Kênh đầu tư an toàn nhất
Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, chị Mai Thanh, 40 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) được công ty thưởng khá hậu hĩnh. Sau khi bàn bạc với chồng, ngoài phần đầu tư vào công ty riêng của gia đình, chị quyết định lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng.
“Những ngày qua tình hình dịch Covid-19 chuyển biến phức tạp đã khiến kinh tế thế giới bất ổn, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước. Các kênh đầu tư khác đều khá rủi ro, chỉ có kênh tiết kiệm ngân hàng vẫn là kênh đầu tư an toàn nhất”, chị Thanh cho hay.
Ra Tết, số lượng khách hàng tìm đến kênh tiết kiệm ngân hàng gia tăng |
Lựa chọn của chị Thanh cũng là lựa chọn của rất nhiều người dân trong thời gian qua khi số lượng khách hàng đến các ngân hàng mở sổ tiết kiệm có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là trong những tháng đầu năm.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh do dịch Covid-19, nhà đầu tư cần phải xác định chính xác lĩnh vực đầu tư, lựa chọn kênh có mức độ rủi ro ít nhất, tuyệt đối không “bỏ trứng vào 1 giỏ” mới có cơ hội tạo cho đồng vốn sinh lời. Những kênh đầu tư càng có tính lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn.
Nếu như trước đây, bất động sản là kênh được các nhà đầu tư quan tâm nhất do lợi nhuận thuộc hàng “khủng” nhất thì nhiều năm trở lại đây, kênh này được giới đầu tư rất “dè chừng do các chính sách của nhà quản lý nhằm siết chặt thị trường bất động sản.
Với kênh đầu tư vàng, theo chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, sự biến động của giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố nên luôn biến chuyển phức tạp. Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư nhiều rủi ro nên ông Hiếu cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc khi đổ tiền vào vàng trong năm nay.
Theo ông Hiếu, với tâm lý “ăn chắc mặc bền” nên người dân lâu nay vẫn lựa chọn kênh ngân hàng là kênh trú ẩn an toàn nhất. Mặc dù không phải là kênh sinh lời lớn, song đây là kênh không tiềm ẩn những rủi ro nhiều như vàng hay bất động sản, chứng khoán…
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, các kênh như chứng khoán, vàng vẫn đang có những ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do đó, gửi tiết kiệm sẽ là kênh đảm bảo an toàn nhất cho nhà đầu tư, dù kênh này sinh lời không lớn nhưng các nhà đầu tư có thể yên tâm, đây chính là kênh ít rủi ro nhất trong các kênh đầu tư.
Nên chọn kỳ hạn nào?
Qua khảo sát, phần lớn khách hàng gửi tiết kiệm ngân hàng đều lựa chọn kỳ hạn trên 6 tháng do kỳ hạn này không bị Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất.
Trong khi nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước không tăng lãi suất ở kỳ hạn này, chủ yếu dao động ở mức thấp, khoảng trên 5%/năm thì nhiều ngân hàng thương mại tư nhân lại tăng lãi suất ở kỳ hạn này, dao động khoảng từ 6-7%.
MBBank hiện niêm yết lãi tiền gửi kỳ hạn 6 tháng ở mức 6,4%, tương đương với Techcombank, TPBank và Sacombank. Lãi suất tại nhóm MSB, SHB, HDBank dao động trong khoảng 6,8-6,9%/năm.
Để được hưởng lãi suất 7%/năm trở lên, khách hàng có thể lựa chọn các ngân hàng quy mô nhỏ hơn như ABBank, SCB, OCB, hay PGBank…
Đáng chú ý, CBBank (ngân hàng 100% vốn Nhà nước) đang thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng khi niêm yết mức lãi suất lên tới 7,85%/năm cho kỳ hạn trên 6 tháng. Ước tính, nếu gửi 500 triệu vào CBBank, sau 6 tháng người gửi sẽ thu lời gần 20 triệu đồng thay vì mức lãi hơn 13 triệu nếu gửi vào Agribank, VietinBank, Vietcombank, hay BIDV.
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 năm cao nhất thị trường hiện thuộc về NCB với mức lãi suất ấn tượng 8,1%. Tại mức lãi suất này, khoản tiền 500 triệu sẽ sinh lời 40,5 triệu đồng sau một năm cho người gửi, tức cao hơn gần 20% so với nhóm ngân hàng lớn.
Tuy nhiên, do là ngân hàng có quy mô nhỏ với số lượng chi nhánh, phòng giao dịch khiêm tốn, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, NCB chủ yếu thu hút khách hàng ở hai thành phố này.
Nếu muốn gửi tiền tại những ngân hàng có quy mô lớn hơn, nhiều phòng giao dịch, ATM hơn, người dân sẽ phải hạ mức lãi suất kỳ vọng xuống dưới 8%. Các nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ và trung bình, với kỳ hạn trên 1 năm, mức lãi suất chủ yếu dao động từ 7-7,9%.
Ngân hàng tiếp tục “tung” ưu đãi
Để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm, thời gian qua, một số ngân hàng vẫn tiếp tục triển khai các chương trình ưu đãi, tặng quà được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Đơn cử như chương trình “Tiết kiệm Mùa Vàng” của VPBank – một món quà đầu năm mới mà ngân hàng thiết kế nhằm tối ưu hoá lợi ích cho khách hàng của mình.
Chương trình ưu đãi dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online của Vietinbank |
Theo đó, từ 20/1 đến hết ngày 20/4/2020, khách hàng lần đầu tiên gửi tiết kiệm tại VPBank với số tiền từ 50 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên, đồng thời mở thẻ ghi nợ quốc tế VPBank sẽ được tặng ngay bình nước thể thao hoặc bộ thủy tinh Lock and Lock cao cấp.
Nắm bắt tâm lý nhiều khách hàng ngại đến chỗ đông người do lo ngại dịch Covid-19, hưởng ứng khuyến cáo của Bộ Y tế, nhiều ngân hàng đã đưa ra các chương trình ưu đãi cho kênh tiết kiệm online.
Tại SHB, từ ngày 18/2 đến hết 30/6/2020, SHB đã triển khai chương trình khuyến mại “Tiết kiệm Online – An toàn gấp 2”, giúp khách hàng có thể gửi tiết kiệm mọi lúc mọi nơi qua Ngân hàng điện tử của SHB mà không cần trực tiếp đến quầy giao dịch. Lãi suất cũng khá hấp dẫn, khoảng 7,4 – 7,9% với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Từ ngày 26/2 đến hết ngày 10/5, VietinBank cũng triển khai chương trình khuyến mãi “Tiết kiệm online, lãi cao trúng lớn”. Tham gia Chương trình, khách hàng vừa phòng tránh được dịch bệnh khi không cần đến tận quầy mà vẫn thực hiện được giao dịch gửi tiền một cách nhanh chóng thuận tiện, an toàn, vừa được hưởng những ưu đãi hấp dẫn. Chương trình mang tới cho khách hàng cơ hội trúng thưởng hàng chục điện thoại iPhone 11 Pro Max thời thượng và hàng nghìn giải thưởng giá trị khác.
Thái Hoàng