Kinh doanh từ điều nhỏ nhặt

09:39 | 12/02/2015

Giá trị cuối cùng của sản phẩm, dịch vụ là làm hài lòng người mua.

kinh doanh tu dieu nho nhat
Ảnh minh họa

Đoàn Hồng Minh, cán bộ kinh doanh của một công ty bảo hiểm, đi lướt qua khu trưng bày giỏ quà Tết và dừng lại ở chỗ bày sản phẩm đắt tiền. Sẵn sàng bỏ ra vài triệu đồng cho một giỏ quà để mua tặng các DN khách hàng lớn, nhưng cô không ưng ý với giỏ quà nào. Giỏ này thì nắp chai rượu ngoại hơi xước tem. Giỏ kia có hộp chocolate bẹp nhẹ một góc. Giỏ đẹp thì dải nơ buộc bị tước xơ ở phần đuôi nheo, nhân viên không có ở đó để đổi… Những điều nhỏ nhặt khiến sản phẩm không hoàn hảo đã ngăn cô quyết định quẹt thẻ tín dụng để mua hàng.

Trong ngổn ngang góc hàng Tết tại mỗi gia đình thời gian này, sản phẩm được chọn mua về, hay loại ra khỏi danh sách đều liên quan đến những điều trải nghiệm tiêu dùng của gia chủ. Gói cà phê hòa tan của hãng này có gờ rách nhẹ để xé được chọn mua và hàng của hãng khác không có chi tiết đó bị loại. Gói bánh kia được đóng gói nilon từng chiếc một, mở hộp không lo bánh ỉu, ăn đến đâu bày đến đó. Túi hạt hướng dương Nga được đề cao bởi vỏ mỏng mà mẩy, ăn thơm…

Kinh doanh trong điều kiện cạnh tranh, nhưng rất nhiều chủ quán ăn không hiểu được “giá phải trả” khi để khu vực vệ sinh không sạch sẽ. Hàng rửa xe mất khách vì bắt chẹt giá ngày Tết. Những chủ vườn quất Nhật Tân vắng người mua vì “đánh tráo” quất Văn Giang vào trồng. Shop thời trang phải đóng cửa vì hàng lỗi không có giải pháp khắc phục cho khách. Người bán hàng qua mạng giao hàng không đúng với yêu cầu về chất lượng, đổ lỗi cho nhân viên nhiều việc cuối năm, cận ngày khó khắc phục…

Thời của cạnh tranh, “vạn người bán trăm người mua”, bất cứ doanh nhân nào cũng muốn được như Steve Jobs, vị cố chủ tịch của thương hiệu “quả táo cắn dở”, luôn hướng tới sự hoàn thiện từng chi tiết - điều giúp ông tạo ra những sản phẩm độc đáo và vượt trội. Với các ngành dịch vụ cạnh tranh cao như những NH, tư tưởng này dường như thấm hơn. Dù bận bịu, nhiều nhà băng vẫn cắt cử nhân viên gọi điện thoại thông báo khoản vay đến hạn trong ngày Tết, nhắc phương thức thanh toán nợ để không bị tính vào nợ quá hạn; đôn đáo lo tiền mới cho các đối tác DN; chuẩn bị các cây ATM và bàn với DN hướng trả tiền tại đơn vị để giảm khó khăn rút tiền cho công nhân…

Tuy nhiên, cái khó là quan điểm đó từ người lãnh đạo DN làm sao có thể truyền tải xuống toàn hệ thống. Với đa số DNNVV của Việt Nam, rất nhiều trong số đó đi lên từ cơ sở kinh doanh của gia đình. Khi mà “đồng tiền đi liền khúc ruột”, mọi thành viên đều chăm chút để đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ mà mình cung cấp, nhằm kéo khách hàng đến với mình. Nhưng khi phát triển lên quy mô lớn hơn, phải tuyển thêm người làm thì sự đồng lòng trong hệ thống có khác. Những anh bảo vệ uể oải để khách hàng nữ tự dựng xe, những cô nhân viên cố nói nốt câu chuyện với bạn mà không kịp thời chào khách, tất cả đều đem lại thiệt hại nào đó cho DN, không dễ đo đếm.

Với mỗi DN, khi họ lên kế hoạch để quảng bá thương hiệu của mình ra thị trường, trên website luôn trang trọng những bài phân tích về ý nghĩa logo, tầm nhìn kinh doanh, trách nhiệm xã hội, thông điệp người đứng đầu… Đó đương nhiên là những điều quan trọng, bởi giá trị cuối cùng của sản phẩm, dịch vụ là làm hài lòng người mua. Và với những người tiêu dùng như Đoàn Hồng Minh, nó cần phải đến từ cả những điều nhỏ nhặt nhất, để có được sản phẩm hoàn hảo và đem lại sự hài lòng cho cả người mua và người được tặng.

Anh Quân

Tin đọc nhiều