Kỳ vọng khi đổi chủ

00:00 | 01/12/1999

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng.

Năm 2016: Một năm sôi động cho các giao dịch M&A tại Việt Nam
Hoạt động M&A gia tăng trong lĩnh vực khách sạn
M&A bán lẻ: DN nội cùng lớn hay tự triệt tiêu?!

Hơn 42,6 nghìn DN giải thể, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể chỉ trong 7 tháng đầu năm nay, theo dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy một thực trạng khó khăn của sản xuất kinh doanh. Còn nếu tính cả trong mấy năm nay, con số đã lên tới hàng trăm nghìn. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động thâu tóm và thôn tính.

ky vong khi doi chu
Ảnh minh họa

Thời gian qua, dư luận “xôn xao” nhất với 2 thương vụ lớn: Central Group mua đứt Big C Vietnam và TCC Holding thâu tóm toàn bộ Metro Vietnam Cash&Carry. Nó không chỉ đáng chú ý ở quy mô DN được chuyển giao, mà vấn đề còn gắn với chuỗi giá trị nội địa Việt Nam, với câu chuyện hàng Việt có thể mất chỗ đứng ngay trên sân nhà…

Vấn đề dường như ngày càng trầm trọng hơn. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông, nếu như năm 2009 tổng giá trị các thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) tại Việt Nam mới bắt đầu chạm mốc trên 1 tỷ USD, thì năm 2015 con số này đã lên tới 5,2 tỷ USD. Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã vượt con số 3 tỷ USD.

Ngoài lĩnh vực bán lẻ với những thương vụ đình đám như nêu trên, chỉ ít năm trở lại đây thị trường BĐS và lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng chứng kiến nhiều sự soán ngôi ngoạn mục của các ông chủ mới.

Trong đó, thị trường BĐS ghi nhận sự “dứt áo ra đi” của Keangnam (tại dự án Keangnam Landmark Tower 72 - Hà Nội) để nhường chỗ cho Mirae Asset, AON BGN; hay Kumho Industrial và Asiana Airlines (tại Kumho Asiana Plaza - TP. Hồ Chí Minh) bị thế chân bởi Mapletree Investments. Còn với lĩnh vực hàng tiêu dùng, Masan Consumer Holdings và Masan Brewery cùng “chia vốn” với Singha, trong khi Masan Nutri-Science thì thâu tóm cổ phần của VISSAN…

“Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam, trong những năm qua hoạt động M&A tại Việt Nam đã không ngừng gia tăng”, ông Đông lý giải thêm. Và điều vị này nói cũng hàm ý chuyện “đổi chủ” ở các DN đang trở thành một hoạt động bình thường, không thể cấm cản.

Tất nhiên, sâu xa đằng sau các con số về hoạt động mua bán sáp nhập nêu trên luôn là những doanh nhân phải từ bỏ ước mơ làm giàu và nỗ lực đưa DN của mình lên “top” trên. Đồng thời câu chuyện về mối liên kết DN lỏng lẻo và khả năng “đứt chuỗi” cung ứng Việt cũng đã được cảnh báo... Tuy nhiên, nhìn kỹ sự việc thì có lẽ chúng ta không phải mất tất cả.

Quỹ đầu tư BĐS tư nhân Mapletree chắc chắn không thể mang khách sạn hạng sang Kumho Asiana Plaza ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Hay chai nước tương Chinsu không vì Masan “sẻ vốn” mà dễ dàng đổi vị. Nền kinh tế và xã hội sẽ rất ít bị tác động bởi các hoạt động mua bán và thâu tóm ở các DN. Ngược lại, M&A sẽ góp phần tái cấu trúc DN, tái cấu trúc nền kinh tế; đồng thời tạo ra một thị trường tài chính, nơi mà các DN có thể tìm thêm không chỉ nguồn vốn phát triển mà cả đối tác đồng hành.

Các nguồn tài chính mới đổ vào DN có thể thổi bùng lên ý tưởng kinh doanh đúng, để cho DN tiến nhanh hơn và nâng khả năng cạnh tranh lên. Những năng lực quản trị tiên tiến từ các doanh nhân thành đạt được “truyền lửa” sang các DN khác là một hình thức nhân lên tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nguồn lực tài chính hay con người đổ vào nền kinh tế, bất kể đến từ đâu, thì đều đem lại những ý nghĩa tốt đẹp cho đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Anh Quân

Tags: #M&A
Tin đọc nhiều