghi nhận tại các tỉnh có thế mạnh khai thác hải sản như Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, ngư dân đã triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá theo đúng Luật Thủy sản như: tất cả tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, phải gắn thiết bị giám sát hành trình để quản lý trong quá trình khai thác thủy sản. Với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 1/7/2019, tàu cá làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1/1/2020, tàu cá có chiều dài từ 15m đến dưới 24m phải được lắp đặt trước ngày 1/4/2020…

Các địa phương đều khẳng định, từ nay đến ngày 1/4/2020 sẽ hoàn tất việc tuyên truyền, phổ biến đến ngư dân việc gắn thiết bị giám sát hành trình; Thực hiện chế tài đối với thuyền đánh bắt thủy sản không tuân thủ việc gắn thiết bị giám sát là xử phạt bằng tiền từ 300 triệu - 500 triệu đồng/chủ tàu.

Hiện đã có 62 doanh nghiệp cam kết kiên quyết chống khai thác thủy sản bất hợp pháp; không thu mua hải sản đánh bắt bất hợp pháp, không xuất trình được nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, Ủy ban Hải sản của VASEP và các doanh nghiệp đang rất tích cực trong việc chung tay, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản, các đơn vị liên quan và các địa phương thực hiện các khuyến nghị của EU.

VASEP còn hợp tác chặt chẽ với Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, các bộ ngành liên quan và tổ chức quốc tế trong việc truyền thông, tập huấn về IUU cho doanh nghiệp, ngư dân; đặc biệt duy trì mối quan hệ hợp tác tốt với Ủy ban châu Âu (EC) báo cáo và chia sẻ thông tin về sự nỗ lực của Việt Nam trong hoạt động chống khai thác IUU.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP cho biết, đến tháng 11/2019 này, Đoàn kiểm tra của EC về vấn đề thực hiện IUU sẽ trở lại Việt Nam lần thứ 3 để xem xét việc khắc phục các tồn tại. Và một trong những khuyến cáo quan trọng của EC với Việt Nam là phải chấm dứt việc tàu thuyền đánh cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề Việt Nam còn chưa xử lý triệt để, khiến EU kéo dài thời hạn của thẻ vàng và có thể sẽ đưa ra thẻ đỏ đối với thủy hải sản xuất khẩu của Việt Nam và EU.

Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp (16 vụ/26 tàu/96 ngư dân vi phạm). Các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý là Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang… Điều này đã gây khó khăn lớn không chỉ cho ngư dân mà còn với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và cả ngành thủy sản nói chung.

Nhật Minh

Tin đọc nhiều