Lãi suất không còn là vũ khí chiến lược

09:26 | 16/01/2020

Sau giai đoạn tái cơ cấu một số NHTMCP đã khẳng định được uy tín, vị thế trên thị trường. Họ sẽ không cần sử dụng nhiều đến “vũ khí chiến lược” là mức lãi suất cao trong huy động vốn mà vẫn có nên tảng khách hàng tốt, tỷ lệ vốn giá rẻ cao...

Năm qua, mặt bằng lãi suất tương đối ổn định và giảm khá mạnh sau khi NHNN ban hành Quyết định số 2415/QĐ-NHNN ngày 18/11/2019 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND của tổ chức, cá nhân tại TCTD theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014: lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm...
lai suat khong con la vu khi chien luoc
Ảnh minh họa

Cùng với việc phải thực hiện quy định giảm trần lãi suất huy động và đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN về giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn trong cho vay trung dài hạn đã khiến các TCTD phải điều chỉnh mạnh cơ cấu nguồn vốn theo hướng tăng vốn trung và dài hạn. Cách thức hầu hết NHTM áp dụng để đạt được mục tiêu này là tăng lãi suất huy động cho các kỳ hạn dài.

Theo đánh giá của các chuyên gia, gửi tiết kiệm hiện vẫn được coi là kênh đầu tư hấp dẫn bởi mức lãi suất cao, rủi ro thấp. Chính vì thế cạnh tranh giữa thu hút vốn giữa các NHTM khá khốc liệt. Quãng thời gian sát Tết Nguyên đán chính là những ngày các NHTM chạy đua thu hút vốn.

Bởi, không tính các cá nhân, đơn vị còn đang “đánh quả” tết thì đây là lúc nhiều người “hạch toán” doanh thu sau một năm vất vả ngược xuôi. Các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ vốn đã được ngân hàng chăm sóc cả năm, giờ có khoản tiền tạm nhàn rỗi thì hiển nhiên được giữ trên tài khoản của ngân hàng thân thiết. Vì vậy đối tượng các NHTM nhắm đến lúc này là những khách hàng mới, những người tay hòm chìa khóa trong gia đình.

Đến hẹn lại lên, hàng loạt chương trình tiết kiệm hấp dẫn được tung ra, từ “Tết đang về cùng bạn” của NHTMCP Bản Việt; “Tiết kiệm Đắc Lộc Phát” của NHTMCP Sài Gòn… đến “Gửi Tiền Rộn Ràng Quà, Vui Trọn Tết Vô giá” của VP Bank… Lãi suất huy động kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng cao nhất trên thị trường hiện nay khoảng 8% - 8,5%/năm, cá biệt có nơi lên đến 9%/ năm.

Hiện NHNN không quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng của các TCTD. Song, nếu NHTM nào có mức huy động quá cao sẽ không chỉ gây chú ý đối với khách hàng mà cả… thanh tra, giám sát ngân hàng. Hơn nữa, lãi suất huy động là chi phí đầu vào. Dù có muốn thu hút khách hàng đến đâu thì bản thân các NHTM cũng phải cân đối chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay, đảm bảo thanh khoản. Do đó, nếu NHTM tăng lãi suất huy động đột biến thông thường sẽ chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí tại một số điểm giao dịch ấn định.

Một điểm dễ nhận thấy nhất trên thị trường huy động vốn lâu nay là lợi thế luôn thuộc về các NHTM lớn, NHTM Nhà nước. Đơn cử, trong khi hầu hết NHTMCP áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đều trên 7%/năm, thậm chí 8,5%/năm thì các NHTM Nhà nước (Vietcombank, BIDV, VietinBank) vẫn… bình chân như vại với lãi suất chỉ 6,8%/năm. Ngoài lợi thế có mạng lưới điểm giao dịch rộng khắp, kinh nghiệm hoạt động kinh doanh lâu năm với uy tín, thương hiệu nhất định trên thị trường… thì rõ ràng các NHTM này còn được khách hàng “gửi trọn niềm tin” bởi là NHTM Nhà nước.

Năm 2019, tổng nguồn vốn huy động của BIDV đạt 1.349.279 tỷ đồng, tăng trưởng 12,2% so với năm 2018; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.167.995 tỷ đồng, tăng trưởng 12,7%, thị phần tiền gửi khách hàng chiếm 11,5% toàn ngành. Con số này tại Vietcombank là 1.039.150 tỷ đồng, tăng 14,1% so với năm 2018.

Trong đó, huy động vốn thị trường 1 đạt 949.865 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2018, đạt 100,4% kế hoạch… Lượng vốn huy động lớn, lãi suất thấp đã tạo điều kiện cho các NHTM nhà nước luôn đi đầu trong chấp hành các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN về giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi cho các đối tượng cần ưu tiên…

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận lợi ích mà họ đang nhận được cũng không nhỏ. Số liệu từ bộ phận vốn và kinh doanh nguồn vốn của một NHTM nhà nước cho thấy, chỉ riêng hoạt động hoạt động Tự doanh tiền gửi (Money Market: nhận tiền gửi/đi vay; gửi tiền/cho vay trên thị trường 2) đã mang lại lợi nhuận hơn 600 tỷ đồng cho ngân hàng này trong năm 2019.

Không lạc quan hay tự mãn với kết quả đạt được, giám đốc bộ phận kinh doanh vốn và tiền tệ của ngân hàng này lại tỏ ra khá lo lắng về tình hình huy động vốn năm 2020. Vị này cho rằng, khả năng mặt bằng lãi suất sẽ giảm tiếp. Khi đó khách hàng sẽ cân nhắc đến các kênh đầu tư khác. Và vì có mạng lưới rộng khắp nên chi phí hoạt động của ngân hàng lớn cũng khá nhiều.

Trong khi đó, các NHTMCP nhỏ hơn đang tỏ ra rất nhanh nhạy trong việc số hóa ngân hàng. Họ tiếp cận khách hàng nhanh hơn, với chi phí thấp hơn so với các kênh truyền thống. Nhiều NHTMCP đang có tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (CASA) khá cao, lên đến 30%.

Và một yếu tố quan trọng khác: Sau giai đoạn tái cơ cấu một số NHTMCP đã khẳng định được uy tín, vị thế trên thị trường. Họ sẽ không cần sử dụng nhiều đến “vũ khí chiến lược” là mức lãi suất cao trong huy động vốn mà vẫn có nên tảng khách hàng tốt, tỷ lệ vốn giá rẻ cao. Những yếu tố này đã khiến các NHTM nhà nước phải thận trọng với kế hoạch năm 2020: nguồn vốn huy động đa dạng, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo cân đối an toàn, hiệu quả…

thoibaonganhang.vn

Tin đọc nhiều